Rất nhiều người yêu tiền nhưng lại chẳng bao giờ có tiền, là bởi họ yêu sai cách: Thế kỉ 21 ra đời một loại tôn giáo mới, sùng bái "Tiền giáo"
Thích tiền, thì cứ nói ra, thích đúng thích tốt thì chẳng có gì phải ngại ngùng. “Vì thích nên giỏi”, “vì yêu nên được yêu”, đây là những quy luật vàng của cuộc sống, đối với tiền bạc cũng vậy. Yêu tiền đúng cách, tiền bạc tự dưng sẽ chảy về phía bạn.
- 27-11-2019Người giữ được điều này đến cuối cùng mới là người đủ năng lực để thành công cả trong đời thường lẫn sự nghiệp
- 27-11-2019Nhân viên lấy binh pháp Tôn Tử đấu thắng sếp để nhận mức lương tăng gấp 4 lần: "Phàm việc tác chiến, dùng chính binh đối địch, kỳ binh thủ thắng"
- 26-11-2019Hướng nội và gặp trở ngại về ngôn ngữ nhưng tôi vẫn thành nhân viên bán hàng xuất sắc nhờ 6 mẹo này: Một trong số đó là phải biết im lặng đúng lúc!
Con người ai cũng hi vọng mình sẽ có thể có được nhiều tiền và nhiều tiền hơn. Hơn nữa, dường như mọi người ai cũng cho rằng giàu có là tiền bạc, đây thực ra là một biểu hiện của sự tham lam.
Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt, tham lam có thể hủy hoại mọi thứ, nhưng cũng có thể tạo ra mọi thứ.
Vấn đề là khi tham lam đã tạo ra được mọi thứ, thì nó vẫn sẽ tiếp tục phình to ra.
Cũng chính từ đó, mọi người bắt đầu tiếp nhận tư duy có tiền là có tất cả, tiền có thể đáp ứng được ham muốn của mỗi chúng ta, và sùng bái tiền như một vị thần, và trong vô thức, nó cũng dần trở thành một loại tín ngưỡng.
Cứ như vậy, thế kỉ 21 ra đời một loại tôn giáo mới: sùng bái tiền giáo.
Vì vậy, mua, mua rồi lại mua dần trở thành tư tưởng chủ lưu ở thời đại này.
Con người rất hay ở chỗ, trong cuộc sống thực tế nếu thiếu thốn thứ gì đó, họ sẽ tới một nơi không thực tế để tìm cho mình cảm giác thỏa mãn về mặt tâm lý.
Thiếu tình yêu liều mạng tỏ ra mình có nhiều người yêu, thiếu tiền liều mạng giả vờ mình có khoản tiết kiệm lớn lắm, thiếu gì bổ nấy, thiếu cái gì to mồm cái ấy.
"Người có tiền đều rất hào phóng", "người không hào phóng sẽ không có tiền", những quan niệm như vậy dần dần ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người trẻ, từ đó dần hình thành trong họ trào lưu: hôm nay tiêu tiền của ngày mai, không có tiền thì vay, vay mới có động lực kiếm, con người không dùng đến đòn bẩy thì đó gọi là ngốc...
Kể từ đó, người trẻ ngay từ rất sớm đã vác trên vai những gánh nặng nặng nề, thậm chí có những người còn xác định cả đời làm chỉ để vay rồi trả, cuối cùng, sống như một nô lệ của đồng tiền.
1. Nói về tiền, chẳng có gì phải ngại
Có một câu chuyện cười như sau:
Cha hỏi con trai: cuộc đời con sống để theo đuổi cái gì?
Con trai: Tiền và gái đẹp.
Người cha nghe xong tát cho người con một cái.
Người con trai ấm ức trả lời lại: sự nghiệp và tình yêu.
Người cha nghe xong hài lòng xoa đầu con trai tán thưởng!
Câu chuyện này cho thấy mâu thuẫn của con người, con người luôn dùng "trốn tránh" để thay thế cho "giải quyết".
Rất nhiều người cảm thấy rằng nói về tiền bạc có cái gì đó rất tục, giống như hám lợi.
Nhưng, sống trên đời, hầu như tất cả mọi thứ đều cần tới tiền bạc.
Tiền quả thực không thể mua được sức khỏe, nhưng có thể mua được thuốc thang, thực phẩm và cơ hội để duy trì sức khỏe.
Tiền quả thực không thể mua được sự vui vẻ, nhưng có thể mua được những vật phẩm, trò chơi hay những chuyến đi, kinh nghiệm giúp con người ta vui vẻ.
Tiền quả thực không thể mua được tình yêu, nhưng có thể mua được không gian, quà tặng hay những tiện ích giúp gia tăng tình cảm.
Cũng giống như André Kostolany, chuyên gia về thị trường chứng khoán nói:
"Tiền có thể duy trì những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của bạn. Tiền có thể giúp bạn duy trì sự tự tôn, không cần phải dựa dẫm hay quỵ lụy vào ai. Tiền có thể giúp bạn hiện thực hóa mục tiêu của mình."
Tiền có thể giúp bạn độc lập về kinh tế, có thể giúp bạn có quyền nói "không".
Hơn nữa, thế giới này, ngoài bạn ra, bạn còn có ba mẹ, người thương, con cái, nếu bạn không cần tiền, chẳng khác nào nói "tôi không muốn nỗ lực vì người nhà, không muốn họ sống một cuộc sống sung túc hơn."
Có những người lại cho rằng đồng tiền là ác quỷ, là ngọn nguồn của mọi tội ác.
Nhưng thực ra, nhìn nhận đồng tiền ra sao, nằm ở tâm thái và suy nghĩ của mỗi người.
Bản thân tiền là vật trao đổi, nó cũng có hai mặt tốt xấu.
Khi tiền có thể giúp cuộc sống tạo ra nhiều khả năng hơn, thậm chí đem lại nhiều giá trị hơn, vậy thì tại sao cứ phải ngại ngùng, cự tuyệt nói về chuyện tiền bạc!
Có lẽ sẽ có nhiều người nói rằng, con người một khi có nhiều tiền, lập tức sẽ tác oai tác quái, nhưng trên thực tế, có những người ngay cả khi không có tiền cũng sẽ vẫn làm liều, làm những điều không đúng. Quan trọng là ở thái độ, khi bạn có một thái độ và suy nghĩ đúng đắn về tiền bạc, bạn mới có thể bước vào con đường làm giàu đích thực.
Thích tiền, thì cứ nói ra, thích đúng thích tốt thì chẳng có gì phải ngại ngùng.
"Vì thích nên giỏi", "vì yêu nên được yêu", đây là những quy luật vàng của cuộc sống, đối với tiền bạc cũng vậy.
Yêu tiền đúng cách, tiền bạc tự dưng sẽ chảy về phía bạn.
2. Không nói "không mua được", hãy nói "tôi không mua"
"Đắt vậy, tôi không mua được"
Câu nói này, có phải bạn đã từng nói?
Có nghiên cứu chứng minh, con người khi không có tiền hoặc còn rất ít tiền thường sẽ có khuynh hướng tiêu tiền lung tung.
Có thể nói là hư vinh, so sánh chọn đúng những lúc như vậy để tác oai tác quái.
Tất nhiên, mấu chốt vẫn là ở tinh thần quá nghèo nàn.
Tuy nhiên, khi thu nhập của một người trở nên ổn định, họ thường sẽ không tiêu tiền linh tinh, hoặc có thể nói, khi mà số tiền mình có thể tự do sử dụng có nhiều, ngược lại sẽ không dễ dàng tiêu tiền.
Thực ra, đối đãi với tiền về cơ bản giống như đối đãi với người vậy.
Khi bạn thấy "ngứa mắt" một ai đó, đối phương ngược lại cũng sẽ có cảm giác như vậy về bạn, khoảng cách giữa hai người cũng sẽ trở nên xa vời hơn. Tương tự với tiền bạc, một người luôn có tình cảm tiêu cực với tiền, tiền cũng sẽ ngày một rời xa bạn.
Vậy thì những người như nào dễ có sự tiêu cực với tiền bạc?
"Vì không có tiền nên tôi mới phải sống khổ sống sở thế này"
"Nếu có tiền, có lẽ cuộc sống của tôi đã tốt đẹp hơn"
"Thật sự ngưỡng mộ những người có nhiều tiền"....
Tự bạn không có năng lực kiếm tiền lại đi trách ngược lại đồng tiền, đạo lý ở đâu ra vậy?
Chính suy nghĩ vì không có tiền nên khổ khiến chúng ta nảy sinh nhiều cảm giác tiêu cực với tiền bạc.
Bạn ghét một người thì thường đến mặt người ấy cũng sẽ không muốn nhìn, không muốn quan tâm tới họ, cũng như vậy, bạn không có thiện cảm với tiền, không xem trọng tiền một cách thực tế vậy thì lâu dần bạn cũng sẽ đánh mất đi sự quan tâm tới tiền bạc.
Kết quả, mỗi ngày tiêu tiền là một ngày suy nghĩ, tình trạng tiêu tiền linh tinh cũng vì vậy mà bắt đầu gia tăng. Rồi dần dần rơi vào vòng lặp vàng ngày càng lãng phí, càng lãng phí càng không có tiền.
Vậy làm sao để cải thiện tình cảm với tiền bạc?
Hãy thay đổi từ cách ăn nói, sửa "không mua nổi" thành "bây giờ không mua".
"Không mua nổi" sẽ chỉ càng khiến con người ta thêm tiếc nuối, bứt rứt, còn "bây giờ không mua" sẽ mang lại hi vọng và nỗ lực phấn đấu hơn trong tương lai.
Dù sao thì kết quả cũng đều là không có được vậy thì tại sao không dùng một phương thức biểu đạt tích cực hơn!
3. Quan hệ với tiền giống như tình yêu vậy
Điều ngọt ngào nhất trong tình yêu là gì?
Tin rằng nhiều người sẽ trả lời rằng đó là quá trình hai người yêu nhau.
Đúng vậy, với tiền bạc cũng như vậy.
Giống như Warren Buffet từng nói: "Đừng dùng thứ mà bạn chưa có được hay tốc độ kiếm tiền để định nghĩa về hạnh phúc của bạn, hãy hưởng thụ niềm vui trong quá trình trở nên giàu có."
Nếu coi tiền như một cuộc tình, vậy bạn sẽ suy nghĩ ra sao?
Trước tiên, đó nhất định phải là người khiến bạn rung động, chẳng ai muốn yêu một người mình không thích cả.
Công việc, sự nghiệp cũng như vậy.
Có thể nói, chọn công việc cũng giống như chọn người yêu, chỉ có yêu thực sự, mới bằng lòng nỗ lực bỏ ra.
Hơn nữa, chỉ có tình yêu đích thực mới không lấy người mình yêu đi so sánh với người yêu của bạn bè.
Trong thực tế, rất nhiều người chỉ quan tâm lương mình cao hơn người khác hay không, có nhiều tiền hơn người khác hay không. Người có mục tiêu sẽ chỉ so sánh với chính mình, chỉ những người không có mục tiêu rõ ràng mới suốt ngày đi so sánh mình với người khác.
Tình yêu, là chuyện riêng tư, kiếm tiền cũng vậy, đó là chuyện của cá nhân bạn.
Tiếp theo, tôi nhớ tới một câu nói của Charlie Munger rằng: "Muốn có được một thứ gì đó, cách tốt nhất là biến mình trở nên xứng đáng với nó."
Đúng vậy, thích một người nào đó, thay vì suốt ngày ngồi nhớ nhung, bày ưu tính kế, cố ra vẻ chỉ bằng hãy tự mình thay đổi theo hướng tích cực hơn, thu hút hơn, để mình có thể xứng với họ hơn.
Ngày nào bạn cũng nghĩ tới tiền, tiền, tiền, nghĩ tới đâu cả đầu thì tiền cũng sẽ không từ trên trời rơi xuống trúng đầu bạn đâu.
Vì sao không đi học hỏi, đi hiện thực hóa, đi tạo ra những con đường có thể kiếm được tiền, để mình có thể xứng đáng có được nhiều tiền hơn!
Luôn nhớ rằng , tiền là công cụ giúp bạn thực hiện mục tiêu chứ không phải mục đích của bạn.
Giống như Warren Buffett nói: "Cả đời có thể tích góp được bao nhiêu tài sản, không quyết định bởi việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở việc bạn đầu tư tài chính ra sao, tiền tìm tới người sẽ thắng người đi tìm tiền, phải biết cách để tiền làm việc cho mình chứ không phải mình vì tiền mà làm việc."
Ngay cả khi trước khi lâm chung, nếu được hỏi "trước khi chết bạn muốn gì nhất?", tin rằng nhiều người sẽ trả lời rằng muốn du lịch vòng quanh thế giới, muốn thử mọi món ăn ngon trên đời... chứ chẳng ai nói muốn kiếm được nhiều tiền hơn.
Cũng giống như tình yêu vậy, chẳng ai lại đi nói với bạn gái mình rằng "anh chỉ muốn có được em thôi", tình yêu đích thực là thứ tình yêu cùng nhau tiến bộ, cùng ở bên nhau tới già chứ không phải sự sở hữu....
Tiền chính là như vậy, càng yêu sớm, càng trân trọng sớm, càng sớm để nó giúp bạn tạo ra giá trị, cuối cùng nó sẽ báo đáp lại bạn càng nhiều.
Vì vậy, với tiền, nên yêu sớm, và quan trọng là hãy yêu đúng cách!
Trí thức trẻ