Quốc Cường Gia Lai và áp lực nợ ngắn hạn
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2016 với kết quả tương đối khả quan so với cùng kỳ 2015.
- 21-07-2016Bà Nguyễn Thị Như Loan nói gì về Quốc Cường Gia Lai trong vụ xử Ngân hàng Xây dựng?
- 27-06-2016Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai giảm sàn sau lời “đe dọa” của bà Như Loan
- 12-04-2016HAGL vừa bán Khu phức hợp trên đất vàng Đà Nẵng cho Quốc Cường Gia Lai
Cụ thể, trong riêng quý IV/2016, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai đã vượt mức thực hiện cả năm 2015, đạt 737 tỷ đồng. Công ty ghi nhận 37 tỷ đồng lãi sau thuế quý IV năm 2016, vượt xa con số cùng kỳ 2015 (5,3 tỷ đồng). Cả năm 2016, Quốc Cường Gia Lai lãi sau thuế 69,4 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả năm 2015.
Lợi nhuận từ “món quà” của Hoàng Anh Gia Lai?
Nguyên nhân doanh thu của Quốc Cường Gia Lai trong riêng quý IV mang tính đột phá như đã nói là nhờ Công ty đã chuyển nhượng đất nền Dự án Hải Châu và bàn giao căn hộ các dự án cho khách hàng. Văn bản giải trình của Quốc Cường Gia Lai không chỉ rõ tên dự án đất nền cũng như cấu thành doanh thu của Công ty trong riêng quý IV.
Dự án Hải Châu mà Quốc Cường Gia Lai nhắc đến không ngoại trừ chính là dự án mà người đồng hương Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã “sang tên” cho Công ty vào giữa tháng 3/2016. Theo công bố thông tin từ phía HAGL, công ty này đã thông qua công ty con là Nhà Hoàng Anh để chuyển nhượng dự án. Đối tác nhận chuyển nhượng là Quốc Cường Gia Lai với mức giá chuyển nhượng 419 tỷ đồng. Khoản tiền nói trên đã được chuyển đủ vào ngày 17/3/2016, thông báo của HAGL cho biết.
Sau đó ít lâu, vào cuối tháng 6/2016, Quốc Cường Gia Lai lại ra nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng dự án nói trên.
Việc chuyển nhượng dự án nhận được từ HAGL đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện kết quả kinh doanh riêng quý IV và cả năm 2016. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đủ để hoàn thành kế hoạch mà ĐHĐCĐ thường niên của Công ty giao phó. Cụ thể, Công ty mới chỉ 87% kế hoạch lợi nhuận.
Được biết, kế hoạch 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được HĐQT Công ty trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 với tâm thế hết sức tự tin. Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra và sẽ chịu trách nhiệm với cổ đông. Năm 2015, Công ty lãi trước thuế gần 24 tỷ đồng. Kế hoạch lãi 100 tỷ đồng năm 2016 vì vậy là một con số cực kỳ tham vọng.
Khởi sắc về doanh thu và lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai cũng có tín hiệu tích cực, đạt 95 tỷ đồng, vượt con số lợi nhuận đạt được trong năm.
Nặng gánh nợ vay
Hiện tại QCG đang giao dịch xung quanh mức giá 4.250 đồng/CP. Trong 1 năm trở lại đây, chưa một lần QCG chạm mức giá 5.500 đồng/CP.
Tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai cuối năm 2016 đạt 8.177 tỷ đồng, tăng 197 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn tới 73,2%, đạt 5.989 tỷ đồng. Đáng chú ý là Dự án Phước Kiển hiện đang được triển khai dở dang, giá trị tồn kho lên tới 4.230 tỷ đồng, tăng 461 tỷ đồng so với đầu năm. Dự án này đã được Công ty thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Số dư nợ vay của Quốc Cường Gia Lai tính đến cuối năm 2016 đạt 1.770 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn (1.692 tỷ đồng). Khoản nợ chưa đến 2.000 tỷ đồng chưa phải là vấn đề quá nghiêm trọng, tuy nhiên, để thanh toán các khoản nợ tới hạn (1.692 tỷ đồng, phải trả trong năm 2017) sẽ là thách thức đối với Quốc Cường Gia Lai. Đó là vấn đề dòng tiền, không phải vấn đề chi phí.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đến hết tháng 3/2017, Quốc Cường Gia Lai có 1.352 tỷ đồng nợ đến hạn. Có nghĩa là trong quý I năm nay, Công ty phải “xoay” đủ chừng đó tiền để trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn (loại bỏ hàng tồn kho) của Công ty cũng chỉ đạt con số 639 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền 48 tỷ đồng. Đảo nợ là một phương án vẫn thường được các doanh nghiệp sử dụng khi thiếu hụt dòng tiền.
Là một doanh nghiệp bất động sản, Quốc Cường Gia Lai đã từng đau đầu vì nợ nần. Công ty thậm chí đã từng cấn trừ công nợ bằng cách phát hành 145 triệu CP (số nợ được xóa lên tới 1.450 tỷ đồng). Sau đợt cấn trừ công nợ này, bà Nguyễn Thị Như Loan và con gái là Nguyễn Ngọc Huyền My nhận về tổng cộng 80,3 triệu CP, trở thành 2 cổ đông lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai. Dư nợ vay của Công ty hiện không quá cao, nhưng sức ép từ những khoản nợ đến hạn có thể khiến lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai “mất ăn mất ngủ”.
Bà Loan đã từng phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 rằng, nếu cổ đông gây quá nhiều áp lực, bà buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu. Trước đó 1 năm, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, trao đổi với báo chí bên lề, bà Loan cũng cho biết: “Tôi không có thời gian để quan tâm đến biến động giá cổ phiếu” đồng thời không có ý định bán hay thế chấp cổ phiếu.
Hiện tại QCG đang giao dịch xung quanh mức giá 4.250 đồng/CP. Trong 1 năm trở lại đây, chưa một lần QCG chạm mức giá 5.500 đồng/CP.
Báo Đấu thầu