Quy định về quê ăn Tết Nguyên đán: Nơi thông thoáng, nơi siết chặt buộc cách ly, xét nghiệm với những người về từ vùng dịch
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi địa phương lại đưa ra một biện pháp phòng chống dịch khác nhau đối với những người học tập, lao động xa nhà về quê dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam - Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu. Nhiều người lao động sau một thời gian dài xa quê đã đặt vé tàu xe, chuẩn bị trở về nhà đón Tết.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã gửi thư ngỏ vận động người dân từ vùng dịch không về quê đón Tết, thậm chí có những nơi còn đưa ra văn bản yêu cầu cách ly, xét nghiệm. Những quy định và thư ngỏ này khiến người dân không khỏi hoang mang.
Vận động không về quê ăn Tết nếu "không thực sự cần thiết"
Theo thông tin từ VietnamNet, TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã có thư ngỏ gửi các tầng lớp nhân dân trong địa bàn và người đang làm việc tại tỉnh ngoài, nước ngoài... về việc tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thư ngỏ của TP.Thanh Hóa
Cũng ở Thanh Hoá, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.
Tương tự Thanh Hoá, Quảng Nam cũng vận động người thân ở nơi có dịch không về quê ăn Tết. UBND Tỉnh ra văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người thân đang làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, vui xuân, đón Tết, kỷ niệm ngày truyền thống, sinh hoạt tôn giáo, đám cưới, gặp mặt, mừng thọ, đám tang… theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Ngay sau khi những lá thư ngỏ, vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết được đưa ra đã lập tức nhận lại nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng. Nhiều người cho rằng đây là việc làm không phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại và đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đồng tình cho rằng đây chỉ là thư ngỏ nhằm vận động, vì mục tiêu chống dịch chung.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Anh Xuân - bí thư Thành ủy Thanh Hóa - khẳng định với báo Tuổi trẻ, đây là khuyến cáo, vận động người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thật sự cần thiết, chứ địa phương không cấm người dân đi lại, thăm người thân và gia đình vào bất cứ dịp nào chứ không riêng gì dịp Tết Nguyên đán.
Cách ly, buộc xét nghiệm với những người trở về từ vùng dịch
Theo thông tin từ báo Lao động, Vĩnh Phúc yêu cầu người đến, về từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa), người tiếp xúc gần (F1): trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà/nơi lưu trú, tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, thứ 7.
Đối với người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, chưa được công bố khỏi bệnh COVID-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú thì thực hiện cách ly y tế tập trung.
Cũng theo báo này, từ ngày 31/12/2021, tỉnh Phú Thọ yêu cầu người chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày kể từ ngày trở về địa bàn tỉnh. Khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Ảnh: VTV
Đối với người đến/trở về từ các xã thuộc cấp độ 3, cấp độ 4: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Đồng thời, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày trở về địa phương đối với các trường hợp tiêm đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Khác với Vĩnh Phúc, tỉnh Hưng Yên yêu cầu người từ vùng dịch về địa bàn, người từ địa phương khác về quê ăn Tết phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh ngay khi về đến địa phương; người địa phương ra ngoài tỉnh, từ vùng dịch về phải khai báo y tế, tự cách ly tại nhà 14 ngày nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi.
Tự test nhanh COVID-19, có kết quả âm tính mới được tham gia hoạt động tại cộng đồng; trường hợp test nhanh có kết quả dương tính, phải báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định. Đây là những nội dung được báo Tin tức đăng tải.
Từng là một trong những "tâm dịch", Bắc Giang cũng yêu cầu người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 hoặc sẽ test nhanh trước khi vào địa bàn. Quy định có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh còn hiệu lực trong 48 giờ hoặc PCR trong 72 giờ được Bắc Giang duy trì từ cuối tháng 10.
Ban đầu, quy định chỉ áp dụng với người từ nơi có ca nhiễm cộng đồng, về địa phương dự sự kiện, hội họp đông người, sau mở rộng ra với tất cả người vào Bắc Giang. Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ được test nhanh ngay tại chốt, chi phí tự trả.
Tỉnh Quảng Trị, tỉnh này yêu cầu người trở về từ vùng cam cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu và ngày thứ 7.
Đặc biệt với người trở về từ vùng đỏ cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu và ngày thứ 7.
Nhiều địa phương yêu cầu người dân thực hiện test PCR (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)
Ngày 8/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh TT-Huế ban hành văn bản điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới.
Theo đó, người đến, trở về từ các địa phương có mức độ dịch cấp độ 3 và cấp độ 4: Thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 14 ngày kể từ khi về đến địa phương. Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc xin, thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày nhưng xét nghiệm 2 lần, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc người được công bố khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, thực hiện tự theo dõi sức khỏe tối thiểu 7 ngày kể từ khi về đến địa phương và xét nghiệm 2 lần.
Người đến, trở về từ cấp độ 2 nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin, phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày.
Người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc người được công bố khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày kể từ khi về đến địa phương.
Người đến, trở về từ các địa phương ngoại tỉnh cấp độ 1 tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày kể từ khi về đến địa phương. Xét nghiệm, khuyến cáo công dân tự thực hiện test nhanh kháng nguyên sau 48-72 giờ kể từ ngày về đến địa phương.
Nhiều địa phương tạo điều kiện để người dân về quê ăn Tết
Sáng 10/1, theo Người lao động, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp bàn về việc thay đổi một số biện pháp ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đón Tết, tỉnh Quảng Ngãi đã bãi bỏ quy định test nhanh hay xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Cùng với đó, tỉnh cũng thay đổi biện pháp giám sát y tế, không cách ly y tế 7 ngày như lâu nay.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết tỉnh luôn chống dịch một cách nghiêm túc, nhưng nhu cầu người dân về quê dịp cận Tết lớn nên sẽ tạo điều kiện thoả mái nhất cho bà con.
“Người ta về quê mấy ngày ăn Tết mà cách ly thì về làm gì? Tôi khuyến cáo bà con tự giữ cho mình, cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Người dân bây giờ đã ý thức hết rồi, đâu phải trẻ con mà mình phải thế này, thế kia. Không nên!”, ông Minh nêu quan điểm.
Cùng với Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh này không hạn chế việc người dân trở về quê ăn Tết.
Ảnh: VietnamNet
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An quy định người dân khi về quê nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) hoặc khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.
Thông tin với VTC, lãnh đạo Bình Phước cho hay dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân trong tỉnh vẫn về quê ăn Tết bình thường, không có rào cản gì, chỉ cần thực hiện tốt quy định 5K và khai báo với y tế với địa phương.
Tương tự như các tỉnh nêu trên, phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, người dân về quê trong dịp Tết Nguyên Đán không cần phải khai báo y tế nhưng phải chấp hành tốt các biện pháp 5K, hạn chế tối đa tập trung đông người.
"Địa phương đang phòng chống dịch theo cấp độ 2. Mỗi tuần địa phương đánh giá cấp độ 1 lần và sẽ điều chỉnh theo cấp độ", ông Đoàn Tấn Bửu nói.
Tương tự, TP. Đà Nẵng, Lâm Đồng và các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... cũng đã nới lỏng rất "rộng rãi", người dân về quê ăn Tết dù ở vùng nào thì chỉ cần khai báo y tế và áp dụng các biện pháp như quy định chung của Bộ Y tế.
Đối với vấn đề nhiều địa phương đưa ra những quy định khắt khe đối với người dân về quê ăn Tết, cũng như đưa ra thư ngỏ "không về nếu không cần thiết", trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các địa phương đã "quá căng thẳng".
Ông Nga cho rằng, việc này rõ ràng không đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128 của Chính phủ.
"Nếu vẫn ngăn sông cấm chợ, vẫn không cho về quê thì tiêm vắc xin làm gì nữa, cứ theo chính sách zero COVID-19 thôi", ông Nga đặt vấn đề.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng việc nhiều địa phương đang "dựng" những hàng rào vô hình gây khó cho người dân về quê ăn Tết bằng nhưng quy định cách ly, theo dõi nghiêm ngặt là điều không nên.
"Vì thế, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội. Việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt", PGS Phu nhấn mạnh trong quá trình trao đổi với báo Dân Việt.
Đồng thời, PGS cũng đưa ra khuyến cáo với người dân để đảm bảo an toàn trong thời gian về quê đón Tết: "Người dân khi về quê ăn Tết phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…"
Doanh nghiệp và Tiếp thị