RCEP - 'hồi chuông cảnh tỉnh' cho Mỹ và châu Âu
Lãnh đạo đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu cho rằng phương Tây lúc này cần đoàn kết để ứng phó thách thức từ Trung Quốc.
- 22-11-2020Người Trung Quốc nghĩ gì về bầu cử Mỹ?
- 20-11-2020Sau Luckin Coffee, một công ty khác của Trung Quốc lại bị Mỹ cáo buộc là 'cú lừa tỷ USD'
- 19-11-2020Hết 'nghĩa trang xe đạp' giờ Trung Quốc lại đau đầu với 'cọc sạc thây ma'
- 24-01-2017Malaysia và New Zealand thúc đẩy RCEP khi Mỹ rút khỏi TPP
Manfred Weber, lãnh đạo nhóm của đảng Nhân dân châu Âu - đảng phái lớn nhất tại Nghị viện châu Âu - còn cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể đối mặt nhiều biện pháp hạn chế thương mại hơn nếu như Trung Quốc và EU không thể đạt bộ quy tắc ứng xử đầu tư toàn diện trong cuối năm nay.
“Nếu như chúng ta nhìn vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), châu Âu và Mỹ nên coi đây là hồi chuông cảnh tỉnh, buộc hai bên phải bắt tay cùng hành động”, ông trả lời tờ South China Morning Post.
“Chúng ta phải đoàn kết cái gọi là thế giới phương Tây - và giờ đây với việc Joe Biden sắp trở thành tân tổng thống Mỹ - để đối mặt với thách thức mang tên Trung Quốc này. Đây chính là câu hỏi lớn trong thập kỷ tới”, ông nói.
RCEP được ký giữa Trung Quốc và 14 quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong đó bao gồm Nhật Bản và Australia, chỉ vài ngày sau khi Biden nhiều khả năng sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ dựa vào kết quả bầu cử được công bố từ phần lớn các bang. Hiệp định này tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, qua đó làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Weber cũng lên tiếng chỉ trích liên quan tình hình bất ổn tại Hong Kong.
Manfred Weber, lãnh đạo nhóm của đảng Nhân dân châu Âu. Ảnh: SCMP.
Điều này là hoàn toàn trái ngược với sự thiếu nhiệt tình từ phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện các cam kết gỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường cho giới doanh nghiệp nước ngoài, một vấn đề nóng trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. Weber cũng gợi ý về một một mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa EU và Mỹ.Phát biểu của Weber nằm trong bối cảnh EU đang bắt tay với Mỹ nhằm đối phó một số chính sách của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đồng thời cũng là thành viên của Nghị viện châu Âu, trước đó kêu gọi một “mối quan hệ hợp tác mới giữa hai bờ Đại Tây Dương”, với kỳ vọng Mỹ sẽ tái gia nhập thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“EU và Mỹ chiếm tới 50% GDP toàn cầu”, Weber nói. “Tôi không hoàn toàn ủng hộ những hành động cứng nhắc của ông Donald Trump, nhưng cách tiếp cận - tỏ ra cứng rắn, tận dụng dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ, và cho Trung Quốc thấy rằng tình thế đang xoay chuyển - là điều hoàn toàn đúng đắn".
“Tôi cho rằng Joe Biden sẽ không thay đổi cách tiếp cận đó”, ông nhận định.
Biden trong tuần cho biết ông sẽ làm việc cùng với các quốc gia đồng minh để cùng nhau hình thành hệ thống các quy tắc thương mại toàn cầu nhằm đối phó lại với sự gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng ông cũng từ chối trả lời về việc liệu Mỹ có tham gia RCEP hay không.
Bên cạnh việc hợp tác với Mỹ, Weber cũng cho biết châu Âu cần xây dựng các cơ chế phòng hộ thương mại tốt hơn khi đối đầu với những quy định từ phía Trung Quốc. Ông cho biết hàng tỷ euro thuộc quỹ các thành viên sẽ không được phép phân phối cho các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như xây dựng và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
“Mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc là một mối quan hệ đầy mâu thuẫn - 65% các biện pháp phòng hộ thương mại từ phía EU có liên quan tới Trung Quốc”, Weber cho biết. “Điều đó cho thấy rõ rằng Trung Quốc là vấn đề lớn nhất của EU trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng các mối quan hệ thương mại bình đẳng”.
EU tiếp tục chỉ ra sự thiếu tính xây dựng từ các nhà đám phán Trung Quốc khi khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 12 đang ngày một mịt mờ. Nếu như Trung Quốc không thể đưa ra những cam kết đủ sức nặng, Weber cho biết EU sẽ cân nhắc không cho phép các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án mua sắm công của khối, hiện chiếm tới 14% GDP của toàn liên minh.
“Trung Quốc phải hiểu rằng những phiên đàm phán đang diễn ra có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chỉ rõ cho chúng ta thấy liệu Trung Quốc có sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận mang đậm tính hợp tác hay không?", ông chia sẻ.
NDH