Rối loạn vì khủng hoảng năng lượng
Giá điện tại châu Âu vừa lập kỷ lục mới trong bối cảnh sản lượng điện hạt nhân của Pháp bị sụt giảm, tạo thêm sức ép lên thị trường năng lượng vốn đã căng thẳng do thiếu nguồn khí đốt của Nga.
- 05-08-2022Cựu Thủ tướng Đức chỉ ra lối thoát "đơn giản nhất" cho khủng hoảng năng lượng châu Âu
- 05-08-2022Một loại nhiên liệu bỗng chốc "tái sinh" trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu
- 05-08-2022Nga dừng cung cấp khí đốt, Bulgaria lập cơ quan ứng phó khủng hoảng năng lượng
Theo hãng tin Bloomberg, giá điện bán sỉ ở châu lục này đã tăng hơn 10 lần so với mức bình quân của 5 năm qua.
Reuters cho hay các trục trặc kỹ thuật làm một số lò phản ứng hạt nhân của Pháp ngưng hoạt động trong khi hạn hán khiến thủy điện "bó tay". Tình hình này lại khiến nhu cầu khí đốt - để sản xuất điện - tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 31-8, Tập đoàn Gazprom của Nga sẽ khóa van đường ống Nord Stream 1 (dòng chảy phương Bắc 1) trong 3 ngày để bảo trì. Tháng trước, Gazprom cũng bảo trì Nord Stream 1 và khi tái cung cấp cho châu Âu, lượng khí đốt bị giảm xuống.
Một nhánh của sông Loire ở Loireauxence - Pháp cạn nước hôm 16-8 trong đợt khô hạn được xem là tồi tệ nhất của châu Âu trong ít nhất 500 năm qua. Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg, các chính trị gia châu Âu đã định dành ra khoảng 280 tỉ euro để hỗ trợ chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng - khoản tiền bị đánh giá có thể chỉ là "muối bỏ biển".
Chính phủ các nước khắp châu lục đang tập trung chủ yếu vào việc kéo thấp hóa đơn năng lượng. Tuy nhiên, những chương trình như giảm thuế khí đốt ở Đức hay trợ giá sưởi ấm ở Ba Lan (mà không kèm theo các hạn chế về mức thu nhập và hiệu quả sử dụng năng lượng) nhiều khả năng chỉ thúc đẩy người ta xài năng lượng nhiều hơn là tiết kiệm.
"Đây gọi là dùng xăng dập lửa" - bà Joanna Mackowiak-Pandera, chủ tịch Diễn đàn Energii tại Ba Lan, nhận định.
Các giải pháp cho tới nay, theo Bloomberg, có nguy cơ hút cạn tài chính khu vực mà lại thổi bùng lạm phát. Chỉ riêng ở Anh, đài CNN dẫn nghiên cứu của Viện Chính phủ ước tính chính phủ sẽ phải chi thêm hơn 100 tỉ bảng (khoảng 118 tỉ USD) nếu muốn bù đắp giá năng lượng tăng phi mã cho 2 mùa đông 2022 và 2023.
Tại Trung Quốc, siêu đô thị Trùng Khánh - nơi đặt bản doanh của nhiều hãng sản xuất ôtô toàn cầu lớn, yêu cầu cắt giảm điện tại các nhà máy bị kéo dài thêm tới ngày 25-8 (thay vì trong khoảng 17 đến 24-8 như thông báo trước đó).
Trùng Khánh cùng các khu vực khác trong lưu vực sông Dương Tử phải chịu đựng mức nhiệt vượt qua 40 độ C nhiều tuần nay. Việc cắt điện luân phiên ảnh hưởng đến nhiều công ty thuộc hàng loạt lĩnh vực như chế tạo pin, sản xuất điện mặt trời...
Từ chỗ cung cấp điện cho các tỉnh khác nhờ nguồn thủy điện khổng lồ, hiện thời tỉnh Tứ Xuyên phải nhờ điện lưới quốc gia "chi viện", theo truyền thông địa phương, do mực nước quá thấp.
Người Lao động