MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội thảo luận về dự án Luật quy hoạch: Không có nước nào xây dựng quy hoạch riêng về vùng trời

26-05-2017 - 12:34 PM | Bất động sản

Sáng nay (26/5), các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về dự án Luật Quy hoạch, dự kiến được thông qua trong Kỳ họp thứ 3 lần này.

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường sáng 26/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách và quản lý nhà nước về quy hoạch.

Đặc biệt về quy hoạch vùng trời, ông Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy hoạch vùng trời thành 1 loại quy hoạch riêng trong hệ thống quy hoạch hoặc thành một khoản của quy hoạch tổng thể quốc gia.

"Về vấn đề này Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham khảo ý kiến chuyên gia thì hiện nay chưa có quốc gia nào xây dựng quy hoạch riêng về vùng trời. Các hoạt động quy hoạch hiện nay là việc phân bổ và sắp xếp không gian bao gồm cả trên mặt đất, dưới lòng đất và trên vùng trời tới một độ cao nhất định phù hợp với các điều ước quốc tế. Do vậy, xin bổ sung điểm g khoản 2 Điều 23 về quy hoạch tổng thể quốc gia về “ Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời;”. Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết nội dung quy định này", ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, trong mục “giải thích từ ngữ” của báo cáo, có ý kiến cho rằng cần giữ lại tên “Quy hoạch sử dụng biển” theo quy định tại Luật biển Việt Nam và Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tránh việc sửa đổi nhiều luật, đặc biệt là Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới được ban hành năm 2015. Nhiều ý kiến cho rằng cần đổi tên quy hoạch liên quan đến không gian biển thành “Quy hoạch không gian biển quốc gia” để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế…

Về kiến nghị này, ông Thanh cho biết, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh quốc phòng. Đây là khoảng không gian không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn cả các cam kết quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về biển năm 1982. Theo Công ước của Liên hợp quốc về biển năm 1982, chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình.

Quốc gia ven biển có thể định ra, phù hợp với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế, các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại ở trong lãnh hải của mình . Đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển cả), quốc gia ven biển chỉ có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với một số lĩnh vực nhất định, quốc gia ven biển cũng phải tôn trọng quyền tự do biển cả.

“Theo đó, nếu dùng thuật ngữ “quy hoạch sử dụng biển” thì phạm vi quy hoạch chỉ có thể trong vùng lãnh hải. Mặt khác, thuật ngữ “quy hoạch không gian biển” đã được nhiều quốc gia sử dụng từ rất lâu (như Hoa Kỳ, Australia, một số quốc gia thuộc Cộng đồng Châu Âu, Trung Quốc...). Vì vậy, để phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, quy hoạch đối với không gian biển cần được đặt tên là “quy hoạch không gian biển quốc gia” - báo cáo nêu rõ.

Về lập quy hoạch lưu vực sông, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay có ý kiến đề nghị lập riêng quy hoạch lưu vực sông vì quản lý lưu vực sông là vấn đề rất quan trọng do việc quản lý tài nguyên nước không chỉ quan trọng đối với phát triển kinh tế mà còn gắn với việc giữ gìn bản sắc Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Thanh cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: "Hiện nay có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch lưu vực sông ví dụ: Bộ Tài nguyên môi trường lập quy hoạch tài nguyên nước tổng hợp lưu vực sông, trong khi đó Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng lập quy hoạch thuỷ lợi tổng hợp lưu vực sông. Mặt khác, vấn đề quản lý lưu vực sông không chỉ đơn thuần là quản lý nước hay thuỷ lợi mà là phát triển kinh tế - xã hội liên quan tới lưu vực sông đó như phát triển sản xuất, hệ thống hạ tầng, đô thị".

"Do đó, nội dung quy hoạch lưu vực sông phải được xem xét trong mối tương quan với quy hoạch các cấp tương ứng. Dự thảo Luật đã quy định các nội dung quy hoạch lưu vực sông liên vùng thuộc quy hoạch quốc gia, lưu vực sông liên tỉnh thuộc quy hoạch vùng, lưu vực sông liên huyện thuộc quy hoạch tỉnh tại các Điều 23, 27 và 28 của dự thảo Luật", ông Thanh cho hay.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên