Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh sẽ xem xét tổng thể nhiệt điện than?
Bộ Công Thương đang chỉ đạo để EVN tính lại Tổng sơ đồ điện VII theo hướng sẽ xem xét lại toàn bộ chương trình nhiệt điện than.
- 16-01-2017Ký thỏa thuận đầu tư Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2
- 30-11-2016Gia tăng tỷ trọng nhiệt điện than sẽ đẩy giá điện tăng cao
- 26-11-2016Cắt 1.000 ha biển làm nhiệt điện: Lại lo số phận cá tôm
Nêu lý do chậm công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện hằng năm, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN phải kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của hàng trăm đơn vị với những con số thu – chi rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm nên mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, cơ quan kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cũng phải rà soát rất nhiều các hồ sơ để thẩm định trước pháp luật về những báo cáo của EVN cũng như các đơn vị thành viên.
EVN đề xuất sử dụng khí hóa lỏng nhập khẩu cho Dự án nhiệt điện Tân Phước. (Ảnh minh họa: KT)
Để đẩy nhanh tiến độ sớm công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016, ông Tri cho biết năm 2017, EVN đã chỉ đạo quyết liệt để tăng tiến độ quyết toán. EVN cũng đã kí hợp đồng cùng lúc với 3 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới để tiến hành kiểm toán EVN. Từ ngày 15/3 tới đây, EVN yêu cầu các công ty phải có báo cáo kiểm toán để Tập đoàn tập hợp và trình hội đồng thành viên vào tháng tư và báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính trong tháng 5/2017.
“Tiến độ kiểm toán và báo cáo kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2016 sẽ được đẩy nhanh trong năm 2017. Sau khi EVN báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, sau đó đoàn kiểm tra sẽ quyết định thời điểm công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016”, ông Tri khẳng định.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, nguồn điện than trong những năm tới sẽ chiếm tỷ lệ rất cao. Theo tổng sơ đồ điện mới được bổ sung và sửa đổi, tỷ lệ nhiệt điện than sẽ chiếm tới 55% tổng lượng nguồn phát điện của Việt Nam. Do đó, EVN dự tính Việt Nam sẽ cần phải nhập trên 100 triệu tấn than/năm cho phát điện và hiện không thể nào giảm được kế hoạch này.
“Sau khi nhà máy điện hạt nhân dừng triển khai, Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo để EVN tính lại Tổng sơ đồ điện VII theo hướng sẽ xem xét lại toàn bộ chương trình nhiệt điện than”, ông Tri cho biết.
Nhiệt điện Tân Phước sẽ dùng khí hóa lỏng nhập khẩu
Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ giao cho EVN tiếp nhận 2 cụm dự án điện là Trung tâm Nhiệt điện than Quảng Trạch và Dự án Nhiệt điện than Tân Phước (cùng công suất 2.400 MW), đại diện EVN cho rằng, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch là dự án cấp bách đáp ứng kịp thời khả năng thiếu điện tại khu vực miền Nam và miền Trung sau năm 2020, do đó EVN đã phải thu xếp nguồn vốn rất nhanh để triển khai dự án đảm bảo tiến độ.
Đối với dự án điện Tân Phước, EVN đã giao tư vấn làm việc với Bộ Công Thương, trình Chính phủ với đề xuất không làm nhiệt điện than, sẽ chuyển sang làm nhiệt điện tua bin khí hóa lỏng nhập khẩu, tạo thêm thị trường nhập khẩu khí cạnh tranh. Với đề xuất này, Bộ Công Thương đang giao cho EVN thực hiện dự án điện Tân Phước, theo kế hoạch trong năm 2017, EVN sẽ quy hoạch lại Trung tâm Nhiệt điện Tân Phước từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí nhập khẩu, EVN đánh giá là một hướng thực hiện dự án phù hợp.
Ông Tri cũng cho biết, trong Tổng sơ đồ điện VII sửa đổi, EVN cũng đã kiến nghị với Bộ Công Thương tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Điện mặt trời giá thành ngày càng giảm và đang là xu hướng của công nghệ toàn thế giới, vừa sạch, vừa rẻ tiền nhưng phải kết hợp đồng bộ với lưới điện hiện nay.
“Cần phải có phương án điều độ để khi điện mặt trời nhiều sẽ giảm bớt lượng phát thủy điện, tua bin khí kể cả nhiệt điện than. Một nhà máy điện có công nghệ tạo công suất nhanh, đáp ứng nhu cầu phức tạp vào các giờ cao điểm là hướng chiến lược của EVN trong thời gian tới”, ông Tri nêu rõ.
Hiện nay, EVN đã bàn bạc và nhận được sự ủng hộ cao từ các nhà tài trợ quốc tế cho các dự án năng lượng tái tạo. Khả năng và cam kết của các tổ chức tài trợ quốc tế có thể đáp ứng nguồn vốn cho EVN xây dựng khoảng 1.000 MW điện mặt trời, tuy nhiên cái khó nhất của EVN hiện nay chính là việc chọn được địa điểm lắp đặt dự án điện mặt trời.
“Mỗi MW điện mặt trời chiếm từ 1,2 – 1,5 ha đất nên EVN sẽ phải lựa chọn những địa điểm nào có đất đai cằn cỗi và có nhiều nắng để phát triển dự án điện mặt trời”, ông Tri cho biết./.
VOV