Room ngoại tại ngân hàng: Nơi cạn kiệt, nhiều chỗ còn nguyên 30%
Trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số ngân hàng thương mại cổ phần đã chạm trần, thì số khác vẫn còn nguyên 30%.
- 27-03-2022Khối ngoại mạnh tay gom cổ phiếu ngân hàng, những mã nào đã hết room?
- 07-03-2022SHB nới ''room'' ngoại từ 10% lên 30%
- 07-03-2022Nhà đầu tư nước ngoài săn đón, một cổ phiếu ngân hàng hết room ngoại
Được ví là cổ phiếu vua hay cổ phiếu hoa hậu, nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà ngay cả khối ngoại cũng rất tích cực nắm giữ. Dù vậy, khẩu vị đầu tư của nhóm nhà đầu tư này là khá lọc lõi và không dàn trải. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng tối đa 30%, trong khi số khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại.
Số liệu từ trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy, hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 7 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MB, MSB, VIB, OCB, Techcombank, TPBank.
Điểm chung của những ngân hàng trên là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và sở hữu khả năng sinh lời hàng đầu hệ thống. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định để tạo dư địa huy động vốn như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%).
Với những cổ phiếu trong nhóm này, chỉ cần "hở'' room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt. Đơn cử như trường hợp VPBank, ngay sau khi nới room ngoại từ 15% lên 17,5% vào ngày 4/3, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng hơn 23 triệu cổ phiếu, đẩy mã này tăng mạnh.
Tại các cổ phiếu như ACB, MBB hay TCB, tỷ lệ sở hữu khối ngoại cũng gần như "bất động’’ tại mức tối đa cho phép.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên 100% room ngoại chưa sử dụng đến, như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank,…
Trong số này, nhiều ngân hàng đã khóa room ngoại ở mức rất thấp để "giữ chỗ" cho đối tác chiến lược như SeABank (5%) hay LienVietPostBank (5%). Số khác muốn khoá room ngoại để giảm bớt ảnh hưởng của nhóm này đối với giá cổ phiếu và cấu trúc cổ đông.
Nói về nguyên nhân giảm tỷ lệ nước ngoài xuống chỉ còn 5%, HĐQT Ngân hàng Bản Việt Cho biết, cơ sở để đề nghị tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tối đa 5% dựa trên các yếu tố; (i) kể từ thời điểm bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom đến nay, thanh khoản giao dịch cổ phiếu BVB ở mức khá cao - thuộc top khối lượng giao dịch cao nhất UpCom; (ii) tổng số lượng cổ phần nắm giữ của cổ đông nước ngoài hiện còn khá nhỏ, gần như không có. Việc giữ tỷ lệ cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài lớn trong tương lai là quan trọng và vì lợi ích lâu dài của các cổ đông hiện hữu. Do vậy, khi chưa cần thiết, Hội đồng Quản trị BVB thấy nên đề xuất chưa mở room mà chỉ giữ ở mức tối đa 5%.
Trước đó, 11/2020, Ngân hàng Bản Việt cũng đã ra văn bản thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc Ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong từng thời kỳ tùy vào tình hình biến động của thị trường. Tuy nhiên, nội dung này không thực hiện được thời điểm đó và sau đó, Hội đồng quản trị đã trình trực tiếp tại Đại hội đồng cổ đông 4/2021 vừa qua. Các cổ đông đã thông qua tại Đại hội mức sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 5%, ghi nhận tại nội dung sửa đổi Điều lệ của Ngân hàng.
Tương tự, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đợt thoái vốn của Petrolimex, cổ đông PG Bank đã thống nhất tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu khối ngoại ở mức 2% vốn điều lệ.
Ngân hàng nào có khả năng được nới room ngoại?
Dù đã kín room hay vẫn còn trống room, điểm chung của các ngân hàng này đều mong được nới room vốn ngoại hơn nữa nhằm có dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó ông Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.
"Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội," ông Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá về triển vọng này, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống.
Theo VCSC, việc ban hành Quyết định 22/NQ-CP ngày 02/07/2021, chính thức thay thế QĐ 58, yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các NHTM Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, VCSC không kỳ vọng có sự nới room ngoại NHTM Nhà nước trong ngắn hạn.
Thay vào đó, nhóm phân tích cho rằng một số ít NHTM cổ phần tư nhân (POCB) sẽ được nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 01/08/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
VCSC cho rằng ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này là Sacombank vì hiện tại 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo nhóm phân tích, việc bán 32,5% này trong một lần sẽ tính đem lại giá trị cao nhất cho giá cao nhất cho VAMC, và bởi vì số cổ phần này vượt quá ngưỡng FOL 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA .
Trong khi đó, VCSC cho rằng 'các ngân hàng 0 đồng' hiện đang chịu sự quản lý của NHNN (hiện có 3 ngân hàng 0 đồng: CB Bank, GP Bank và Ocean Bank) không phải là ứng cử viên rõ ràng cho cam kết EVFTA vì Thông tư 38/2014/NHNN đã cho thấy cơ hội cho các NĐT nước ngoài mua hơn 30% cổ phần của một ngân hàng 0 đồng khi có sự chấp thuận của Chính phủ từ năm 2014; tuy nhiên, đã không có người mua nào cho tới thời điểm này.