Quốc hội họp kỳ thứ tư: Dân trực tiếp nghe bàn chuyện "tiêu tiền"
Tại kỳ họp thứ tư, lần đầu tiên phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp đề cử tri cả nước theo dõi...
- 22-10-2017Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 23/10
- 19-10-2017Chuẩn bị báo cáo Quốc hội các vụ việc “nóng” về bổ nhiệm cán bộ
- 12-10-2017Hãng phim truyện lùm xùm, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở về cổ phần hoá
Sáng 23/10, kỳ họp thứ tư của Quốc hội khoá 14 - một kỳ họp có rất nhiều nội dung liên quan đến chi tiêu ngân sách - khai mạc tại Hà Nội.
Ngay trong ngày khai mạc Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Những ngày sau đó cũng có rất nhiều nội dung liên quan đến túi tiền quốc gia các đại biểu phải bàn thảo và quyết định.
Đó là báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo tờ trình của Chính phủ thì trước mắt, trong giai đoạn đến 2020, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 10.821,6 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới bố trí 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, vì vậy cần tiếp tục bổ sung nguồn vốn.
Đó là nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Tp.HCM, đương nhiên không thể không liên quan đến cơ chế tài chính.
Đó còn là chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với dự kiến tổng số vốn khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ là 55.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách rất lớn song việc huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.
Một điểm mới của kỳ họp này những vấn đề về ngân sách được thảo luận cùng với kinh tế - xã hội, thay vì tách riêng như mọi kỳ trước. Thời gian thảo luận cũng tăng lên 2,5 ngày, nhiều hơn các kỳ họp trước nửa ngày.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong buổi họp báo trước thềm kỳ họp nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp. Theo ông Phúc thì qua đó, người dân sẽ dễ dàng giám sát việc phân bổ tiền thuế do mình đóng góp.
Rất đụng chạm đến túi tiền của dân, đó là việc khai thác các công trình giao thông BOT.
Có ý kiến đại biểu đề nghị bố trí để Quốc hội thảo luận tại hội trường thay vì gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Tuy nhiên, đề nghị này khó có thể thành hiện thực, dù đây vẫn là vấn đề được cử tri và đại biểu rất quan tâm. Trong một báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết qua kiểm toán 22 dự án đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng.
Cũng chính Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề hoàn toàn không mới của chi tiêu ngân sách năm 2017. Chẳng hạn kế hoạch vốn chi đầu tư năm 2017 còn bố trí vốn cho một số dự án không đáp ứng tiêu chí, nguyên tắc nghị quyết số 60 của Chính phủ.
Đáng chú ý là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp. 9 tháng đầu năm ước thực hiện chi từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 53,1% dự toán, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần nhất (năm 2015: 64,8%; năm 2016: 54,5%).
Đặc biệt tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2017 vốn trái phiếu Chính phủ đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 7% dự toán (cùng kỳ năm 2015: 52,3%; năm 2016: 38,8%), trong khi đó tỷ lệ huy động trái phiếu Chính phủ cao. Đến hết tháng 9/2017 đã thực hiện phát hành 148,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 80,8% tổng khối lượng phát hành dự kiến 183,3 nghìn tỷ đồng, lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm).
Điều đó, theo Kiểm toán Nhà nước là cho thấy một số tiền dư lớn đọng tại Kho bạc Nhà nước trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động. Việc chậm giải ngân tác động tiêu cực tới tăng trưởng, đồng thời gây lãng phí nguồn vốn huy động trái phiếu Chính phủ, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách không cao.
Còn rất nhiều những vấn đề khác của ngân sách sẽ khiến các vị đại diện cho dân phải đau đầu khi mà nợ công chạm trần, ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu và nợ thuế vẫn là con số khủng (73,9 nghìn tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó, công khai bàn chuyện tiêu tiền để dân giám sát, có lẽ cũng là điều được dân mong đợi. Nhưng điều được mong đợi hơn, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu khi nhậm chức, đó là "cần có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân".
Vneconomy