MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Reuters: World Bank, COVAX lên kế hoạch tăng tốc cung ứng vaccine cho Việt Nam và các nước đang phát triển

Reuters: World Bank, COVAX lên kế hoạch tăng tốc cung ứng vaccine cho Việt Nam và các nước đang phát triển

Theo kế hoạch mới này, một số quốc gia trong diện phù hợp có thể yêu cầu mua vaccine Covid-19 thông qua COVAX, và yêu cầu World Bank thanh toán chi phí thay họ thông qua các dự án hỗ trợ tài chính đang có.

Vào ngày 26/7, trang báo Reuters (Mỹ) đưa tin, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và cơ chế tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu COVAX ngày 26/7 công bố cơ chế mới về hỗ trợ tài chính nhằm đẩy nhanh tốc độ cung ứng vaccine cho các nước đang phát triển.

Cơ chế hỗ trợ tài chính này cho phép COVAX được mua trước vaccine với giá cạnh tranh từ các nhà sản xuất vaccine, dựa trên nhu cầu của các quốc gia. Nguồn tài chính chi trả cho việc mua những lô vaccine này sẽ do World Bank và các ngân hàng phát triển đa phương khác hỗ trợ.

Kế hoạch của World Bank và COVAX tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển, vì đây là những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu.

Chủ tịch World Bank David Malpass chia sẻ với Reuters: "Tiếp cận vaccine vẫn là thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phát triển đang đối mặt trong việc bảo vệ người dân, trước những tác động của đại dịch Covid-19 lên y tế, xã hội và kinh tế.

Cơ chế này sẽ mở ra các nguồn cung mới, đồng thời cho phép các nước đẩy nhanh việc mua vaccine. Cơ chế cũng sẽ cung cấp tính minh bạch về số vaccine đang có, cũng như giá cả và lịch trình giao vaccine".

Theo Reuters, kế hoạch mới này là thỏa thuận của World Bank với COVAX và cũng được các tổ chức khác hỗ trợ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI). Các nước có thu nhập thấp và trung bình theo đó được kỳ vọng sẽ tiếp cận thêm các liều vaccine, bên cạnh số lượng vaccine mà họ đã nhận thời gian qua.

Thỏa thuận của World Bank và COVAX kêu gọi các nước (đang có dự án thu mua vaccine được World Bank phê duyệt) gửi đề nghị mua vaccine thông qua COVAX, và yêu cầu World Bank thanh toán chi phí thay họ bằng cách sử dụng nguồn vốn dự án hiện có.

Xác nhận của World Bank sẽ giảm thiểu rủi ro và sự thiếu chắc chắn trong nhu cầu và tài chính, cho phép COVAX mua lượng lớn vaccine Covid-19 từ các nhà sản xuất với mức giá tốt hơn.

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhận gần 12 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có tới 8,6 triệu liều là AstraZeneca; vaccine Moderna (2 triệu liều), Pfizer (194.200 liều)...

Trong đó, Việt Nam đã tiếp nhận 7,4 triệu liều vaccine COVID-19 với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2,4 triệu liều AstraZeneca.

COVAX có kế hoạch cung cấp tới 430 triệu liều vaccine bổ sung theo chương trình Cam kết Thị trường Trước (AMC) đến cuối năm 2021 và giữa năm 2022. AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vaccine Covid-19 và Việt Nam là một trong số những quốc gia tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). Theo đó, Việt Nam và các quốc gia tham gia AMC sẽ có cơ hội lựa chọn và cam kết mua sắm các loại vaccine cụ thể phù hợp với nhu cầu của mỗi quốc gia.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên