MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nguyên nhân chủ quan trong nội bộ khiến Start-up tan rã

16-06-2014 - 11:41 AM |

Lời dẫn từ Ban biên tập: "Vạn sự khởi đầu nan", việc start-up mọc lên rồi đổ vỡ không phải là chuyện gì xa lạ với những người khởi nghiệp. Nhưng vì sao start-up đổ vỡ thì lại có hàng tá nguyên nhân. Và nếu start-up của bạn tan rã vì những lí do mang tính chủ quan trong nội bộ, dù việc kinh doanh vẫn phát triển tốt thì thật đáng tiếc. 

CafeBiz xin đăng tải bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối Thương mại - Điện tử VCCorp về những nguyên nhân chủ quan trong nội bộ khiến Start-up tan rã.


Thật buồn là gần đây tôi chứng kiến nhiều start-up tan rã. Nguyên nhân: vì sai hướng, vì không có tiền hay có quá nhiều tiền, vì thiếu kinh nghiệm, vì quá tham vọng,... Nhưng đáng buồn nhất là start-up chết vì yếu tố chủ quan trong nội bộ mặc dù việc kinh doanh phát triển tốt.

Phần lớn các startup hiện nay thường có các đồng sáng lập là bạn bè của nhau. Do vậy họ khá chủ quan trong việc nghĩ rằng bạn bè thì thoải mái, sao cũng được. Đó là sai lầm lớn. 

Tôi nhận thấy các nguyên nhân chủ quan trong nội bộ mà các start-up hay mắc phải, đó là:

1. Không có người quyết định cuối cùng

Nhiều sáng lập viên thời gian đầu cứ nghĩ thôi thì cứ làm đi, việc ai người đó làm, hãy cứ "stay hungry, stay foolish" ("Cứ ngây thơ, cứ dại khờ" - Steve Jobs). Tuy nhiên khi gặp vấn đề gì thì bắt đầu loạn sới, không xác định được ai là người có quyền quyết cuối cùng, dẫn đến mâu thuẫn và đổ vỡ.

Do đó cần thiết lập quyền quyết cho mỗi nhà sáng lập và điều hành ngay từ đầu, tránh ông nào cũng to vì đều nghĩ mình là đồng sáng lập.

2. Không minh bạch tài chính

Khởi nghiệp rất nhiều khoản phải chi nhỏ nhặt. Nhiều bạn khá chủ quan không ghi chép đầy đủ, cứ thế chi rồi quên, đến khi quyết toán thì không chỉ ra được gây nghi ngờ nội bộ. 

Do vậy dù là khởi nghiệp cần tinh gọn nhưng bắt buộc phải có kế toán để có thể ghi chép và làm sổ sách, chứng từ những khoản thu chi. Cần quy định rõ định mức và các lý do chi cho mỗi người điều hành.

3. Không xác lập chế độ, quyền lợi từ đầu

Cần rạch ròi quyền lợi và nghĩa vụ của từng sáng lập viên, giữa người góp tiền và người góp sức, điều hành. Cần có hạn mức lương và thưởng phạt theo các mục tiêu cho những người làm trực tiếp ngoài việc hưởng cổ tức theo tỷ lệ % cổ phần. Điều này giúp cho người vừa góp tiền vừa góp sức cảm thấy thoải mái và nhiệt huyết chứ không phải cào bằng quyền lợi theo tỷ lệ cổ phần đóng góp, người làm nhiều và người chỉ góp tiền lại được hưởng như nhau.

Việc xác lập quyền lợi, trách nhiệm do HĐQT đưa ra ngay sau khi thành lập công ty, tránh cho việc đổ lỗi khi thất bại hoặc mâu thuẫn quyền lợi khi thành công.

(Xem thêm: 4 điều khởi nghiệp viên cần biết khi thuê những nhân sự đầu tiên)

4. Không xác lập quyền đấu tố

Mặc dù đã phân quyền hạn cho mỗi người, nhưng cần đặt ra những cấp báo động của dự án để khi đó bất kỳ sáng lập viên nào cũng được quyền yêu cầu những người khác giải trình tuỳ theo cấp báo động. Tránh việc khi dự án đi không như mong đợi, những sáng lập viên muốn tìm hiểu lại nguyên nhân thì người được hỏi lại từ chối vì không phải việc của những người kia hoặc cấp bậc thấp hơn nên không có quyền.

5. Không liên tục đưa ra các KPIs ngắn hạn (KPI - Key Performance Indicator: Chỉ số đánh giá thực hiện công việc)

Do mới khởi nghiệp hầu hết đều thiếu kinh nghiệm, việc lập ra các KPIs ngắn hạn là điều vô cùng cần thiết, nó giúp cho việc định hướng, thay đổi kế hoạch kịp thời, tránh sai lầm đi quá xa không kịp sửa chữa. 

Mặt khác, việc lập ra các KPIs ngắn hạn giúp cho các sáng lập viên dễ dàng quyết định đẩy mạnh làm tiếp hay cầm chừng tìm hướng khác hay dừng dự án.

6. Thiếu tôn trọng và lắng nghe nhau

Đây là nguyên nhân cuối cùng tôi đề cập nhưng cũng là nguyên nhân quan trọng nhất khiến startup đổ vỡ ngay cả khi dự án đang thành công. 

Việc thiếu tôn trọng nhau sẽ khiến cho động lực làm việc giảm sút, sinh nghi ngờ nhau và chia rẽ nội bộ. Việc không nghe ý kiến của nhau dẫn đến mâu thuẫn cá nhân và hành xử không dựa trên nguyên tắc vì công việc. Do vậy muốn thành công, hãy xây dựng một đội ngũ đoàn kết kể cả khi khó khăn, thất bại lẫn sau khi thành công.

Vậy đấy, nếu bạn chuẩn bị khởi nghiệp hoặc đang khởi nghiệp, nếu thấy nội bộ chưa làm những điều trên thì hãy thực hiện ngay đi. Khi xảy ra chuyện bạn sẽ thấy nó không thừa đâu.

>> Ông Lý Quí Trung: 'Thất bại là mẹ thành công', nhưng không thất bại thì tốt hơn

Nguyễn Văn Tuấn

Giám đốc Khối Thương mại - Điện tử VCCorp

kyanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên