MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel tuyên bố chuyển hướng chiến lược nhắm tới mạng cố định băng rộng

26-11-2013 - 18:08 PM |

Một tuyên bố khá bất ngờ của Viettel đưa ra tại Telecomp 2013 là sẽ chuyển hướng chiến lược từ di động sang mạng cố định băng rộng.

Nội dung nổi bật:

- Theo Phó tổng Viettel, Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới nghề chính là di động tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang cố định băng rộng. 

- Viễn thông là hạ tầng quốc gia: Mạng cố định băng rộng chính là cơ sở hạ tầng tương lai cho một quốc gia, cho cả mạng di động và cho cả các ứng dụng băng rộng. 

- Để chuyển đổi về hạ tầng viễn thông thành hạ tầng thông tin quốc gia sẽ phải từ bỏ khái niệm phần trăm người sử dụng mà chuyển sang khái niệm mọi người và mọi nhà. 



Phát biểu tại Hội thảo Telecomp 2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng -Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới mà nghề chính là di động thì bây giờ tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang cố định băng rộng. Lý do mà Viettel nói đến cố định băng rộng là vì chỉ duy nhất điều này mới giải được câu chuyện băng thông cố định.

Ông Hùng cho rằng, trên 10 năm chúng ta nghĩ rằng mạng cố định sẽ chết. Nhưng Viettel thì nhìn thấy rằng, mạng cố định sẽ có sự trở lại, chỉ có điều đó là mạng cố định băng rộng. Nhìn vào số liệu ở những nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng của mạng cố định băng rộng là 40%/ năm. 

Có một điều ít người nói đến, đó là mạng cố định chính là nền tảng cho mạng di động băng rộng. Bởi mạng di động băng rộng trong tương lai là những trạm rất nhỏ, mỗi gia đình lắp một trạm hoặc mỗi toà nhà có 1 trạm. Muốn làm được chúng ta phải có một đường Internet băng rộng đến từng hộ gia đình, từng toà nhà. Ai làm được việc đó? Chỉ có mạng cố định băng rộng. 

Đối với quốc gia, đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm dể nhận thức đúng về mạng cố định băng rộng. Nó chính là cơ sở hạ tầng tương lai cho một quốc gia, cho cả mạng di động và cho cả các ứng dụng băng rộng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích tiếp: "Nhiều quốc gia đã ý thức được chuyện này nên người ta đưa ra khái niệm: Viễn thông là hạ tầng quốc gia. Chữ "quốc gia" hiểu theo mấy nghĩa:một là, phải phổ cập, nghĩa thứ hai là ở những chỗ khó khăn quá thì Chính phủ bỏ tiền ra làm. Hiện nay, đã có trên 50 quốc gia đi theo hướng này, thậm chí có một số quốc gia cực đoan đến mức yêu cầu các nhà mạng không làm nữa, Chính phủ bỏ tiền ra làm. 

Ví dụ để thực thi chính sách này, Chính phủ Úc không cho nhà mạng làm hạ tầng mà Chính phủ đứng ra làm, vì vậy, nhà mạng bắt buộc phải chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi về hạ tầng viễn thông thành hạ tầng thông tin quốc gia sẽ phải từ bỏ khái niệm phần trăm người sử dụng mà chuyển sang khái niệm mọi người và mọi nhà

Bên cạnh đó, băng hẹp chỉ dành cho nhắn tin và thoại từ 100 năm nay sẽ phải chuyển thành băng rộng để phục vụ được mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 100 năm trước ngành viễn thông chỉ có mỗi 1 dịch vụ là "alo" và không phải sáng tạo gì nhiều, nhưng bây giờ muốn xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì không phải chỉ có 1 dịch vụ như truyền thống mà sẽ phải sáng tạo ra rất nhiều dịch vụ.

Cho dù ông Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố chiến lược của Viettel rất tường minh, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được. Trên thực tế hiện nay chỉ có VNPT và Viettel đủ năng lực thực thi chiến lược trên. 

Thế nhưng, trong vòng 10 năm qua, VNPT luôn gặp những vấn đề chi phối ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện giờ, VNPT phải thực hiện việc tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ nên phải mất một thời gian nữa mới tập trung chiến lược phát triển của mình một cách rõ ràng. Tuy nhiên, những tuyên bố tuy ít ỏi của lãnh đạo VNPT gần đây cũng đủ cho thấy chiến lược mà VNPT nhắm tới cũng có nhiều điểm tương đồng với chiến lược của Viettel.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định Viettel đã làm nên kỳ tích về di động của Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược băng rộng cố định sẽ khó hơn nhiều vì phụ thuộc vào yếu tố nội dung, đó là điều mà các doanh nghiệp viễn thông đang yếu thế.

Theo Thái Khang

kyanh

ICT News

Trở lên trên