Quy hoạch tài nguyên nước sẽ hồi sinh các dòng "sông chết"
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước, khô hạn, đưa ra giải pháp, góp phần "hồi sinh" các dòng sông ô nhiễm...
- 15-01-2023Nhiều người Việt sẵn sàng chi từ 40% - 60% tổng thu nhập để trả góp vay mua nhà
- 15-01-2023Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
- 15-01-2023Doanh nghiệp "tăng tốc" sản xuất hàng hoá dịp Tết Nguyên đán
Chồng chéo trong quản lý dẫn đến hiệu quả quản lý nước chưa cao
Ngày 27/12/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem là văn bản rất quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên có Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.
Liên quan đến bước tiến rất quan trọng trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước quốc gia, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ năm 2022, Luật Tài nguyên nước lần đầu được ban hành đã giúp cho công tác quản lý tài nguyên nước như điều hòa, phân bổ, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm được thực hiện khá hiệu quả.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
"Tuy nhiên, thể chế, chính sách hiện vẫn chưa được tích hợp để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước. Các giải pháp trong thực tế phát huy hiệu quả, nhưng không mang tính đồng bộ, tổng thể và thiếu định hướng. Điều này dẫn đến hiệu quả quản lý nước chưa cao, đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước", ông Châu Trần Vĩnh cho hay.
Quy hoạch được xây dựng cũng xuất phát từ thực tiễn nhu cầu nước ở nước ta rất lớn, trong 50 năm qua đã tăng gấp 3 lần. Ví dụ, Tây Nguyên năm 1975 chỉ có hơn một triệu dân, đến 2020 trên 5,5 triệu, sử dụng trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên cho nông nghiệp (2,6 triệu ha) và hàng chục nhà máy thủy điện được xây dựng kéo theo nhu cầu sử dụng nước rất lớn.
Bên cạnh đó, việc điều hòa, phân bổ nước không được định hướng, quy định cụ thể đã dẫn đến các mâu thuẫn trong sử dụng nước ở một số lưu vực sông. Nổi cộm là việc chuyển nước thủy điện Đăk Mi 4 từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trong mùa khô, thủy điện An Khê - Ka Nak chuyển nước từ sông Ba sang sông Kôn, từ Phước Hòa trên sông Bé sang Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn.
Ngoài ra, các quy hoạch ngành như phòng chống thiên tai, thủy lợi, năng lượng, điện lực, quy hoạch vùng và tỉnh thành đang được xây dựng rất cần có quy hoạch tài nguyên nước quốc gia để làm cơ sở.
"Tôi cho rằng bất cập lớn nhất là thể chế, chính sách chưa tích hợp các quy định trong một bộ luật về nước gây chồng chéo trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh. Ngoài ra, bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt đã và đang là vấn đề lớn cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước, bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM", ông Châu Trần Vĩnh thẳng thắn nhìn nhận.
Góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước, khô hạn
Theo ông Châu Trần Vĩnh, một trong những mục tiêu quan trọng đến năm 2030 của quy hoạch là khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng xa và các đảo.
Hạn hán ở Gia Lai (Ảnh: Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên)
Đồng thời với đó là các định hướng lớn trong điều hòa, phân bổ, bảo vệ nguồn nước và khắc phục hậu quả do nước gây ra được thể hiện trên phạm vi quốc gia; các định hướng cho từng vùng, lưu vực sông trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên trong giải quyết vấn đề thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn.
Với các giải pháp, định hướng đồng bộ, cùng với quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả thì vấn đề hạn hán, thiếu nước ở các vùng trên cơ bản sẽ được giải quyết, giảm thiểu tối đa được thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.
Đưa ra giải pháp, góp phần "hồi sinh" các dòng sông ô nhiễm
Theo Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, một mục tiêu quan trọng của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên.
Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các dòng sông bị suy thoái cạn kiệt như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải ở miền Bắc. Đây không còn là dòng sông theo đúng nghĩa mà đã trở thành kênh dẫn nước thải. Bên cạnh việc chưa kiểm soát triệt để được các nguồn thải thì vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ các dòng sông này không có dòng chảy. Các công trình điều tiết nước như cống thủy lợi có chế độ vận hành chưa hợp lý dẫn đến chất lượng nguồn nước đã ô nhiễm lại càng suy thoái và không còn chức năng cung cấp nước.
Ô nhiễm nghiêm trọng tại sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN).
"Một nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch là cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn. Trước mắt từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê trình Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai. Các nguồn nước được bảo vệ theo đúng ý nghĩa coi nước là tài sản quốc gia, nhiều dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được phục hồi. Nếu nước được tính đúng, tính đủ giá trị sử dụng thì sẽ bảo đảm giá trị tài sản công, tăng cường việc sử dụng nước tiết kiệm, giảm thất thoát và tránh thất thu ngân sách", Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước chia sẻ.
Rất nhiều thách thức trong quản lý tài nguyên nước trong tương lai
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, với sự phát triển vượt bậc của kinh tế - xã hội trong những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng nước của các ngành ngày càng lớn. Dự báo tổng nhu cầu nước năm 2025 khoảng 120,4 tỷ m3, tăng 3% so với hiện tại; năm 2030 khoảng 121,5 tỷ m3, tăng 3,9%; năm 2050 là 130,9 tỷ m3, tăng xấp xỉ 12%.
Trong cơ cấu sử dụng nước, các ngành kinh tế, nông nghiệp (tưới) vẫn có nhu cầu nước nhiều nhất, chiếm 73% ở hiện tại và có xu thế giảm xuống 68% vào năm 2030 và 63% năm 2050. Ngành sinh hoạt, công nghiệp và du lịch, dịch vụ có xu hướng tăng tỷ lệ dùng nước nhanh nhất.
"Nếu thực hiện đúng quy hoạch, đến năm 2030 Việt Nam sẽ kiểm soát cơ bản 90% hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống công trình thủy lợi. Đến 2025 chúng ta lập được quy hoạch tất cả lưu vực sông. Tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt lên 95-100%, ở nông thôn là 65%. 90% nguồn nước được kiểm soát, giảm mức thất thoát nước xuống dưới 10%", ông Châu Trần Vĩnh khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, thách thức lớn nhất là tổ chức thực hiện, đòi hỏi không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường mà các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các giải pháp đồng bộ đã được thể hiện trong quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.
Vấn đề nguồn lực để triển khai cũng là mấu chốt. Với nguồn lực của quốc gia rất hạn chế như hiện nay thì việc Nhà nước nghiên cứu bố trí nguồn lực hợp lý, phù hợp với các giai đoạn, vấn đề ưu tiên thể hiện trong quy hoạch là rất quan trọng.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi xây dựng quy hoạch chịu nhiều áp lực. Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Quy hoạch thì quy hoạch tài nguyên nước là cụ thể hóa cho quy hoạch tổng thể quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019 về vấn đề này, tuy nhiên trong quá trình lập thì quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được ban hành nên gặp những khó khăn nhất định.
"Việc chồng lấn đối tượng quản lý giữa Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi và một số quy định trong các luật có liên quan đã phần nào gây khó khăn trong việc định hướng, đưa ra giải pháp quản lý, nhất là trong bối cảnh đây là quy hoạch đi tiên phong trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia", ông Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh thêm.
VOV