MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Kết hôn miễn phí, 1 vợ được lấy nhiều chồng

23-09-2016 - 14:38 PM | Sống

Ở Bhutan, chuyện phụ nữ lấy nhiều chồng không có gì lạ, người đàn ông còn đi ở rể nữa. Điều thú vị hơn là quan niệm hôn nhân ở Bhutan khá thoáng, yêu là về sống với nhau như vợ chồng, không cần đăng kí kết hôn.

Đất nước Bhutan xinh đẹp có nhiều bí ẩn, nhưng cũng không ít điều thú vị độc đáo đã được tiết lộ, khiến mọi người hiểu thêm các nét văn hoá, đời sống ở đó. Tại quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới này, tuy người dân nghèo nhưng rất ý thức tuân thủ những quy tắc, luật lệ riêng, và họ coi hạnh phúc chính là sự thịnh vượng giàu có nhất.

Ngoài những điều đặc biệt như dân cư không hút thuốc lá, không bán thuốc lá, không có tội phạm, nhà ở Bhutan không mấy ai khoá cửa, thủ đô Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không sử dụng đèn giao thông… thì quan niệm và quy định về tình yêu hôn nhân ở đây cũng khiến nhiều người ngạc nhiên.

Đất nước Bhutan thanh bình, trong trẻo và mang trong mình nhiều bí mật hấp dẫn.
Đất nước Bhutan thanh bình, trong trẻo và mang trong mình nhiều bí mật hấp dẫn.

Để giúp mọi người hiểu rõ hơn và có cái nhìn đúng đắn về chuyện kết hôn tại đất nước Rồng Sấm, chị Wangchen Hà (37 tuổi), một phụ nữ Việt lấy chồng Bhutan đã có một bài viết khá hay và sâu sắc, chia sẻ về những điều thực tế chị biết. Chị Hà hiện đang là giám đốc một công ty du lịch tại thủ đô Thimphu, đã có 2 nhóc tì và đang hưởng thụ cuộc sống dễ chịu bình an như nhiều người Bhutan khác bên chồng con. Vì yêu chồng và vượt qua nhiều rào cản để đến sinh sống lập nghiệp tại đất nước xa xôi ấy, nên chị càng ngày càng say mê Bhutan, dành thời gian tìm hiểu khá nhiều về văn hoá, phong tục, cuộc sống đời thường tại đây. Trong đó, những lát cắt về khía cạnh tình yêu hôn nhân mang nhiều nét rất thú vị.

“Như đã hứa, mình xin viết về tình yêu và hôn nhân Bhutan ạ.

Ở Bhutan theo chế độ mẫu hệ, trai lớn lên lấy vợ sẽ đi ở rể! Phụ nữ được nhà nước bảo vệ rất cao chính vì thế rất ít khi có chuyện bạo hành gia đình. Vì nếu người chồng chỉ tát nhẹ vợ 1 cái mà vợ kiện cũng có thể bị phạt tù, chứ không cần chờ khám sức khỏe xem tổn hại bao nhiêu % sức khỏe! Theo mình đây chỉ là nguyên nhân nhỏ còn nguyên nhân chính là họ theo Phật giáo, ngấm lời Phật dạy nên cool hơn người khác và cũng ít tạo nghiệp hơn!”.

Chị Wangchen Hà đang sống hạnh phúc cùng chồng tại Bhutan.
Chị Wangchen Hà đang sống hạnh phúc cùng chồng tại Bhutan.

Đó mới chỉ là mở đầu, ở một số vùng miền khác trên thế giới, nhiều bộ tộc vẫn sống theo chế độ mẫu hệ, nên cũng không có gì to tát. Bhutan coi trọng hạnh phúc của người dân, nên chuyện hành hung trong gia đình rất khó xảy ra. Điều đáng chú ý hơn ở đây là chuyện người dân Bhutan được lấy nhiều vợ, nhiều chồng, mà chị Hà miêu tả khá cụ thể chi tiết:

“Chuyện phụ nữ Bhutan được lấy 2 chồng là ở 1 số vùng nông thôn, nếu gia đình có 2 con trai, và gia đình đó nghèo mà người con trai lớn lấy được vợ khá giả thì cha mẹ thường gả luôn cả cậu em trai theo anh, lấy chung vợ, và thường nhà gái cũng vì việc sẽ có thêm nhân công lao động nên chấp nhận việc cho con gái lấy 2 chồng.

Còn việc đàn ông được phép lấy 4 vợ cũng có do Thái hoàng, tức vua thứ 4, có 4 vợ là 4 chị em ruột (vì vua cũng như dân thế nên dân mới được phép lấy 4 vợ)! Nhưng với điều kiện phải được sự đồng ý của bà cả. Và việc này thì hiện tại rất hiếm! Thái hoàng cũng đã tuyên bố với dân của vua con, tức vua hiện tại đời thứ 5 chỉ được lấy 1 vợ, trong tương lai đàn ông Bhutan cũng chỉ 1 vợ như các nước khác!

Từ việc này cũng có chuyện vui vui ngược lại với việc đàn bà lấy 2 chồng là 2 anh em ruột, do bố mẹ chồng gả con trai cho thì lại có vùng Paro (có sân bay quốc tế duy nhất ), gia đình nhà gái vì không muốn phân chia gia tài nên nhà nào có 2, 3 cô con gái cũng thường ép con gái lấy chung chồng (nhiều người đàn ông lấy vợ ở Paro chẳng đợi bố mẹ vợ bật đèn xanh mà sẽ tự mình cố gắng chiếm lòng cô em, rồi tán tỉnh cô chị bằng cách đưa ra 1 đống lợi ích nếu chị em lấy chung chồng, như chị đẻ thì em chăm và em đẻ chị chăm...) thế nên vùng này nổi tiếng chị em ruột lấy chung chồng, mặc dù quê 4 bà thái hậu lại ở cố đô Punakha chứ không ở đây! Chuyện đàn ông lấy nhiều vợ là do học theo Thái hoàng và sẽ chấm dứt tục lệ này sau khi Thái hoàng qua đời, còn chuyện phụ nữ được lấy 2 chồng thì không biết khi nào vua mới ra lệnh cấm”.

Phụ nữ ở Bhutan rất được coi trọng, là vị trí trụ cột trong gia đình như đàn ông ở Việt Nam vậy.
Phụ nữ ở Bhutan rất được coi trọng, là vị trí trụ cột trong gia đình như đàn ông ở Việt Nam vậy.
Việc kết hôn ở Bhutan khá cởi mở, không có bạo hành gia đình nên các cặp vợ chồng đều chung sống hạnh phúc.
Việc kết hôn ở Bhutan khá cởi mở, không có bạo hành gia đình nên các cặp vợ chồng đều chung sống hạnh phúc.

Hơi phức tạp một chút, nhưng tóm lại là ở Bhutan cho phép đa phu đa thê, riêng đa thê là tục lệ “có thời hạn”, chỉ tính đến khi Thái hoàng qua đời. Ngoài ra, ở quốc gia xinh đẹp này, chuyện kết hôn cũng có một số điều đáng chú ý, thậm chí khá lạ. Nếu có ý định cưới anh chàng nào ở Bhutan, các cô gái nên tham khảo kinh nghiệm hiểu biết của bà mẹ 2 con Wangchen Hà.

“Quan niệm hôn nhân ở Bhutan rất thoáng, yêu nhau là về ở với nhau rồi sinh con đẻ cái, rất ít cặp đăng kí kết hôn. Ở với nhau thì gọi là vợ chồng thế nên chia tay cũng gọi là ly dị! Khi chia tay, nếu lỗi thuộc về đàn bà thì không bắt phải trả tiền cho đàn ông để được ly dị, trừ khi 1 số đàn bà giàu có và thấy tội nghiệp chồng cũ thì sẽ cho chồng cũ ít tiền để đi ra khỏi nhà! Còn đa số là đàn ông dù không có lỗi vẫn phải đền tiền cho phụ nữ khi ly dị! Và đương nhiên nếu lí do ly dị là lỗi của đàn ông thì người đàn bà sẽ được phép ra giá là chồng cũ phải đền bao nhiêu tiền cho mình (giờ các anh đã thấy thích lấy nhiều vợ chưa ạ, vừa đi ở rể làm không công cho nhà vợ, lúc gây lỗi phải chia tay thì ra đi 2 bàn tay trắng, xong còn phải đền tiền cho phụ nữ). Cái giá nó phụ thuộc vào từng trường hợp - và việc ly dị cũng không cần phải đến toà (trừ khi không thống nhất được tiền bồi thường thì mới kiện nhau ra toà), chỉ cần viết 1 tờ giấy trong đó có ghi rõ chia tay, ai nuôi con (nếu có con), chồng đền cho vợ bao nhiêu tiền... Và mỗi bên vợ, chồng có 1 người làm chứng kí vào, cùng chữ kí của 2 vợ chồng thế là xong vụ ly hôn (sẽ copy ra 2 bản mỗi người giữ 1 bản).

Còn việc ly dị nhiều như mình nói ở trên, các cặp yêu nhau về ở với nhau cũng gọi là vợ chồng và chia tay nhau đương nhiên cũng gọi là ly dị! Bhutan không có văn hoá cưới xin, giờ hiện đại hoá mới có 1 số cặp tổ chức cưới. Nhưng đây là văn hoá du nhập chứ không phải văn hoá Bhutan.

Còn như bài báo nào đó viết là phụ nữ Bhutan ngoại tình rất nhiều? Đàn ông Bhutan chung thủy ? Tôi cam đoan phụ nữ Bhutan rất mạnh mẽ, vì chế độ mẫu hệ phải quản lý gia tài, gia đình, đặc biệt ở nông thôn là phải phân việc nhà nông cho người đàn ông của mình nhưng không có chuyện ngoại tình vô tổ chức như bài báo viết, và 1 chuyện nực cười nữa, nếu phụ nữ lăng nhăng, đàn ông chung thủy thì phụ nữ lăng nhăng với ai?”.

Ở Bhutan, cứ yêu nhau là có thể về ở với nhau, chẳng cần dắt tay ra phường đăng ký!
Ở Bhutan, cứ yêu nhau là có thể về ở với nhau, chẳng cần dắt tay ra phường đăng ký!

Ở Việt Nam, luật pháp chỉ công nhận vợ chồng khi ra phường đăng ký, không cần tổ chức đám cưới nhưng phải có tờ giấy gọi là chứng nhận đăng ký kết hôn. Còn ở Bhutan thì yêu nhau về chung sống đã thành vợ chồng. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sống chung rồi họ đều có ý thức trách nhiệm với nhau, chẳng cần đến sự ràng buộc luật pháp. Chỉ có điều, người nước ngoài muốn kết hôn với người dân Bhutan thì hơi khó khăn, bản thân chị Hà nằm trong trường hợp đó nên chị rất hiểu, để được chung sống với chồng tới bây giờ chị đã trải qua nhiều khó khăn, sự phản đối của gia đình và thích nghi với phong tục tập quán ở đất nước Nam Á này. Ở Bhutan có hẳn một cơ quan gọi là Bộ Hạnh phúc, mà hôn nhân gia đình xây dựng dựa trên nền tảng tình cảm, họ đưa ra những quy tắc đảm bảo hạnh phúc đích thực cũng không có gì phải phàn nàn.

“Mình xin nói thêm là việc kết hôn với người Bhutan không hề dễ, do trước đây Bhutan là nước theo Phật giáo 100% nhưng khi người Bhutan lấy vợ, chồng người nước ngoài rồi đưa 1 số đạo khác vào Bhutan, đã phá vỡ nền văn hoá phật giáo của họ! Ở đây không phải do họ kì thị đạo khác mà chỉ là họ muốn bảo tồn văn hoá phật giáo của họ. Lý do nữa là nhiều người dùng việc kết hôn giả để vào Bhutan làm ăn. Vì thế từ mấy năm nay vua hạn chế cấp giấy kết hôn cho người lấy vợ chồng người nước ngoài, cụ thể là ngừng cấp giấy kết hôn cho tới đầu năm nay mới cấp lại nhưng với điều kiện phải vượt qua cuộc phỏng vấn của 1 hội đồng 5 vị giám khảo (hơn cả thi đại học)!

Mình có tìm hiểu và thấy đợt tháng 3, có 780 cặp phỏng vấn chỉ 30 cặp được cấp giấy kết hôn. Nếu cặp nào trượt phải chờ 1 năm sau mới được phỏng vấn lại, còn chính phủ sẽ tổ chức phỏng vấn cho các cặp đôi mới 3 tháng /1 lần tổ chức! Không có ngoại lệ, dù bạn lấy nhau ở nước ngoài, đã có đăng kí kết hôn ở nước ngoài thì cũng không có giá trị ở Bhutan! Nếu không có giấy kết hôn do nhà nước Bhutan cấp thì bạn cũng chỉ giống như du khách khác, muốn tới Bhutan (quê chồng, vợ) bạn thì vẫn phải nộp tiền tour, đặt tour như du khách! Kể cả bạn đã có giấy kết hôn, bạn cũng không nhập được quốc tịch Bhutan, bạn chỉ được thẻ visa 1 năm và hàng năm 2 vợ chồng bạn phải tới toà trình diện lại 1 lần vào ngày kết hôn để đảm bảo cuộc hôn nhân của bạn vẫn ổn và sẽ được gia hạn tiếp visa 1 năm nữa”.

Chị Hà là một trong số ít người Việt kết hôn ở Bhutan, chị học cách thích nghi với lối sống ở đây và hài lòng với cuộc hôn nhân của mình.
Chị Hà là một trong số ít người Việt kết hôn ở Bhutan, chị học cách thích nghi với lối sống ở đây và hài lòng với cuộc hôn nhân của mình.

Đọc xong tất cả những điều trên, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì một số quy định chả giống ở đâu, nhưng cũng mở mang thêm hiểu biết về quốc gia xinh đẹp Bhutan. Đặc biệt, bên cạnh các nét văn hoá truyền thống đáng ngưỡng mộ thì chuyện hôn nhân gia đình và cuộc sống của phụ nữ Bhutan cũng rất hấp dẫn. Qua lời kể của một bà mẹ Việt lấy chồng và sinh sống tại thủ đô Thimphu, hình ảnh Bhutan trở nên sống động, gần gũi và rõ nét hơn rất nhiều trong tâm trí nhiều người.

Theo Lynk

Trí thức trẻ/afamily

Trở lên trên