MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ròng rã gom suốt nửa năm qua, những cá mập nào đang đặt cược lớn vào cổ phiếu quốc dân HPG

11-07-2023 - 09:53 AM | Doanh nghiệp

Tính từ đầu năm, Hòa Phát là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất sàn chứng khoán với tổng giá trị luỹ kế lên đến 4.200 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm, Hòa Phát là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất sàn chứng khoán với tổng giá trị luỹ kế lên đến 4.200 tỷ đồng.

Hai quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu HPG.

Sau giai đoạn chốt lời mạnh mẽ khi ngành thép qua giai đoạn bùng nổ lợi nhuận, khối ngoại đã quay lại mua ròng HPG từ cuối năm ngoái.

Tính từ đầu năm 2023, Hòa Phát là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất sàn chứng khoán với tổng giá trị luỹ kế lên đến 4.200 tỷ đồng.

Với quy mô vốn hóa lớn và thanh khoản hàng đầu, cổ phiếu HPG thường được gọi vui là "cổ phiếu quốc dân" trên thị trường chứng khoán Việt Nam và vẫn được các quỹ lớn ưa thích, từ các quỹ đầu tư chủ động đến quỹ ETF.

Hai quỹ đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu HPG đó là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital quản lý và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ thành viên thuộc VinaCapital.

Ròng rã gom suốt nửa năm qua, những cá mập nào đang đặt cược lớn vào cổ phiếu quốc dân HPG - Ảnh 1.

Trong đó, theo báo cáo mới cập nhật, đến ngày 28/6, cổ phiếu HPG đứng top 3 các khoản đầu tư lớn nhất danh mục của VEIL với tỷ trọng 8,29%. Đây là mức tỷ trọng cao nhất trong vòng hơn một năm mà VEIL phân bổ vào cổ phiếu đầu ngành thép.

VEIL hiện là quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô NAV tại ngày 28/6 lên đến hơn 1,8 tỷ USD. Với tỷ trọng 8,29% NAV, khoản đầu tư vào Hòa Phát ước tính có giá trị xấp xỉ 150 triệu USD, tương ứng khối lượng nắm giữ khoảng 133 triệu cổ phiếu.

Trong năm ngoái, VEIL từng có giai đoạn miệt mài bán ròng HPG đến hơn 110 triệu đơn vị. Từ vị trí là khoản đầu tư lớn nhất danh mục của quỹ đầu năm 2022, Hòa Phát đã có lúc rớt ra khỏi top 10 trong giai đoạn nửa đầu tháng 11. Thời điểm đó, VEIL chỉ nắm chưa đến 78 triệu cổ phiếu HPG.

Ước tính, quỹ ngoại này đã mua ròng tối thiểu 55 triệu cổ phiếu HPG trong gần 8 tháng qua. Phần lớn lượng cổ phiếu này được VEIL gom lại trong giai đoạn cuối năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, quỹ chủ yếu lướt sóng trên cổ phiếu Hòa Phát.

Còn theo báo cáo đến ngày 31/5 của VOF, NAV của quỹ này là 1,04 tỷ USD. Trong đó, HPG đứng thứ 3 tỷ trọng danh mục đầu tư của VOF với 9,9%, tương đương giá trị cổ phiếu HPG của quỹ nắm giữ là 103 triệu USD, tương ứng khối lượng nắm giữ khoảng 114 triệu cổ phiếu.

So với hồi đầu năm, số lượng cổ phiếu HPG mà VOF đang nắm giữ giảm khoảng 1 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, cổ phiếu HPG cũng nằm trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ ngoại lớn như Baillie Gifford Pacific Fund, Norges Bank, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, ... Bên cạnh đó, cổ phiếu này cũng có tỷ trọng nhất định trong danh mục của các ETF lớn như Fubon ETF, VanEck Vietnam ETF, FTSE Vietnam ETF,...

Ròng rã gom suốt nửa năm qua, những cá mập nào đang đặt cược lớn vào cổ phiếu quốc dân HPG - Ảnh 2.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 10/7/2023 vừa qua, dòng thép tiếp đà tăng điểm, ghi nhận hồi phục 30-35% trong vòng 1 tháng qua. Trong đó, mã HPG của Hoà Phát chốt phiên tại mức 27.700 đồng/cp, tăng 40% so với thời điểm đầu tháng 6 và tăng khoảng 130% so với vùng đáy hồi tháng 11/2022.

Tháng 6/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 520.000 tấn thép thô, giảm 23% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2022 nhưng là mức cao nhất kể từ đầu năm nay.

Ròng rã gom suốt nửa năm qua, những cá mập nào đang đặt cược lớn vào cổ phiếu quốc dân HPG - Ảnh 3.

Tuy nhiên, thách thức của ngành thép vẫn chưa hết. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây, dù cao hơn mức đáy cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Thêm vào đó, lượng xuất khẩu thép thô trong nửa đầu năm ước tính 875.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng khoảng 1/10 tổng tiêu thụ, có nghĩa là nhu cầu thép thô trong nước lũy kế 6T2023 ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này phần nào cho thấy tín hiệu về tốc độ hồi phục của hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp trong nước.

Theo VDSC, hầu hết các doanh nghiệp thép sẽ đạt lợi nhuận quý 2 cao hơn quý đầu năm nhưng sẽ tăng trưởng âm khá lớn khi so với cùng kỳ năm ngoái do nền so sánh rất cao. VDSC còn lưu ý quý 3 là mùa mưa và tháng Ngâu – mùa thấp điểm rơi vào tháng 8-9 năm nay.

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên