Quảng Ninh: “Hút” 15.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp, khu kinh tế
6 tháng đầu năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 2.867 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng còn lại tổng vốn thu hút đầu tư sẽ là 12.000 tỷ đồng.
- 18-07-2017Thủ tướng cho phép Quảng Ninh lập đặc khu kinh tế Vân Đồn
- 07-07-2017Thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu gặp nhiều khó khăn
- 15-05-2017Vân Đồn, Phú Quốc: Đặc khu kinh tế có gì đặc biệt?
Năm 2016 KCN, KKT hút 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh , đến nay tại các khu công nghiệ (KCN), khu kinh tế (KKT) có 240 dự án vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, gồm 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN (3 dự án FDI , 7 dự án trong nước), 230 dự án thứ cấp (55 dự án FDI, 175 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,329 tỷ USD của các dự án FDI và 51.077 tỷ đồng của dự án trong nước.
Một số dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tăng thu ngân sách cho tỉnh, như: Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH sản xuất Bột mì Vimaflour, Nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà, Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô (tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) của Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng...
Báo cáo cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn KCN, KKT đạt 2.867 tỷ đồng (47 triệu USD, tương đương 1.179 tỷ đồng của dự án FDI và 1.688 tỷ đồng của dự án trong nước), đạt 19,1% kế hoạch dự kiến thu hút cả năm (15.000 tỷ đồng), bằng 60% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng vốn thu hút FDI tăng 6,22% so cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến, 6 tháng cuối năm nay, địa bàn KCN, KKT tỉnh thu hút mới 5-7 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 4-6 dự án với tổng vốn thu hút đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó: Thu hút 4-6 dự án FDI (khoảng 250-270 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn cho 2-3 dự án (khoảng 25-30 triệu USD), đảm bảo hoàn thành kế hoạch dự kiến cả năm (15.000 tỷ đồng, trong đó FDI đạt từ 300-350 triệu USD).
Giảm thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Có được kết quả trên, hàng năm Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp xúc và làm việc trung bình với trên 50 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh.
Ban Quản lý KKT tỉnh cũng đã xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về KCN, KKT bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung, Hàn, Nhật để phục vụ công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; đang hoàn thiện video xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT và xây dựng một bộ phim tài liệu đặc sắc, ấn tượng về huyện Vân Đồn.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến thực hiện các thủ tục hành chính, Ban Quản lý KKT tỉnh sau khi rà soát đã đơn giản hoá từ 98 thủ tục giảm còn 45 thủ tục; trong đó 38 thủ tục hành chính thời gian giải quyết giảm trên 50% thời gian so với quy định, 2 thủ tục giảm 33,3% thời gian.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, đánh giá, công tác thu hút đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh đã có những bước đột phá mạnh mẽ. “Đây là thành quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp của tỉnh với mục tiêu tạo dựng, xây dựng KCN, KKT Quảng Ninh trở thành điểm hẹn có sức hút mạnh mẽ và là điểm đến tin cậy cho nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, Quảng Ninh có những định hướng thu hút đầu tư hướng tới phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; thu hút theo hướng chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, tăng giá trị sử dụng đất và lao động hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh hiện chưa thu hút được nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao từ các nước có nền công nghiệp hiện đại, như Nhật Bản, Mỹ, Đức... Môi trường trong các KCN, KKT hiện cũng là vấn đề cần bàn; nhà ở cho công nhân còn thiếu và yếu...
Do đó, để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án có tính động lực trong các KCN, KKT, ông Tuấn cho biết, Quảng Ninh đang tích cực tạo thuận lợi về hạ tầng, về chính sách ưu đãi thuế, giá thuê, thời gian thuê đất... trong KCN, KKT để tạo tính hấp dẫn.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn, huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hoặc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, kết nối với các địa phương và các khu vực kinh tế lân cận.
Đồng thời, tỉnh đề nghị Trung ương phê duyệt các cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh, KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái để gia tăng sức hút, lợi thế cạnh tranh cho tỉnh.
BizLIVE