MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro lớn nhất với tăng trưởng và những "cơn gió ngược" mà Việt Nam cần cẩn trọng

Rủi ro lớn nhất với tăng trưởng và những "cơn gió ngược" mà Việt Nam cần cẩn trọng

Báo cáo "Việt Nam: vững vàng phục hồi giữa thách thức" của ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định Việt Nam sẽ vững vàng phục hồi giữa bối cảnh thách thức của thế giới. Báo cáo cũng chỉ ra những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

Việt Nam vững vàng phục hồi

Theo báo cáo, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu với những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược "sống chung với virus", Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%). Đặc biệt, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3 đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng 6.

Nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam.

Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định, vững vàng. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2% và 6.6%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

Các rủi ro và "cơn gió ngược chiều"

Giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tác động rõ rệt nhất chính là chi phí năng lượng tăng lên. Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND. HSBC dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay đến bao giờ.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Các vấn đề chính sách cần lưu tâm

Tương tự với các nước láng giềng trong khu vực cùng là nước nhập khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã dùng chính sách hỗ trợ tài khóa nhằm "hạ nhiệt" giá dầu. Ban đầu, Việt Nam dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm trợ giá xăng dầu trong nước, tiếp theo đó là cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác từ 1/4.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lần thứ hai, thời hạn áp dụng kể từ 11/7 tới hết năm nay.

Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một trong số ít ngân hàng trung ương ở châu Á chưa bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng (dù phần lớn là lạm phát "nhập khẩu" từ nước khác) sẽ thúc giục cơ quan này cần phải thắt chặt tiền tệ.

HSBC đưa ra dự báo lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ Quý 4 năm nay, thậm chí có lúc vượt trần 4% của NHNN và thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng.

HSBC cho rằng, NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong Quý 3/2022 (hiệu lực từ Quý 4/2022) và dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ Quý 4/2022 cho đến Quý 3/2023. Lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,50% vào cuối Quý 3 năm 2023.

https://cafef.vn/rui-ro-lon-nhat-voi-tang-truong-va-nhung-con-gio-nguoc-ma-viet-nam-can-can-trong-20220712122850899.chn

Anh Ngọc

Tổ Quốc

Trở lên trên