MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán thương hiệu: P/S được nhiều hơn mất

11-03-2013 - 16:36 PM |


Công ty P/S nằm sâu trong một con hẻm ở Thủ Đức. Cách bày trí từ ngoài cổng vào đến văn phòng giống như cách đây vài chục năm.

Công ty Cổ phần P/S đã bán thương hiệu kem đánh răng P/S cho Unilever năm 2003. Ngày nay tên công ty vẫn còn, song nhãn hiệu kem P/S không thuộc về họ nữa.

Quyết định đúng

Sau năm 1975, hai hãng kem đánh răng nổi tiếng lúc bấy giờ là Hynos và Kolperlon sáp nhập lại thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Tuy nhiên, sản phẩm không bán được nên công ty quyết định đổi tên sản phẩm theo tên của kem đánh răng P/S được nhập khẩu về trước đó. Cái tên kem đánh răng P/S bắt đầu được biết đến rộng rãi và nhanh chóng chiếm 60% thị trường vào những năm 1988-1993.

Kinh tế mở cửa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn. Tập đoàn Unilever thuyết phục được Công ty Hóa phẩm P/S tham gia liên doanh vào năm 1997, lập ra công ty Elida P/S, cùng khai thác nhãn hiệu P/S.

Lúc này, Công ty Hóa phẩm P/S không còn sản xuất kem đánh răng P/S nữa mà chỉ gia công vỏ hộp kem đánh răng bằng nhôm cho liên doanh này. Unilever đòi công ty P/S phải chuyển từ ống nhôm sang ống phức hợp nhưng lúc này P/S chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đến năm 2003, Unilever đã trả 6,5 triệu USD để P/S đầu tư nhà máy sản xuất vỏ nhựa theo đúng yêu cầu của Unilever. Khi nhà máy vận hàng, sản phẩm lại không được Unilever chấp nhận do không đáp ứng tiêu chuẩn. Unilever chi thêm 3,5 triệu USD để P/S trả lương công nhân. Đồng thời, Unilever trả 5 triệu USD để mua đứt thương hiệu kem đánh răng P/S. Đến đây, công ty P/S đã không còn liên quan đến sản phẩm kem đánh răng mang tên mình.

Ông Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần P/S cho rằng bán như vậy là được chứ không mất. Tại thời điểm kinh tế mở cửa, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rất gay gắt, nếu không liên doanh thì sản phẩm của công ty lúc đó cũng bắt đầu chững lại và công ty cũng phải cạnh tranh gay gắt với thương hiệu khác. Vì vậy, bán thương hiệu thời điểm đó và thu về tổng cộng 14 triệu USD là tốt cho P/S.

Nhìn Hynos ngẫm P/S

Mất thương hiệu P/S, công ty này bắt đầu dựa vào thế mạnh sản xuất ống đựng kem. Khi các loại kem đánh răng trên thị trường bắt đầu đổi sang dùng ống nhựa, P/S đầu tư dây chuyền sản xuất ống nhôm cho một số ngành dược phẩm và một số thương hiệu mỹ phẩm như Dược Hậu Giang, Shinpoong, Medipharco, Pharmedic, Phil Interco, Rohto, Aventis.

Vốn từng tham gia sản xuất các loại chất tẩy rửa như dầu gội đầu P/S, nước rửa chén, nước tẩy Javel, nước làm mềm vải..., công ty tập trung sản xuất một số sản phẩm nước rửa chén P&C, nước tẩy vải Javel P&C bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, P/S bắt đầu gia công sản xuất kem đánh răng xuất khẩu và sản xuất nhãn hàng riêng cho một số công ty nước ngoài.

Công ty Cổ phần P/S cũng bắt đầu phục hưng lại sản phẩm kem đánh răng Hynos sau khi cổ phần hóa vào năm 2007. Hynos từng được nhiều người ở miền Nam biết đến vào những năm 60-70, thậm chí bán sang một số nước Đông Nam Á. Sau năm 1975, Hynos sáp nhập với sản phẩm Kolperlon và chuyển tên thành P/S. Tại văn phòng của P/S, hình ảnh anh Bảy Chà da đen, miệng cười khoe hàm răng trắng vốn đại diện cho thương hiệu kem đánh răng Hynos thời trước vẫn được treo trịnh trọng trong phòng khách.

Tập thể công ty hy vọng thói quen hoài cổ và sự yêu quý của người tiêu dùng đối với những nhãn hàng xưa sẽ giúp công ty phát triển một ngày không xa.

Công ty đã mang Hynos về bán ở nông thôn nhưng đạt doanh thu thấp. Do vậy, công ty đã đưa Hynos quay về thành thị với việc đưa hàng vào bán tại siêu thị. Ra đời khi các thương hiệu khác như Colgate, P/S gần như đã chiếm 90% thị trường nhưng đến nay Hynos vẫn chưa có nhiều chương trình để quảng bá thương hiệu, ngoài trừ một số chương trình khuyến mãi yếu ớt tại siêu thị. Đến nay, Hynos vẫn chưa phát triển như mong muốn, đại diện của công ty cho biết.

Nhìn Hynos như vậy mới thấy quyết định của ông chủ P/S là đúng. Không ai dám chắc nếu giữ nhãn hiệu kem P/S đến giờ thì công ty sẽ phát triển ra sao.

Theo Mai Hân
vneconomy

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên