MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quick MBA] Tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu kinh doanh: Nhìn xa, trông rộng

12-09-2014 - 09:00 AM |

Nếu như tầm nhìn, sứ mệnh là một con đường dài, thì mục tiêu kinh doanh là một điểm đến xác định trên con đường đó.

CafeBiz trân trọng giới thiệu Series mới mang tên "Quick MBA", với nội dung là những bài học nhanh và súc tích về quản trị kinh doanh, dành cho lãnh đạo các cấp, các nhà quản trị, doanh nhân và những ai quan tâm đến quản trị kinh doanh.

Phần đầu tiên của "Quick MBA" là nội dung về "Chiến lược kinh doanh", do tác giả Đặng Nguyên Cường thực hiện. Series sẽ được CafeBiz đăng tải vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.


Lời tựa tác giả: Bộ chiến lược kinh doanh được viết dựa trên giáo trình “Crafting and executing strategy” của tác giả Thompson bản 2013. Đây là bản tóm lược và có nhiều chi tiết được mở rộng ra ngoài cuốn sách trên. Các bạn nên tìm đọc quyển sách gốc hoặc các cuốn sách về chiến lược kinh doanh khác để có được thông tin đầy đủ hơn.

Bài trước: Nhập môn: Thương trường là chiến trường

Bài 2: Tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu kinh doanh

“Nhìn xa, trông rộng”

Khi lên một kế hoạch kinh doanh, chúng ta cần biết mình đang đi tới đâu. Chiến lược được vạch ra là bước sau khi chúng ta đã xác định tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu cho công ty (vision, mission, objective).

Tầm nhìn (Vision): "Where we are going?" Tóm lại là chúng ta sẽ đi đâu, tương lai sẽ ở đâu. Tầm nhìn sẽ xác định con đường đi dài hạn cho công ty. Một ví dụ cổ điển là Henry Ford (người sáng lập hãng ô tô danh tiếng Ford) xác định viễn cảnh trong mỗi gara của người Mỹ sẽ đều có ô tô.

Sứ mệnh (Mission): Mục đích bạn đến trái đất là gì? Sứ mệnh nói về hiện tại, ta là ai, ta làm gì và tại sao ta lại xuất hiện.

Objective (Mục tiêu): Hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh bằng mục tiêu với con số cụ thể, đo đếm được kèm thời gian hoàn thành. Mục tiêu bao gồm cả mục tiêu tài chính (doanh thu, lợi nhuận…) và mục tiêu chiến lược (thị phần, sản phẩm mới…).

Một thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam ra chiến lược theo kiểu làm đến đâu sửa đến đó. Cách làm này cũng có thể mang lại thành công, nhất là trong môi trường kinh doanh nhiều biến động như Việt Nam. Nhưng thiếu một tầm nhìn khiến doanh nghiệp chỉ luẩn quẩn trong một quy mô hẹp, khó có thể bứt phá. 

(Xem thêm: Ở Châu Á, 80% CEO không cần bằng MBA)

Trên khía cạnh ngược lại, từ tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp, ta có thể đoán ra phần nào chiến lược mà doanh nghiệp sẽ thực hiện.

Starbucks đã thay đổi tầm nhìn của họ từ giai đoạn khởi đầu cho tới khi trở thành số 1 thị trường. 

Năm 1980, tầm nhìn của Starbucks là phát triển vượt ra khỏi một khu vực (Seattle) và trở thành một công ty trên phạm vi quốc gia đưa đến cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ chất lượng được truyền tải bởi đội ngũ nhân viên thấu hiểu những giá trị của Starbucks. 

Tới năm 2010, Starbucks có tầm nhìn là một công ty toàn cầu có vị thế dẫn đầu thị trường trong ngành cà phê và nhấn mạnh vào trách nhiệm xã hội của công ty. 

Sự thay đổi về tầm nhìn cho thấy sự phát triển về quy mô (từ một khu vực → quốc gia → toàn cầu) cho tới sự thay đổi về chiến lược. 

Nếu trước đây Starbucks nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chiến lược của họ sẽ là khác biệt hóa (loại cà phê tốt nhất, giá cao cấp, dịch vụ hoàn hảo, nơi chốn thứ ba…) thì hiện tại với việc khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành, Starbucks có lợi thế về chi phí, chiến lược của họ rất có thể có sự kết hợp với chiến lược hướng tới chi phí thấp (xin lưu ý chi phí thấp không đồng nghĩa với giá bán thấp).

Lấy một ví dụ khác. Công ty cổ phần Kinh Đô có tầm nhìn là “mang hương vị đến cho cuộc sống mọi nhà bằng những thực phẩm an toàn, dinh dưỡng, tiện lợi và độc đáo”. Sứ mệnh của họ “không ngừng sáng tạo mang lại những trải nghiệm mới lạ về hương vị cùng cam kết về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…”. 

Cách xác định tầm nhìn và sứ mệnh của Kinh Đô là khá rõ ràng. Họ đã thoát khỏi hình ảnh một công ty bánh kẹo, mà là một doanh nghiệp thực phẩm với việc nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm (an toàn, dinh dưỡng, tiện lợi, độc đáo). Với cách nhìn này, chiến lược của Kinh Đô nhiều khả năng là khác biệt hóa dựa trên sự sáng tạo.

Nếu như tầm nhìn, sứ mệnh là một con đường dài, thì mục tiêu kinh doanh là một điểm đến xác định trên con đường đó. Mục tiêu được cụ thể hóa bằng con số, có thời hạn và các chỉ tiêu. Thông tin này sẽ thường được cung cấp trong đại hội cổ đông, thông cáo báo chí, báo cáo kế hoạch và là cách đo lường hiệu quả của chiến lược đã đề ra.

Bài viết tiếp theo sẽ nói về phân tích vĩ mô, mời quý độc giả đón đọc vào thứ Ba, ngày 16/9/2014.

>> Muốn bán được hàng? Hãy xác định đúng sứ mệnh doanh nghiệp

[Quick MBA] Nhập môn: Thương trường là chiến trường (2)

kyanh

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên