Quý 1 tăng trưởng âm, kinh tế của tỉnh là cứ điểm sản xuất của "ông lớn" Toyota, Honda có kết quả ra sao trong năm 2023?
Bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như trong nước nói riêng đã tác động không nhỏ đến kinh tế của địa phương vốn được biết đến là cứ điểm của một số tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Sumitomo…, là trung tâm sản xuất trong lĩnh vực ô tô, xe máy, cơ khí, chế tạo… của cả nước.
Theo báo cáo mới đây của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 gặp những khó khăn, thách thức rất lớn đến từ sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và trong nước. Vì kinh tế của địa phương có độ mở tương đối cao, quy mô công nghiệp lớn nên Vĩnh Phúc đã chịu tác động rất mạnh từ sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, các sản phẩm công nghiệp chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy đều giảm so với năm trước, doanh thu linh kiện điện tử tuy tăng nhưng là mức tăng thấp trong nhiều năm trở lại đây…
Trong khoảng ba tháng đầu năm 2023, việc giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho đã gây áp lực lên các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc trong quý 1/2023 giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước, là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng âm trong quý 1/2023 (gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bắc Ninh).
Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt trong việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự phục hồi trong những tháng tiếp theo của năm. Cụ thể, tăng trưởng của tỉnh đã dương trở lại trong 6 tháng đầu năm (tăng 1,69%) và 9 tháng đầu năm tăng 2,1%.
Ước cả năm 2023, tốc độ tăng GRDP của tỉnh tăng 2,37% so với năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,29%; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,34%; khu vực dịch vụ tăng 8,61%; thuế sản phẩm tăng 2,23%.
Thu ngân sách đạt hơn 31,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96,4% so với dự toán và bằng 77,4% so với năm 2022, trong đó thu nội địa ước đạt gần 26 nghìn tỷ đồng. Chi ngân sách được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các khoản chi và tăng khá so với dự toán và so với năm 2022 (tăng 23,6% so dự toán và tăng 16,4% so với năm 2022).
Về tình hình thu hút đầu tư, theo Sở Kế hoạch Đầu tư Vĩnh Phúc, các hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ, kết quả có nhiều khởi sắc, số vốn thu hút đầu tư năm 2023 tăng rất cao so với năm trước. Theo đó, vốn FDI đạt hơn 560 triệu USD tăng 21% và số vốn DDI đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng tăng 67% so với năm 2022. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.450 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% về số doanh nghiệp so với năm trước.
Tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất của nhiều sản phẩm chủ lực giảm mạnh, trong đó sản phẩm ô tô mặc dù đã có chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ, giảm giá nhưng người tiêu dùng không có đủ nguồn lực về tài chính để mua xe, sản lượng sản xuất ước giảm 21,3%, trong đó Toyota ước giảm 32,4%, Honda ước giảm 10,2% so với năm 2022. Thị trường tiêu thụ xe máy bão hòa và một bộ phận chuyển sang mua xe điện khiến sản lượng của công ty Honda ước giảm gần 9% và Piagio ước giảm trên 23% so với năm 2022.
Trái ngược với tình hình sản xuất công nghiệp, các hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 17,78%. Dịch vụ du lịch của tỉnh đã khởi sắc, nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch để kích cầu du lịch đã được triển khai, số lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng rất cao, ước đạt gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13%, doanh thu du lịch tăng 10% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt khá (tăng 10,55% so với cuối năm 2022); cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm 86,2% dư nợ).
Nhìn chung, theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn, một số kết quả kinh tế xã hội của tỉnh đạt được là khá tích cực. Cụ thể, 13/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt mục tiêu; 2 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, song thu ngân sách nội địa của tỉnh dự kiến vẫn đạt trong top 8 tỉnh thu cao nhất cả nước; Giải ngân đầu tư công đứng thứ 7/63 địa phương; tỷ lệ giải ngân và khối lượng giải ngân cao nhất từ 2016 đến nay. Thu hút đầu tư vượt xa mục tiêu kế hoạch năm.
Không chỉ vậy, năm 2023 cũng là lần đầu tiên cả 3 chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước; chỉ số chuyển đổi số đứng thứ 12, kinh tế số trong cơ cấu kinh tế nằm trong top 10 của cả nước...