MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Trị được - mất gì từ việc chấm dứt dự án nhà máy nhiệt điện than 2,2 tỷ USD?

Quảng Trị được - mất gì từ việc chấm dứt dự án nhà máy nhiệt điện than 2,2 tỷ USD?

Việc nhà đầu tư quyết định chấm dứt dự án nhà máy nhiệt điện than sẽ làm đảo lộn nhiều tính toán trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Nộp ngân sách dự kiến hơn 1,2 nghìn tỷ đồng mỗi năm

Dự án Nhà máy nhiệt điện than BOT Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EAGTi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT vào tháng 8/2013 với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng (hơn 2,2 tỷ USD).

Quảng Trị được - mất gì từ việc chấm dứt dự án nhà máy nhiệt điện than 2,2 tỷ USD? - Ảnh 1.

Lễ khởi công Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị vào tháng 11/2019. Ảnh: Tiến Nhất

Dự án được thực hiện tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng công suất đạt 1.320MW, gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660MW.

Theo tính toán, nhà máy sau khi đi vào hoạt động sẽ mang lại thời gian phát điện 6.000 giờ/năm, sản lượng điện sản xuất 7.200 tỷ Kwh/năm, doanh thu trước thuế khoảng 12.500 tỷ đồng/năm, nộp vào ngân sách địa phương 1.250 tỷ đồng/năm, chưa tính các loại thuế và phí khác.

Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị trong việc hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030; và là một trong các dự án lớn được tỉnh Quảng Trị chọn khởi công xây dựng trong năm 2019 nhân dịp các ngày lễ lớn.

Dự án chính thức khởi công vào tháng 11/2019, trở thành dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất do doanh nghiệp thực hiện từ trước đến nay tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Mặc dù đã chính thức khởi công, tuy nhiên cho đến nay các hạng mục trên thực địa vẫn chưa được thực hiện do nhà đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết. Trong đó, các vướng mắc lớn nhất đó là việc nhà đầu tư chưa hoàn thành đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công Thương, chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị, chưa thống nhất giá bán điện.

Cuối năm 2021, phía EGATi bày tỏ mong muốn được ký tắt hợp đồng trong khi chưa thành lập công ty BOT tại Quảng Trị. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc này không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam-Thái Lan lần 2 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vừa qua, Bộ Năng lượng Thái Lan đã xác nhận dừng triển khai dự án Nhiệt điện than Quảng Trị và cho biết sẽ sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Trị.

Phía Bộ Năng lượng Thái Lan cũng đề nghị Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tạo điều kiện cho EGAT, EGATi tìm kiếm các cơ hội để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khác hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc triển khai các dự án năng lượng tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Gợi mở hướng giải quyết mới?

Ông Trương Khắc Nghi, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, hiện nay EGATi vẫn chưa có văn bản thông báo dừng chính thức mà chỉ mới thông qua trao đổi giữa 2 bên tại hội nghị.

Cũng theo ông Nghi, để tạo điều kiện cho dự án được triển khai, thời gian qua, các cấp các ngành trong tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ rất nhiều cho nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan. Trong đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án. Đến nay việc bàn giao mặt bằng đã hoàn tất.

"Trước mắt nhà đầu tư phải xử lý các thủ tục cho dứt điểm mới tính toán được các công việc tiếp theo. Nếu nhà đầu tư dừng thì tỉnh có thể sẽ nghiên cứu lựa chọn dự án mới thay thế với nguồn nhiên liệu khác phù hợp hơn. Nhưng chắc chắn phải rà soát và xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng", ông Nghi cho hay.

Quảng Trị được - mất gì từ việc chấm dứt dự án nhà máy nhiệt điện than 2,2 tỷ USD? - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Nhà máy nhiệt điện than BOT Quảng Trị. Ảnh: EGATi

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án Nhiệt điện than Quảng Trị đã được đưa vào quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển năng lượng của tỉnh, cũng như dự thảo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, nên nếu dự án dừng lại thì sẽ làm thay đổi nhiều tính toán của tỉnh trong suốt 10 năm qua.

"Nhà đầu tư mới thông báo vậy thôi, nên tỉnh phải làm việc lại với họ xem các nội dung cụ thể như nào, vướng mắc ở đâu. Trường hợp nhà đầu tư thực sự muốn dừng thì tỉnh phải tính toán lại nhiều vấn đề bởi dự án đã được chuẩn bị suốt gần 10 năm qua, chủ trương của dự án cũng đã được Chính phủ hai nước thông qua", ông Tiến thông tin.

Cũng theo ông Tiến, hiện các thủ tục pháp lý liên quan dự án Nhiệt điện than Quảng Trị đã cơ bản hoàn thiện, chỉ còn thủ tục đàm phán giá điện là vẫn đang được nhà đầu tư thực hiện.

"Vướng mắc chủ yếu của nhà đầu tư đó là chưa thể vay vốn được do các tổ chức tài chính quốc tế đang có chính sách hạn chế cho vay với các dự án sử dụng nguyên liệu than đá. Tuy vậy, trong văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây, Bộ Công thương có nhắc đến việc ưu tiên cho chuyển đổi các dự án nhiệt điện than sang các loại nhiên liệu khác sạch hơn. Nên nếu dự án thay đổi sang sử dụng nhiên liệu khác thay thế thì khó khăn có thể được giải quyết", ông Tiến cho biết thêm.

Theo Ngọc Tân

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên