Rắc rối tội danh vụ doanh nghiệp lừa ngân hàng 100 tỉ
Ba cơ quan tố tụng địa phương có những tranh cãi về tội danh và đã phải thỉnh thị ý kiến của cấp trên về đường lối xét xử.
Ngày 8-8, sau phần thủ tục, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hoãn phiên xử vụ lừa đảo và vi phạm cho vay liên quan đến Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) và Công ty CP Aquafeed Cửu Long.
Các bị cáo trong vụ án gồm năm bị cáo thuộc Công ty CP Aquafeed Cửu Long và ba bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh đều đồng loạt kêu oan.
Vụ án kéo dài nhiều năm
Vụ án kéo dài nhiều năm (từ đầu năm 2013 đến nay) vẫn chưa thể kết thúc. Ở cấp sơ thẩm, TAND tỉnh Trà Vinh từng ba lần tạm hoãn xét xử vụ án, năm lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác định tội danh của các bị cáo.
Và tại phiên sơ thẩm kéo dài nhiều ngày vào đầu năm 2018, tòa đã tuyên nhóm năm bị cáo thuộc Công ty Aquafeed Cửu Long: Nguyễn Hữu Lộc (nguyên chủ tịch HĐQT) 14 năm tù, Đỗ Thái Hòa (nguyên phó tổng giám đốc) 12 năm tù, Nguyễn Hồng Nam 10 năm tù, Bùi Tuyết Mai (tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp thủy sản) 10 năm tù, Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long ) bảy năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ba bị cáo Nguyễn Văn Trực (nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh ), Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên trưởng phòng Tín dụng) và Cao Văn Phong (nguyên phó phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh) bị tuyên cùng mức án năm năm tù cùng về tội vi phạm các quy định về cho vay.
Theo hồ sơ tố tụng, ông Lộc là chủ tịch HĐQT Aquafeed Cửu Long. Biết công ty kinh doanh không hiệu quả nên ông Lộc đã bàn bạc với cấp dưới lập các báo cáo tài chính khống để ngân hàng cho vay tiền. Từ tháng 6-2010 đến tháng 12-2011, ông Lộc cùng các đồng phạm đã sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để Agribank Trà Vinh giải ngân, chuyển 100 tỉ đồng vào tài khoản công ty. Từ đây Aquafeed Cửu Long chuyển cho các công ty khác 52 tỉ đồng bằng 42 ủy nhiệm chi để ông Lộc và Dũng (ủy viên HĐQT Aquafeed Cửu Long) chiếm đoạt.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CTV
Đồng loạt kêu oan
Ông Lộc kêu oan cho là thực tế số tiền vay từ ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là nhà máy của công ty, cùng số dư nợ trong dân là 100 tỉ đồng. Đồng thời công ty đã sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh nên bị cáo không phạm tội lừa đảo. Theo ông Lộc, vụ án có dấu hiệu bị hình sự hóa bởi năm năm qua, cơ quan điều tra không chứng minh được ông và các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của công ty.
Còn luật sư của ông Lộc cho rằng tài sản thế chấp để vay ngân hàng từ nhiều nguồn cho đến ngày khởi tố vụ án là hơn 136 tỉ đồng. Như vậy, vào thời điểm khởi tố vụ án, công ty có đầy đủ tài sản để đảm bảo nợ vay ngân hàng, thông qua các hợp đồng thế chấp đã được đăng ký giao dịch đảm bảo, thiệt hại ngân hàng không xảy ra nên không đủ căn cứ quy kết các bị cáo tội hình sự.
Các cán bộ ngân hàng cũng xác nhận điều này và cho rằng hồ sơ thẩm định đều đúng quy trình, đã trình lên hội sở Agribank để thẩm định lại, có sự chấp thuận của hội sở nên họ không vi phạm các quy định về cho vay như cáo buộc.
Cơ quan tố tụng cũng tranh cãi
Liên quan đến vụ án này, trước khi đưa ra xét xử, chính các cơ quan tố tụng cũng có những tranh cãi về tội danh, tội sử dụng tài sản trái phép và lừa đảo. Một năm sau, VKSND tỉnh có công văn gửi VKSND Tối cao thỉnh thị xin đường lối xử lý vụ án.
Phúc đáp, VKSND Tối cao cho là vụ án không chứng minh được hành vi chiếm đoạt số tiền vay mà có dấu hiệu sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 BLHS). Từ đó ba ngành tố tụng địa phương quyết định chuyển tội danh theo quan điểm phúc đáp.
Tuy nhiên, sau đó vụ án được chuyển lại tội danh lừa đảo. Và cuối năm 2015, VKSND tỉnh lại tiếp tục thỉnh thị VKSND Tối cao vì ba cơ quan tố tụng địa phương chưa thống nhất được tội danh và vai trò ông Lộc trong vụ lừa đảo. Theo đó, VKSND Tối cao cho rằng kết quả điều tra của công an xác định các bị can có hành vi gian dối trong việc vay tiền của ngân hàng nhưng chưa chứng minh được ý thức chiếm đoạt và số tiền chiếm đoạt. Đối với ông Lộc thì chứng cứ buộc tội chỉ qua lời khai và một số tin nhắn liên quan đến việc sử dụng tiền, không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông chỉ đạo điều hành các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi ông Lộc thôi giữ chức chủ tịch HĐQT tại Aquafeed Cửu Long được trên năm tháng thì công ty mới vay tiền của ngân hàng nên chưa rõ căn cứ để truy tố trách nhiệm hình sự.
Cũng theo phúc đáp, do vụ án có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng địa phương nên đề nghị ba ngành báo cáo xin ý kiến của Ban Nội chính Tỉnh ủy để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vẫn còn vướng mắc thì phối hợp báo cáo lãnh đạo liên ngành tư pháp trung ương hoặc Ban Nội chính Trung ương cho ý kiến chỉ đạo…
Một luật gia hai tư cách tố tụng tại phiên xử
Trong phần thủ tục phiên tòa phúc thẩm đã xuất hiện tình huống tố tụng mới. Luật gia Trần Quý Hùng được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng ông Hùng lại đồng thời cũng là người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án.
Trước tình huống này, VKS đã đề nghị tòa hội ý cho hoãn phiên xử . Sau khi hội ý, HĐXX đồng tình với VKS cho rằng luật gia này chỉ có thể tham gia tố tụng với một tư cách nên quyết định hoãn xử.
Theo tòa, toàn bộ các bị cáo kháng cáo kêu oan và phiên tòa phúc thẩm là rất quan trọng, bị cáo không còn quyền kháng cáo. Cho nên để thận trọng trong việc xét xử, thận trọng quyết định số phận của từng bị cáo, tòa chỉ chấp nhận tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không chấp nhận tư cách là người bào chữa của ông Hùng. Từ đó HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để bị cáo yêu cầu người bào chữa và ấn định ngày xử sau.
Pháp luật TP.HCM