MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg

23-08-2020 - 08:06 AM | Sống

Mặc dù nổi tiếng với cà phê, món khoái khẩu của người Colombia là kiến. Họ chết mê chết mệt những con kiến chúa kiến mông to, đến mùa chúng ra khỏi tổ là thi nhau đi bắt.

Các cư dân Colombia gọi mùa săn kiến mông to là La Salida (ngày chui ra). Nó rơi vào tháng 3 - 4 hàng năm.

Kiến mông to: Loài kiến cắt lá lớn nhất

Những năm gần đây, Colombia bất ngờ khiến nền ẩm thực thế giới phát sốt vì món ngon truyền thống độc lạ: Kiến chúa kiến mông to.

Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 1.

Kiến mông to là loài kiến cắt lá lớn nhất thế giới.

Tên khoa học của kiến mông to là Atta laevigata. Đây là loài kiến cắt lá có kích thước lớn nhất, chủ yếu sinh trưởng trong những vùng đồi núi phía bắc của tỉnh Santander. Từ thuở xa xưa, người châu Mỹ bản địa đã biết dùng hàm của loài kiến này để làm kìm sinh học, khâu miệng vết thương. Đặc biệt là khoảng 1000 năm về trước, họ phát hiện ra kiến chúa của loài vật này thực sự ăn rất ngon. Kể từ đó, tập tục săn kiến ra đời.

Thời điểm săn kiến chúa Atta laevigata tại Santander là đầu mùa xuân. Nhờ những cơn mưa nặng hạt, mặt đất trở nên mềm mại. Kiến chúa kiến mông to lê cái bụng đầy trứng bò ra khỏi hang, chuẩn bị sinh sản. Chính vì thế, mùa săn loài kiến này mới được đặt tên là "ngày chui ra".

Có 2 trung tâm thu hoạch kiến chúa kiến mông to trọng yếu ở Santander là thị trấn Barichara và San Gil. Cả 2 đều là vùng đồi núi, còn rất nhiều đất đai hoang dã.

Ngon như trứng cá muối Caviar

Từ sáng tinh mơ mùa La Salida, Barichara đã vắng tanh vắng ngắt. Các cư dân đồng loạt gác hết mọi việc thường nhật, xách xô, túi, bao... lao lên những ngọn đồi hoang. "Chỉ cần nhanh chân đặt xô lên đỉnh tổ kiến nào, nó là của bạn," - Margarita Higuera, đầu bếp ở Barichara vui vẻ kể. Anh từ nơi khác chuyển đến sống tại Barichara vào năm 2000.

Mỗi mùa xuân, Barichara có đến hàng triệu con kiến chúa kiến mông to rời tổ. Đó là nguồn thu nhập trời cho với người dân của thị trấn này. Giá thành kiến chúa kiến mông to rất đắt, rơi vào tầm 300.000 peso/kg (khoảng 1,9 triệu vnđ). Nó giá trị hơn rất nhiều so với cà phê và không bao giờ bị ế.

Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 2.
Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 3.

Kiến chúa kiến mông to chế biến kiểu gì cũng ngon và bổ.

Kiến chúa có vị béo bùi như đậu phộng và thơm phức, dù chiên, xào, nướng hay ướp muối cũng đều ngon lành. "Tôi vẫn nhớ những năm tháng tuổi thơ sống cùng ông nội," - Higuera kể. "Mỗi mùa La Salida, ông lại mua cả thùng kiến chúa Atta laevigata. Khi ông mở thùng ra, chúng vẫn sống nhăn và bò lổm ngổm. Cả nhà tôi xúm lại vặt cánh kiến, vui vẻ nổi lửa nấu bữa tối."

Người Colombia ưu ái gọi món kiến tuyệt hảo này là "trứng cá muối Bắc Santander". Không chỉ ngon, chúng còn giàu chất đạm và axit béo không bão hòa. Nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra, chúng giúp ngăn ngừa mỡ máu và chống ung thư.

"Atta laevigata mang tới cho chúng tôi sức mạnh," - Cecilia González-Quintero (Barichara) tự hào. "Nhờ có chúng, mọi người ở đây đều khỏe phây phây và sống trường thọ".

Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 4.
Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 5.
Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 6.
Quốc gia sở hữu nghề cực lãi: Săn kiến và đem bán với giá 2 triệu/kg - Ảnh 7.

Chính vì những lý do này, các cư dân Barichara mới đua nhau đi săn kiến. Mùa La Salida chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Săn kiến chúa kiến mông to cũng khá cực, vì mỗi tổ kiến đều rất đông và vô cùng hung dữ. Mọi người phải trang bị quần áo dày, găng tay, ủng, mũ bảo hộ... Họ mặc kín mít từ đầu đầu đến chân, trực sẵn trước tổ Atta laevigata chờ kiến chúa chui ra, bắt bỏ vào dụng cụ đựng mang theo.

Từ bắc Santander, "hàng sống" kiến chúa kiến mông to được bán ra khắp các ngả, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài như Anh, Nhật Bản, Canada... Nhờ giá thương trường cao cùng "lộc trời cho", nhiều làng mạc vùng bắc Santander được hưởng lợi từ chúng.

Quy trình chế biến kiến chúa Atta laevigata cũng rất đơn giản: vặt cánh, ướp gia vị và làm chín. Ngoài các tác dụng dinh dưỡng đã được khoa học xác nhận, người Colombia còn cho rằng món kiến này giúp gia tăng sự hưng phấn. Các bộ lạc trên dãy Andes thuộc Colombia thường dùng chúng làm quà cưới, tặng những cặp đôi mới kết hôn.

Mặc dù so với các quốc gia láng giềng, tỷ lệ phá rừng của Colombia tương đối thấp. Tuy nhiên, nhiều lãnh địa của kiến mông to vẫn bị xâm phạm, biến thành đất nông nghiệp và định cư. Vốn dĩ, loài kiến này chỉ xén lá cây rừng tha về tổ làm nguyên liệu trồng nấm. Nhưng trước tình trạng mất nguồn thu, chúng cũng chuyển sang phá lá cây trồng; buộc các nông dân bắc Santander phải xua đuổi, tiêu diệt.

Hiện tại, số lượng Atta laevigata ở Santander chỉ bằng khoảng 1/6 so với 20 năm trước. Các nhà môi trường rất lo ngại, săn bắt quá mức sẽ khiến quần thể loài kiến này sụt giảm nhanh hơn nữa, gây tác động tiêu cực tới sức khỏe thiên nhiên hoang dã.

Tham khảo: BBC

Theo Vũ Huế

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên