[Quy tắc đầu tư vàng] Bài học đắt giá để vượt qua khủng hoảng cho nhà đầu tư từ TTCK “năm Covid đầu tiên”
Covid-19 tạo ra một năm nhiều cảm xúc cho chứng khoán, không chỉ ở các lần lao dốc, lập đỉnh mà còn cho thấy sức mạnh của nhà đầu tư cá nhân và những phiên không thể giao dịch vì "quá nhiều tiền"…
Năm Canh Tý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua ba tháng đầu năm chật vật khi Covid-19 bất ngờ tới, khi mọi thứ trở nên quá bất ngờ với giới đầu tư chứng khoán.
Trong đợt bán tháo kinh hoàng hồi tháng 3 vì đại dịch, ít ai nghĩ được rằng năm Canh Tý lại là năm thành công với thị trường chứng khoán Việt Nam suốt quãng thời gian còn lại.
VN-Index đã hồi phục vượt sự kỳ vọng của giới đầu tư. Đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã leo lại lên ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200 vào ngày 13/01/2021.
Thị trường vốn dĩ không ngừng vận động tăng – giảm luân phiên tuy nhiên những diễn biến trong năm 2020 đi ngược lại suy nghĩ nhiều nhà đầu tư.
Quá dễ dàng để có thể hình dung về uptrend trong thời kỳ kinh tế phát triển. Nhưng thực tế sự hưng phấn của thị trường chứng khoán lại diễn ra trong năm 2020 - một năm mà đại dịch thảm khốc lấy đi tính mạng của hơn một triệu người, làm ngừng trệ hoạt động kinh doanh, du lịch và tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính và các công ty chứng khoán cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2020 đã trải qua những biến động lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1939.
Không nằm ngoài xu hướng đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự nỗ lực của thành viên thị trường, doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 về cơ bản đã thành công khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và phục hồi tích cực.
Cập nhật số liệu tới ngày 31/12/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc một năm tăng trưởng ấn tượng, tăng mạnh tới gần 70% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 (ngày 24/3/2020, đóng cửa ở mức 659,21 điểm), tăng 15% so với thời điểm cuối năm 2019. Đồng thời, chỉ số HNX-Index cũng đã có một năm phục hồi tốt.
Đồ thị VN-Index năm 2020
Không thể nhắc tới yếu tố quan trọng là " tiền rẻ" khi dòng tiền cá nhân F0 tiếp tục thúc đẩy thị trường phát triển. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trong năm 2020, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên, chiếm 78% giao dịch toàn thị trường, tổ chức trong nước và nước ngoài chia nhau phần còn lại. Tỷ lệ này là lớn so với các thị trường chứng khoán quốc gia khác.
Lãi suất thời gian qua đã giảm liên tục do dư thừa thanh khoản. Ngoài ra, sức nóng của kênh đầu tư này cũng là động lực thôi thúc nhiều người lần đầu tham gia thị trường. Nhịp hồi phục từ mức đáy cuối tháng 3 đến hết quý II và nhịp tăng trong nửa cuối năm giúp nhiều mã chứng khoán đạt tỷ suất sinh lời vài chục phần trăm, thậm chí tính bằng lần. Điều này kích hoạt ham muốn làm giàu của những người đứng ngoài thị trường.
Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven, một trong những nhà đầu tư ngoại đầu tiên và am hiểu chứng khoán Việt Nam, cho rằng đây cũng là sự phản ứng logic trước làn sóng thay đổi chính sách tài khoá, tiền tệ. "Họ phản ứng nhạy bén để tự bảo vệ đồng vốn của mình. Họ không hẳn chỉ lao vào thị trường ngắn hạn và có cơ sở để tin họ sẽ tồn tại, trở thành xu hướng lâu dài trên thị trường"
Trải qua một năm đắng cay - ngọt bùi khó quên trên thị trường chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư tổng kết bằng nhận định: "Diễn biến trên bảng điện mà chúng tôi đã đi đến lúc này là điều mà chúng tôi chưa bao giờ lường trước được".
Và dưới đây là những bài học mà các nhà quản lí quỹ, nhà đầu tư cá nhân nổi tiếng nói rằng họ đã học được từ một năm không thể quên.
1. Đừng cố dự đoán thị trường trước những biến động từ các yếu tố bên ngoài khó dự đoán như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh…
Không có bí mật thực sự để quản lý biến động. Hầu hết các nhà đầu tư nổi tiếng và nhà quản lí quỹ cho biết rằng cách tốt nhất để điều hướng một thị trường đầy biến động là phải có một kế hoạch dài hạn tốt và một danh mục đầu tư đa dạng.
Nhưng thực hiện những điều căn bản này đôi khi nói dễ hơn làm. Trong thực tế đôi khi bạn bắt đầu nghi ngờ về niềm tin của mình và tin vào những nghi ngờ, điều này có thể dẫn đến hành động ngắn hạn làm lệch hướng mục tiêu dài hạn.
Việc cố đoán thị trường để lựa chọn thời điểm mua vào hay bán ra không phải là ý tưởng tốt, thay vào đó nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn.
2. Ghi nhớ kĩ những lần thất bại
Con người thường né tránh khi nhớ về những sai lầm hoặc kinh nghiệm thất bại trong quá khứ mặc dù chính chúng ta đã gây nên. Trong đầu tư, nhà đầu tư thường không muốn nhớ những cổ phiếu đã gây ra thua lỗ mà chỉ nhớ có chọn lọc những khoảng đầu tư thắng lợi để "tự" thỏa mãn và bảo vệ hình ảnh của chính chúng ta.
Để tránh sai lầm từ điều này, nhà đầu tư nên ghi nhận lại kết quả đầu tư (thắng hoặc thua) vì có thể dễ dàng nhớ 1 cổ phiếu có lợi nhuận 20% ngay lập tức nhưng những khoản lỗ tới 30% có thể quên ngay khi chiến thắng sau đó.
Việc ghi nhận toàn bộ các khoản đầu tư trong một khoảng thời gian xác định như quý hay năm sẽ giúp nhận thấy các khoản đầu tư của chúng ta phần lớn đều đang ở trạng thái ra sao trong một thời kỳ, để từ đó có thể điều chỉnh sao cho phù hợp và đem lại nhiều hiệu quả hơn.
3. Kiểm soát tâm lý giao dịch
Kiểm soát tốt tâm lý là một điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư tồn tại trên thị trường, điều này cũng làm giảm nỗi sợ hãi khi bạn mất tiền và không làm bạn rơi vào tuyệt vọng. Trên một thị trường đầy biến động và bất ngờ, kiểm soát tốt tâm lý giao dịch giúp bản thân đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.
Nỗi sợ hãi mất tiền là điều bình thường đối với nhà đầu tư trên thị trường, sợ hãi là tốt, nó giúp nhà đầu tư thận trọng, nhưng cần lưu ý rằng, đừng để nỗi sợ hãi bao trùm lấy các quyết định, hãy sáng suốt và phân tích thật kỹ, có kế hoạch cụ thể trước mỗi lần "vào lệnh" hay "ra lệnh".
4. Mọi biến cố dù tồi tệ đến đâu rồi cũng sẽ kết thúc
Theo quy luật, sau thời hậu khủng hoảng, một đợt bùng nổ mới lại đến. Trong cuộc sống cũng thế, nỗi đau của những đổ vỡ rồi sẽ nhạt phai, sau đó là cơ hội cho những điều mới tốt đẹp hơn. Bước tiếp theo cần làm là đặt ra mục tiêu thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Hãy đưa ra những đích đến mới sau những đau thương đã trải qua.
Cùng với đó là một kế hoạch giúp bản thân vượt qua nghịch cảnh mà thị trường vừa dành tặng chính ta. Hãy chia sẻ những khó khăn đã trải qua với mọi người, và tham vấn ý kiến từ họ, có thể họ đã từng trải qua, và biết đâu kinh nghiệm đi trước của họ sẽ là liều thuốc bổ giúp những người còn lại.
Qua những biến cố, khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, đó thường là dấu hiệu cho thấy gió sắp đổi chiều. Thực tế, vào thời khắc mặt trời sắp xuất hiện là lúc màn đêm trở nên đen tối nhất.
Khi mọi nhà đầu tư bán sạch cổ phiếu trong cơn khủng hoảng thì một kỳ tích nào đó sẽ xuất hiện và đẩy giá lên cao. Trong một bộ phim, trước cái kết có hậu, người anh hùng thường phải trải qua một giai đoạn vô vọng. Đó chính là cuộc sống. Vấn đề là rất nhiều người từ bỏ ở ngay điểm đen tối nhất nên không bao giờ có cơ hội ngắm nhìn bình minh.