MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai Ấn Độ phụ thuộc vào giai cấp trung lưu

27-07-2013 - 09:49 AM |

Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) chỉ có 1/4 trong số 1,2 tỉ dân Ấn Độ được xem là giai cấp trung lưu. Thu nhập của họ nằm ở 1/3 trên trong xã hội, nhưng với tổng số, họ suýt soát dân số Hoa Kỳ. Tầng lớp trung lưu này chỉ chiếm 25% dân số, so với 63% tại Trung Quốc, 50% ở Bhutan và 40% tại Pakistan.

Viện nghiên cứu McKinsey Global ước tính tổng sức tiêu thụ của Ấn Độ sẽ gia tăng gấp bốn lần trong 20 năm (từ 2005 - 2025) và đến năm 2025, giai cấp trung lưu tại Ấn Độ sẽ chiếm ít nhất 583 triệu người, biến bán lục địa này trở thành thị trường tiêu thụ đứng hàng thứ năm trên thế giới. Ejaz Ghani, thuộc Ngân hàng thế giới lạc quan hơn: năm 2025 giai cấp trung lưu Ấn Độ sẽ lên đến một tỉ người, chiếm 2/3 dân số khi đó. 

Số phận của giai cấp trung lưu và nền kinh tế Ấn Độ liên kết nhau khắng khít: với thu nhập gia tăng, họ sẽ tiêu thụ nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu và sản xuất tăng, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho cả những người nghèo.

Thế nhưng, một nghiên cứu chi tiết về giai cấp trung lưu cho thấy có “tử huyệt” trong vòng xoáy tăng trưởng chóng mặt này. 4/5 giai cấp trung lưu nằm trong khả năng mua sắm thấp, với chi tiêu hàng ngày trong khoảng 2 - 4 đôla. Trong số 224 triệu người đó, phần lớn không được học hành nhiều, có việc làm bất ổn và không được bảo hiểm xã hội. Chỉ cần một cuộc khủng hoảng đầu tiên, họ rơi ngay xuống hạng nghèo.

Sự bất ổn này đặt Ấn Độ vào thế tiến thoái lưỡng nan về kinh tế và chính trị: khi nào giới trung lưu không có thu nhập và sức mua ổn định, sự đóng góp vào kinh tế của nó trở thành vô nghĩa, khi các thành viên đòi hỏi nơi chính phủ những giải pháp phi thực tế, lại được giới truyền thông khuếch đại lên. 

Sức mua của giai cấp trung lưu thấp bị giới hạn. Giai cấp trung lưu trung bình (chi tiêu mỗi ngày 4 - 10 USD) và cao (chi tiêu mỗi ngày 10 - 20 USD) gộp lại khoảng 50 triệu người. Họ là nhóm tinh hoa so với dân chúng Ấn Độ, nhưng theo tiêu chuẩn thế giới, họ không được xem là giai cấp trung lưu thực sự. 

Phần lớn giai cấp trung lưu trung bình và cao của Ấn Độ là quan chức. Họ dựa vào nhà nước và nhà giàu để kiếm việc làm. Họ dựa vào nhà nước và... nhà nghèo để tạo ra tài sản, và hưởng dịch vụ với giá rẻ.

Giai cấp trung lưu chủ xí nghiệp không đủ mạnh cho một đất nước tầm cỡ như Ấn Độ. Giai cấp trung lưu này chỉ thích đi làm thuê hơn đứng ra làm chủ. Họ chưa có thói quen tự mình thành lập xí nghiệp. “Tử huyệt văn hóa” này xuất phát từ cấu trúc xã hội phong kiến của Ấn Độ, và sự xuất hiện của giai cấp trung lưu dưới thời thực dân trong khoảng giữa thế kỷ 19.

Theo Phụng Cao

duchai

Trở lên trên