MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học làm sếp từ Lady Gaga

14-08-2011 - 10:37 AM |

Nhà lãnh đạo là người có những người đi theo (follower) và có sức ảnh hưởng - không hơn, không kém. Ở Lady Gaga có đủ hai yếu tố đó.

Chúng ta có nên nhìn nhận diva nhạc Pop Lady Gaga như một hình mẫu cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không? Điều đó nghe có vẻ lạ lùng?

Thông thường, các giám đốc điều hành tin rằng không có điều gì họ có thể học hỏi từ các nghệ sĩ nổi tiếng bởi vì họ quá cách xa với thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, ba học giả về quản lý, Jamie Anderson và Joerg Reckhenric của trường quản lý Antwerp tại Bỉ và Martin Kupp của trường quản lý và công nghệ châu Âu tại Berlin là tác giả của nghiên cứu có tên: "Lady Gaga: Sinh ra như vậy?" và họ có ý kiến khác.

Trước khi đi sâu vào những phát hiện của nghiên cứu này, chúng ta hãy làm rõ về thuật ngữ "sự lãnh đạo". Có hàng trăm định nghĩa về sự lãnh đạo, nhưng tôi có hai định nghĩa ưa thích. Peter Drucker, người có lẽ là nhà tư tưởng quản lý vĩ đại nhất thời đại chúng ta nói rằng "Định nghĩa duy nhất về một nhà lãnh đạo là người có những người đi theo (follower)" Và định nghĩa của John Maxwell một chuyên gia Mỹ có uy tín về sự lãnh đạo là "Sự lãnh đạo là sức ảnh hưởng - không hơn, không kém."

Lady Gaga phù hợp với cả hai định nghĩa.

Vào năm 2010, Lady Gaga được tạp chí Time đánh giá là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm. Cô là một trong những ca sỹ bán chạy nhất trên thế giới. Cô ca sỹ người Mỹ 25 tuổi này được dự đoán là sẽ tạo ra doanh thu khoảng 100 triệu USD trong năm nay.

Lady Gaga cũng là một ngôi sao truyền thông xã hội lớn. Cô là người đầu tiên đạt tới mức 10 triệu người xem trên Twitter. Cô có 41 triệu người hâm mộ trên Facebook và đã đạt tới mốc 1 tỷ lượt xem trên YouTube.

Lady Gaga có cái mà Anderson, Reckhenric và Kupp gọi là "thể hiện sự lãnh đạo". Đây là một khái niệm trong đó sự giao tiếp, hành vi và nguyện vọng kết hợp lại để mang đến cho một nhà lãnh đạo sự công nhận rộng rãi trên toàn một ngành hoặc lĩnh vực của đời sống công cộng. Thể hiện sự lãnh đạo chính là về việc thu hút người theo gót - rốt cuộc thì một nhà lãnh đạo thực sự chỉ tồn tại nếu anh ta hoặc cô ta có thể kích thích lòng trung thành ở những người khác.

Các nhà xã hội học và giáo sư trường Harvard Howard Gardner nói rằng để đạt được điều đó từ khán giả, các nhà lãnh đạo sử dụng ba kiểu câu chuyện phổ biến - rất giống với những kiểu câu chuyện được sử dụng Lady Gaga sử dụng hiệu quả:

1. Tôi là ai? Một câu chuyện cá nhân về kinh nghiệm sống và làm thế nào nó định hình cá tính và tính nết của tôi.

Lady Gaga nhấn mạnh rằng cô là một đứa trẻ kỳ lạ ở trường nhưng được thúc đẩy sáng tạo. Cô mô tả bản thân như một người không chịu theo các quy tắc và một linh hồn lạc mất những người đồng hành.

2. Chúng tôi là ai? Một nhóm bị hút vào những giá trị và mô hình hành vi chung.

Ngôi sao nhạc pop gây nhiều tranh cãi gọi người hâm mộ mình là "những con quái vật nhỏ của tôi" và bản thân mình là "quái vật mẹ". Cô nói với họ rằng kỳ quặc cũng chẳng sao - một thông điệp gửi tới những người hâm hộ của cô mà rất nhiều trong số đó là người trẻ tuổi có thể thông hiểu. Nó đã trở thành một khuynh hướng đích thực.

3. Chúng tôi đang đi đâu? Các thông điệp về các nhiệm vụ tập thể, giải thích điều gì mới và đang tạo ra cảm giác hứng khởi về định hướng.

Lady Gaga đẩy mạnh những quyền đồng tính nam và đồng tính nữ và tán dương sự tự thể hiện mình. Cô nói với những người hâm mộ cô rằng cùng nhau họ có thể thay đổi thế giới.

Theo Reckhenrich, Lady Gaga đã học hỏi một cách hoàn hảo nghệ thuật kết nối người hâm mộ trên những nền tảng truyền thông xã hội khác nhau mà ông gọi là "nền tảng cho sự thân mật đại chúng."

Các tác giả của nghiên cứu này tin rằng khả năng xây dựng cam kết cảm xúc trong những người mà cô dẫn dắt là một năng lực tăng giá trị trong thế giới kinh doanh ngày nay. Theo một bài báo gần đây trên The Economist đề cập đến Lady Gaga như môt biểu tượng về sự lãnh đạo, công ty tuyển dụng giám đốc điều hành châu Âu Egon Zehnder hiện đang làm việc với các tác giả của trường hợp nghiên cứu để tìm ra cách xác định các ứng viên cho vị trí hàng đầu của các công ty có năng lực để "thể hiện sự lãnh đạo" theo cách mà Lady Gaga làm.

Trong thế giới ngày nay nơi các nhân viên khát khao ý nghĩa và mục đích tại nơi làm việc thì điều quan trọng là các nhà lãnh đạo sử dụng các câu chuyện kể và sự thể hiện để đưa khán giả đi cùng mình trên cuộc hành trình tổ chức của họ.

Một ví dụ tốt từ thế giới doanh nghiệp trong bối cảnh này là Steve Jobs, vị giám đốc điều hành mang tính biểu tượng và có tầm nhìn của Apple - người đàn ông đã tạo ra thương hiệu giá trị nhất thế giới. Jobs đã có can đảm và cả sự tổn thương để kể câu chuyện cá nhân của mình. Ông đã bỏ học, bị sa thải bởi công ty mà ông thành lập và sau này lại được thuê lại.

Jobs luôn mơ về việc thay đổi thế giới, một giấc mơ mà nhiều người có thể hiểu. Giấc mơ đó tiếp sức cho sự phát triển các sản phẩm mang tính sáng tạo cao, thúc đẩy bởi thiết kế và thay đổi thị trường của Apple.

Giống như Lady Gaga, Jobs lựa chọn vị thế của người ngoài cuộc cho sự giao tiếp của mình. Ông nói: "Đây là cho những người điên cuồng. Những người không thích nghi với ngoại cảnh. Những người tạo ra rắc rối Những người nhìn thấy sự khác biệt. Trong khi một số người có thể nhìn nhận họ là những kẻ điên, chúng tôi coi họ là những thiên tài. Bởi vì những người đủ điên để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới là những người làm được điều đó."

Có một câu chuyện nổi tiếng về các nỗ lực của Jobs để thu hút người đàn ông lúc đó là giám đốc điều hành của Pepsi, John Sculley, về lãnh đạo Apple. "Ông muốn bán nước đường cả đời hay ông muốn thay đổi thế giới?" Jobs đã hỏi Sculley lúc đó vẫn còn lưỡng lự khi thuyết phục ông trở thành giám đốc điều hành của Apple - vị trí mà sau này Sculley đã đảm nhiệm từ năm 1983 đến 1993. Tầm nhìn của Job là để thay đổi thế giới và mọi người tin vào ông.

Lady Gaga và Steve Jobs đều kiếm cho mình những người theo gót hết mình và đông đảo. Kỹ năng kể chuyện và giao tiếp vô cùng hiệu quả của họ có vai trò cốt yếu với điều đó. Vì vậy lần tới bạn nói với nhóm của bạn, dành thời gian để suy nghĩ trước câu trả lời cho ba câu hỏi phổ biến nói trên và chắc rằng bạn liên kết với nhóm của mình trên nền tảng cảm xúc. Sau cùng, chúng ta biết rằng "cảm xúc tạo ra động lực" và rằng đó là những gì chúng ta muốn: chuyển động cùng với những người của mình hướng tới một tầm nhìn chung.

Theo Tuyến Nguyễn

VEF

ngocdiep

Trở lên trên