Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Doanh nghiệp muốn bỏ, cơ quan quản lý muốn giữ
Dù nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị cần bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng các cơ quan quản lý cho rằng, vẫn phải giữ Quỹ để duy trì công cụ bình ổn giá, can thiệp thị trường khi cần thiết.
- 29-02-2020Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex tăng mạnh
- 12-02-2020Quỹ bình ổn xăng dầu dư 2.779,5 tỷ đồng
- 13-12-2019Lại đặt vấn đề giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Cơ quan quản lý muốn giữ
Trả lời báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, nói rằng, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đến nay không thể không sửa do có nhiều bất cập liên quan điều hành cũng như ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Theo ông Đông, tại thời điểm xây dựng Nghị định 83, nguồn xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, lên tới 75-80% và các nhà máy lọc dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn chưa đi vào vận hành.
Nhưng đến nay, nguồn cung từ sản xuất trong nước đã đảo chiều, chiếm 70-75% tổng nguồn cung xăng dầu. Vì vậy, việc điều hành, công thức tính giá cơ sở cũng phải thay đổi theo, để phản ánh đúng nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu. Trong 5 năm qua, Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do, dẫn đến có nhiều mức thuế xuất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan (Trung Quốc, ASEAN là 20%; Hàn Quốc 10%...) đòi hỏi chúng ta phải sửa công thức tính giá cơ sở để phản ánh được thực tiễn.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong lần sửa đổi này, về cơ bản, Nghị định 83 sẽ có 8 nội dung chính được sửa đổi liên quan điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu cũng như rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành giá xăng dầu. Cùng với đó là sửa đổi về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và Quỹ Bình ổn.
Theo ông Đông, việc sửa đổi lần này vẫn theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, muốn điều tiết và can thiệp thị trường vẫn cần phải có công cụ. “Đến giờ phút này, theo như chỉ đạo cũng như quan điểm mới nhất của của Ban soạn thảo và Chính phủ, kể cả các bộ, ngành trong đó có liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn thống nhất quan điểm là trong Dự thảo Nghị định vẫn có Quỹ bình ổn giá”, ông Đông nói.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Đoàn giám sát của Quốc hội hồi năm 2019 kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ được thành lập từ năm 2009, với số tiền trích lập hằng năm lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nhưng người dân không ai biết số tiền đó được sử dụng như thế nào. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4/2019, VINPA cho rằng, việc trích lập Quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phải chịu thiệt khi bị âm quỹ hàng trăm tỷ đồng. Hơn nữa, xét về bản chất, Quỹ Bình ổn xăng dầu hiện nay đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Nên người mua xăng dầu tuy có được mua xăng dầu bình ổn với giá không tăng nhưng là nhờ số tiền họ được ứng trước, chứ không nhờ sự can thiệp của bên thứ ba.
Tổng đại lý, nhà phân phối cũng phải tham gia dự trữ xăng dầu
Trao đổi với Tiền Phong, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng, để tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần xem lại một số quy định liên quan dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 30 ngày cung ứng của dự thảo sửa đổi Nghị định số 83.
Theo ông Long, việc yêu cầu dự trữ bắt buộc 30 ngày là quy định từ năm 2007 tại Nghị định 55 và là quy định cần thiết, góp phần bảo đảm năng lượng quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hầu như nhập khẩu toàn bộ xăng dầu nội địa trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu xăng dầu trong nước đã được hai nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đáp ứng được khoảng 75%, nên việc vẫn giữ nguyên dự trữ lưu thông 30 ngày đối với các thương nhân đầu mối sẽ không còn hợp lý. Thậm chí, quy định buộc dự trữ 30 ngày có thể gây lãng phí xã hội.
Theo tính toán của ông Long, tổng nhu cầu xã hội về mặt xăng dầu khoảng gần 19 triệu m3/tấn/năm, dự trữ lưu thông 30 ngày cần một lượng vốn rất lớn cho lượng hàng tồn kho, làm gia tăng chi phí vốn, giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể với chu kỳ điều hành giá 15 ngày, quy định dự trữ lưu thông 30 ngày dẫn đến giá thực hàng tồn kho của các đầu mối không bám sát với giá cơ sở.
“Đã đến lúc chúng ta nên xem xét giảm quy định ngày dự trữ lưu thông xuống còn 15 đến 20 ngày, sát với với chu kỳ điều chỉnh giá 15 ngày”, ông Long nói. Ông cho rằng, cần bổ sung quy định số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc đối với doanh nghiệp phân phối và tổng đại lý từ 5 đến 7 ngày để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tránh đổ dồn áp lực cho doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ hàng.
“Việc dự thảo quy định tiền trong Quỹ Bình ổn giá gửi kỳ hạn 1 tháng là chưa hợp lý và nên giữ nguyên như quy định tại Nghị định 84. Việc quy định trường hợp Quỹ bị âm, doanh nghiệp đầu mối được vay vốn để bù đắp và được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi 1 tháng của ngân hàng thương mại là chưa phù hợp với điều hành thị trường tài chính tiền tệ. Cần nghiên cứu khi âm Quỹ Bình ổn giá phải có chính sách cụ thể và thực tế để doanh nghiệp đầu mối chủ động vay, hạch toán, hoàn trả”.Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Tiền phong