MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo tốt giá thế giới

Trong đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Trong đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Trước đề xuất tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Dự án Luật Giá (sửa đổi) mới đây, chuyên gia cho rằng, không dự báo được giá thế giới thì quỹ này tồn tại cũng không có tác dụng…

Việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là khi thời gian qua, thị trường xăng dầu liên tục phải đối mặt với nhiều bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy nguồn cung, đe dọa tạo áp lực lên đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp .

Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo tốt giá thế giới - Ảnh 1.

Việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Theo đó trước đây, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Giá (sửa đổi) là Bộ Tài chính khi lấy ý kiến về dự luật này đã từng đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, trong Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 đang diễn ra, việc lập Quỹ bình ổn lại tiếp tục được đưa vào Dự thảo luật và thành một điều riêng...

Lý do nêu ra trong tờ trình là nhằm đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn, thì mới lập quỹ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Và để ổn định giá xăng dầu trong nước, hiện ngoài quỹ bình ổn còn có các công cụ khác như thuế, phí, điều tiết nguồn cung... Nhưng thuế, phí chỉ có thể giảm trong ngắn hạn vì khó áp thuế suất thấp trong dài hạn, chưa kể giảm rồi sau tăng lại cũng không dễ nên Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn là công cụ điều tiết giá hợp lý.

Về cơ bản, các ý kiến tại Phiên họp tán thành với đề xuất về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là công cụ điều tiết giá trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính. Và khi thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp…

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đã nêu, thì nhiều ý kiến cũng cho rằng, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch. Hiệu quả của quỹ cũng chỉ phát huy tác dụng khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp và trong thời gian ngắn. Đồng thời, nên bỏ quỹ này để hướng đến mục tiêu hoạt động theo cơ chế thị trường - tức giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.

Theo một số chuyên gia, bản chất Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít). Mặc dù, không phải tiền ngân sách Nhà nước, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành. Tuy nhiên hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Phân tích về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, PGS.TS Phạm Thế Anh – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) khẳng định, việc điều hành khập khễnh, chưa hiệu quả do chưa điều hành linh hoạt thời gian qua.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, kể từ 01/01/2020 đến ngày 19/9/2022, tổng cộng có 72 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Trong đó, số lần được chi so với số lần phải trích lập của từng mặt hàng như sau:

E5RON92 có 46 lần được chi, 25 lần trích lập và 1 lần không đổi; Xăng RON95 có 36 lần được chi, 31 lần trích lập và 5 lần không đổi; Còn dầu diesel có 27 lần được chi, 44 lần trích lập và 1 lần không đổi; Dầu hỏa 25 lần được chi, 41 lần trích lập và 6 lần không đổi; Dầu mazut có 22 lần được chi, 40 lần trích lập và 10 lần không đổi.

Tổng cộng, số tiền trung bình được chi của các mặt hàng xăng E5RON92 và RON95 lần lượt là 525,7 đồng/lít và 5 đồng/lít. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut phải trích lập trung bình lần lượt là 135 đồng, 138 đồng và 115 đồng /lít.

Vị chuyên gia này cho rằng, sau khi sử dụng quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng E5RON92 và giá dầu mazut tăng lên lần lượt là 219 đồng/lít và 49 đồng/lít so với trường hợp không có quỹ.

Như vậy, mục tiêu bình ổn giá với các mặt hàng này là không đạt yêu cầu, ngược lại, sau khi sử dụng quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng RON95, diesel và dầu hỏa có giảm đôi chút, lần lượt là 26 đồng, 189 đồng và 86 đồng/lít.

“Nhìn chung, tác động bình ổn của Quỹ bình ổn khá mờ nhạt”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.

Cũng theo PGS.TS Phạm Thế Anh, về nguyên tắc Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo tốt giá thế giới. Có nghĩa phải dự báo được mức giá hiện nay đang cao hay thấp hơn so với mức giá trung bình trong dài hạn, nếu không dự báo được thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng gì.

Trước đó, không ít chuyên gia cũng cho rằng, thoạt nghe việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng về bản chất, nó không khiến xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường một cách minh bạch. Trong khi đó, vai trò và tính dự báo lại không được đề cao, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới…

Thực tế, trong bối cảnh trị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua, theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một phần nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu xuất phát từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Và trong đơn kêu cứu gửi Chính phủ, 24 doanh nghiệp bán lẻ đã đồng loạt đề xuất bỏ quỹ này.

Theo Gia Nguyễn

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên