MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro mua đất giấy tay

14-07-2019 - 15:42 PM | Bất động sản

Việc Đồng Nai quản rất chặt phân lô, tách thửa ở tất cả các huyện, xã, phường khiến tình trạng giao dịch nhà đất thông qua giấy tay, vi bằng thừa phát lại trên địa bàn bùng phát trở lại.


Chị Trần Thị Liễu, một công nhân lao động tại khu chế xuất (KCX) Biên Hòa cho biết, hai vợ chồng chị đi làm 6 năm nay, tích lũy được gần 400 triệu và vay thêm 200 triệu nữa để mua một lô đất 115m2 tại xã Phước Tân xây nhà. Được biết lô đất này cắt ra từ một thửa đất rộng hơn 500m2 của một hộ dân trên địa bàn. Đất chị mua không tách sổ riêng mà đứng tên chung cùng với 2 hộ dân khác. Vì không có sổ riêng nên chị chỉ làm cam kết mua bán giấy tay với chủ đất và không qua công chứng.

Khi được hỏi có biết giấy mua bán viết tay sẽ không có giá trị pháp lý không? Chị Liễu cho rằng, điều này không mấy quan trọng. "Gia đình không có ý định đầu tư, sang tay gì. Mình mua đất là để cất nhà ở, chủ đất cũng là người quen mấy năm nay. Các hộ khác mua chung cũng xây nhà ở hết rồi, chẳng có ai kiện cáo gì nên mình cứ mua rồi ở thôi", chị Liễu cho biết.

Việc giao dịch giấy tay qua vi bằng thừa phát lại đang trở thành phương thức mua bán phổ biến ở Đồng Nai. Đặc biệt tại TP. Biên Hòa, do cơ quan chức năng sở tại khá mạnh tay trong việc xử lý phân lô, bán nền nên giao dịch nhà đất tại đây chủ yếu thông qua hình thức này.

Theo tìm hiểu của PV về giao dịch đất thổ cư, đất nông nghiệp tại khu vực xã Long Bình, Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước thuộc TP. Biên Hòa, khá nhiều giao dịch tại đây thực hiện theo hình thức vi bằng. Người dân tại đây vẫn mua đất giấy tay, mua sổ chung, thậm chí mua nhiều lô đất nông nghiệp tách thửa bất hợp pháp và âm thầm thực hiện giao dịch.

Tại các khu vực có đông công nhân trên địa bàn tỉnh như Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp bằng hình thức đồng sở hữu và giấy tay dù được khuyến cáo hệ lụy rủi ro cao nhưng người dân không mấy quan tâm. Một trong những nguyên nhân cơ bản là các thửa đất này thường chào bán giá chỉ bằng 60-70% so với đất có giấy tờ đầy đủ.

Theo đại diện một doanh nghiệp BĐS tại Long Thành, thị trường Đồng Nai, Bình Dương có nhiều KCN, KCX, lượng công nhân cần định cư rất lớn. Đây là nhóm cư dân có tài chính không mấy khá giả, dựa vào quan hệ quen biết để mua đất nên chỉ cần giá bán rẻ hơn so với thị trường, đất chính chủ bán, không kiện cáo, họ sẵn sàng chấp nhận mua giấy tay, giấy tờ chung. Nhiều hộ dân đã cất nhà cả chục năm vẫn chưa có sổ riêng nhưng cũng không lấy làm phiền vì rất dễ dàng bán lại với giá mềm hơn thị trường.

Đại diện Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, việc mua bán nhà đất giấy tay được thực hiện bằng giao kèo tự phát giữa hai bên. Với những trường hợp mua bán giấy tay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người mua sẽ chịu rủi ro rất lớn. Đặc biệt khi Nhà nước triển khai dự án thu hồi đất, người dân mua mảnh đất không có giấy tờ đầy đủ sẽ không được hưởng các quyền lợi về bồi thường, tái định cư.

Về phía Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, việc mua bán nhà đất bằng giấy viết tay là không hợp pháp, người mua có khả năng mất trắng nếu có tranh chấp phát sinh và bị kiện. Mua bán trao tay sẽ không được Tòa án chấp nhận là giao dịch hợp pháp nên sẽ bị xem là giao dịch vô hiệu. Tại Điều 137, Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định, bên nào có lỗi trong việc khiến hợp đồng bị vô hiệu sẽ phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho bên kia. Như vậy, thì thiệt hại luôn thuộc về bên mua.

Theo Phương Uyên

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên