MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy luật bó đũa và mô hình tài chính tích hợp - Liệu các ngân hàng có bị hất khỏi ngôi vua?

30-05-2021 - 19:09 PM | Tài chính quốc tế

Quy luật bó đũa và mô hình tài chính tích hợp - Liệu các ngân hàng có bị hất khỏi ngôi vua?

Ngân hàng, các website thương mại điện tử, fintech, mạng xã hội, các apps đặt taxi và các công ty viễn thông đang ganh đua để trở thành những siêu ứng dụng cung cấp cả dịch vụ tài chính.

Bởi vì Covid-19, có nhiều người hơn bao giờ hết đã chuyển sang sử dụng ngân hàng số và thanh toán trực tuyến. Cũng giống như sự bùng nổ kỹ thuật số do đại dịch mang lại đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử, ngành tài chính cũng đang được định hình lại.

Quy luật "bó đũa"

Giữa cơn sốt kỹ thuật số, một mô hình kinh doanh mới đang xuất hiện và thu hút đông đảo những người mới tham gia. Ngân hàng, các website thương mại điện tử, fintech, mạng xã hội, các apps đặt taxi và các công ty viễn thông đang ganh đua để trở thành những siêu ứng dụng cung cấp cả dịch vụ tài chính. Tara Reeves của Omers Ventures, một nhánh chuyên về quỹ đầu tư mạo hiểm của một quỹ hưu trí tại Canada, cho biết: "Mọi người đều đang cố gắng để trở thành nhân vật chính". 

Grab, một ứng dụng gọi xe phổ biến đã phát triển thành ví điện tử phổ biến nhất tại Singapore và có hơn 60 mối quan hệ với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các công ty tài chính khác. Reuben Lai, người điều hành mảng dịch vụ tài chính của hãng này, cho biết họ muốn "trở thành một nền tảng duy nhất" đáp ứng nhu cầu tài chính của người Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư cho rằng "tài chính tích hợp" — ám chỉ việc tích hợp tín dụng, bảo hiểm và đầu tư vào các ứng dụng hoặc trên các trang web phi tài chính — theo thời gian có thể trở nên có giá trị như các dịch vụ thanh toán thông dụng. Do đó, cả ngân hàng và fintech đều đang chạy đua để tích hợp các dịch vụ mà họ cung cấp. 

Vào tháng 9 năm ngoái, Yandex, ứng dụng đặt xe và tìm kiếm trên web hàng đầu của Nga, cho biết họ sẽ mua lại ngân hàng kỹ thuật số lớn nhất của quốc gia này. Một tuần sau, Sberbank, ngân hàng cho vay hàng đầu của Nga, đã loại bỏ cụm từ "ngân hàng" ra khỏi tên của mình để đổi thương hiệu thành một công ty công nghệ chuyên về giao hàng thực phẩm và y tế trực tuyến. 

Điểm thu hút chính của mô hình mới xuất phát từ đồng tiền. Khi cạnh tranh gia tăng và, tại các nước phát triển, lãi suất thấp và có xu hướng giảm sẽ làm biên lợi nhuận cho vay thấp hơn, và do đó các ngân hàng cần phải đa dạng hóa sản phẩm của mình. Về phần những kẻ thách thức (vốn dựa trên công nghệ) muốn tăng cường độ gắn bó của khách hàng với ứng dụng của mình để có thể bán nhiều sản phẩm cốt lõi hơn hoặc cắt giảm phần lợi nhuận mà họ chia sẻ cho bên thứ ba. 

Khi các hình thức mang tính vật lý không còn phù hợp nữa, ngành tài chính sẽ đối mặt với vấn đề mang tính kinh tế mạng tương tự như điều đã diễn ra trên các lĩnh vực khác. Huw van Steenis của UBS cho rằng đại dịch đang thúc đẩy một xu hướng đó là "người chiến thắng là người giành phần lớn tất cả", nơi các nền tảng phổ biến thu hút nhiều lưu lượng truy cập hơn theo cấp số nhân.

Phần lớn lợi nhuận có thể đến từ khả năng hợp nhất và khai thác dữ liệu đã tồn tại lâu trong các dịch vụ tài chính khác nhau. Với bức tranh đầy đủ về hành vi của người dùng, các công ty hy vọng sẽ sử dụng các thuật toán để xác định hành vi người dùng, chẳng hạn như cách tiết kiệm tiền để sở hữu một ngôi nhà mơ ước. Điều đó sẽ làm cho các nền tảng trở nên gắn bó hơn và cho phép họ giới thiệu nhiều sản phẩm hơn nữa. Backbase, một fintech chuyên thiết kế phần mềm ngân hàng kỹ thuật số, cũng đang làm việc dựa trên nguyên tắc như vậy. Jouk Pleiter, ông chủ của công ty cho biết: "Càng có nhiều người chia sẻ cuộc sống hàng ngày của họ với bạn, bạn càng có thể mang lại cho họ những lợi ích bổ sung.

Thêm nhiều số không hơn

Mặc dù đã xóa sổ những đối thủ cạnh tranh trong các lĩnh vực khác nhau, Big Tech vẫn tự hài lòng với việc chỉ tiếp cận phần ngoại vi của ngành tài chính. Apple đã ra mắt thẻ tín dụng kết hợp với Goldman Sachs cùng với một công cụ thanh toán. Các nỗ lực thanh toán của Facebook đã đạt được rất ít tiến bộ. Lisa Ellis của MoffettNathanson cho biết số lượng các trang web thương mại điện tử của Mỹ sử dụng "nút" thanh toán của Amazon đang tăng chậm lại. 

Google đã hợp tác với các ngân hàng để cung cấp tài khoản vãng lai và tài khoản tiết kiệm; ở Ấn Độ, nơi ứng dụng thanh toán của họ đang chiếm ưu thế,  hãng này cung cấp các khoản vay tức thì cho người mua sắm. Nhưng Diana Layfield, lãnh đạo phụ trách mảng thanh toán tại Google, kiên quyết rằng họ không muốn trở thành "một nền tảng tích hợp và thống nhất lớn".

Với tất cả những diễn biến như trên, ngành ngân hàng sẽ đi về đâu? Nhiều fintech, với các ứng dụng sáng giá hơn và khả năng phân tích rủi ro tốt hơn, chắc chắn có lợi thế hơn. Nhưng những công ty này không cố gắng chiếm đoạt thị phần từ những ngân hàng cho vay. Miklós Dietz của McKinsey cho biết điều này là do ngân hàng được tạo thành từ hai phần. 

"Ngân hàng lõi" —được quản lý chặt chẽ và dựa trên các hoạt động thâm dụng vốn dựa trên bảng cân đối kế toán — tạo ra doanh thu 3 nghìn tỷ đô la trên toàn thế giới và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 5-6%. Ngược lại, các lĩnh vực kinh doanh có tính tự do hơn, chẳng hạn như dịch vụ thanh toán hoặc phân phối sản phẩm, mang lại doanh thu 2,5 nghìn tỷ đô la nhưng ROE đạt ở mức 20%. Fintechs đang theo đuổi những món lợi béo bở. Nhưng để làm được điều này, họ cần các ngân hàng để tồn tại.

Để xem khả năng cùng chung sống và hoạt động như thế nào, hãy nhìn sang Trung Quốc. Tencent và Ant sử dụng vị thế độc quyền về các thuật toán quyền lực để định giá và phân phối một phần các khoản vay đang tăng nhanh cho người tiêu dùng và các công ty nhỏ trong nước. Tuy nhiên, các sản phẩm họ bán được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Bất chấp khoản cắt giảm khổng lồ mà họ thực hiện — ngốn một phần lớn lợi nhuận của người cho vay — các ngân hàng vẫn chấp nhận thỏa thuận này, vì họ cần tiếp cận khách hàng.

Nhưng sự chung sống giữa ngân hàng và các công ty công nghệ sẽ tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trên thế giới. Một số ngân hàng có thể thích nghi với thế giới công nghệ tốt hơn những ngân hàng khác, và bản thân công nghệ đã trở thành một phần chức năng đối với các ngân hàng ngày nay. 

Dirk Vater của Bain nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hiệu suất mảng dịch vụ số của ngân hàng và mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Các ngân hàng châu Âu, chịu gánh nặng bởi các khoản vay khó đòi và lãi suất thấp, đã dành những năm 2010 để cắt giảm chi phí thay vì đầu tư vào chuyển đổi số. Ứng dụng của họ có rất ít chức năng. 

Ngược lại, Ngân hàng Commonwealth Bank của Australia, có trụ sở tại một quốc gia không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, đã xây dựng một ứng dụng giành được nhiều lời khen ngợi khi cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa giống như cách làm của Netflix. Nó thông báo cho người dùng khi các hóa đơn đến hạn thanh toán và tư vấn cho họ về việc khai thuế. Piyush Gupta, ông chủ của DBS, cho biết họ đã dành vài tháng qua để lấp đầy những khoảng trống "cuối cùng" để các sản phẩm có tính phức tạp, chẳng hạn như vay thế chấp, có thể được cung cấp trực tuyến.

Quy luật bó đũa và mô hình tài chính tích hợp - Liệu các ngân hàng có bị hất khỏi ngôi vua? - Ảnh 1.

Séc và số dư tài khoản

Các quy định cũng sẽ xác định giới hạn giữa các công ty công nghệ và các ngân hàng. Trung Quốc từ lâu đã để các hãng này tự do hoạt động (mặc dù gần đây nước này cũng đã thu hồi một số quyền tự do đó để bảo vệ các ngân hàng truyền thống). 

Ở một khía cạnh khác, Mỹ là quốc gia đưa ra biện pháp bảo vệ nhiều nhất đối với các ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng bằng việc trì hoãn xây dựng hàng lang cho lĩnh vực thanh toán nhanh và gây khó khăn cho các ngân hàng số trong việc xin cấp giấy phép hoạt động. Quốc gia này để thị trường quyết định khi nào dữ liệu nên được chia sẻ và ở mức giá nào.

Châu Âu và nhiều thị trường mới nổi khác thì trung dung hơn. Những quốc gia này đã cố gắng thúc đẩy cạnh tranh bằng cách cho phép chia sẻ dữ liệu. Một số phiên bản của Open Banking (ngân hàng mở) sẽ sớm có hiệu lực tại 51 quốc gia, từ Malaysia đến Mexico.

Kết hợp các thông tin kể trên, chúng ta bắt đầu nhận thấy tại sao một số hệ thống tài chính nhất định tên thế giới lại có vị trí như ngày nay và chúng sẽ có thể tiến bước ra sao. Nước Mỹ đang ở vạch xuất phát. Khách hàng bị bó hẹp trong các chương trình thẻ tín dụng với các điều khoản cố định được tài trợ bởi các khoản thu cắt cổ từ phía nhà cung cấp. Các công ty công nghệ phải dựa vào hệ thống tài chính quan liêu, ọp ẹp do các ngân hàng truyến thống cung cấp, được chính phủ đảm bảo.

Ở bước tiếp theo, các ngân hàng sẽ vẫn vận hành cơ sở hạ tầng, nhưng dịch vụ thanh toán và các dịch vụ không cốt lõi khác sẽ được mở cho những người chơi mới. Ví dụ, fintech ở châu Âu có thể bắt đầu chuyển tiền nhưng họ vẫn phải thực hiện chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng. Ở Thụy Điển, các hãng này đã chiếm 60% các khoản cho vay tiêu dùng.

Ở giai đoạn hai, dịch vụ thanh toán sẽ loại bỏ dần các trung gian như hiện nay — chẳng hạn như chuyển tiền giữa các ví điện tử tại một số nước Châu Phi hiện đã không thông qua kênh của các ngân hàng. Nhưng hầu hết các dịch vụ tài chính khác vẫn sẽ liên quan đến hệ thống ngân hàng. Giai đoạn ba là giai đoạn dành cho lĩnh vực của các "siêu ứng dụng" như Grab và Gojek ở Đông Nam Á với khởi đầu là dịch vụ gọi xe. Những công ty này muốn trở thành một "siêu thị" trên lĩnh vực tài chính cung cấp nhiều loại sản phẩm nhưng chủ yếu do những công ty khác cung cấp. Ví dụ điển hình nhất ở giai đoàn này chính là các siêu ứng dụng ở Trung Quốc.

Chừng nào các cơ quan quản lý quyết tâm giữ cho các ngân hàng truyền thống tồn tại, thì giai đoạn bốn, nơi các tổ chức phi ngân hàng thống trị cả sản xuất và phân phối các dịch vụ tài chính, sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, với rất nhiều quốc gia nằm ngoài phạm vi trên, điều này khó có thể loại trừ bởi những thay đổi đáng kể trong những năm sắp tới.

Tham khảo The Economist

Lục Trúc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên