Rùng mình trước tác hại đáng sợ từ ô nhiễm không khí: Bụi mịn PM 2.5 có thể làm giảm chỉ số thông minh IQ ở trẻ em!
Những phân tử bụi mịn PM2.5 không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp mà còn là mối đe dọa đến não bộ của trẻ em.
- 16-12-2019Ô nhiễm không khí Hà Nội kéo dài, bụi siêu mịn đi thẳng vào máu, có thể gây ung thư
- 14-12-2019Không khí Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều người phải thốt lên đầy hoang mang: "Không muốn bước ra đường luôn"
- 03-12-2019Ô nhiễm không khí, nhiều người đổ xô mua bình oxy về thở tại nhà: Chuyên gia khuyên trước khi làm hãy nhớ kỹ khuyến cáo
Những ngày vừa qua, Hà Nội lại tiếp tục trải qua một đợt ô nhiễm không khí mới, thậm chí còn nghiêm trọng hơn những lần trước.
Chưa cần phải tiếp xúc với khói bụi ngoài đường, người dân có lẽ đã kịp hoảng sợ khi nhìn vào chỉ số chất lượng không khí qua ứng dụng PAMAir. Hầu hết các điểm đo đều phủ một màu tím ngắt, báo hiệu không khí đang ở mức rất xấu, vô cùng độc hại. Thậm chí, Hà Nội luôn nằm trong top đầu những thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới theo bảng xếp hạng của AirVisual.
Chỉ số ô nhiễm tại Hà Nội đo được trên AirVisual ngày 13/12.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn lâu dài, sức khỏe của con người sẽ suy giảm rõ rệt, nhất là những đối tượng nhạy cảm như người già, phụ nữ có thai, người bị bệnh hô hấp và trẻ em.
Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, bụi mịn PM2.5 còn tác động đến khả năng nhận thức của con người
Trong không khí Hà Nội hiện nay đang tồn tại hai loại bụi mịn vô cùng độc hại: PM2.5 và PM10. Chúng được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác. Khi nồng độ bụi mịn tăng lên, không khí sẽ mờ đi, tạo ra hiện tượng giống sương mù.
So với PM10, bụi mịn PM2.5 nguy hiểm hơn rất nhiều. Chúng là những hạt li ti trong không khí, với kích thước tối đa 2,5 micron, nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc người. Chính vì vậy, bụi mịn PM2.5 có khả năng thâm nhập vào sâu trong phổi, gây nên nhiều vấn đề về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn,...
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu nước ngoài cũng cho thấy ô nhiễm bụi mịn PM2.5 gây tác động xấu lên chức năng não.
Hà Nội lại tiếp tục hứng chịu một đợt ô nhiễm không khí mới.
Patrick Collison - CEO của công ty công nghệ Stripe Inc. - gần đây đã đăng tải một bản tổng hợp các kết quả rất đáng ngạc nhiên. Bởi vì chất lượng không khí thay đổi mỗi ngày nên tác động ngắn hạn của tình trạng ô nhiễm có thể đo được dễ dàng.
Chẳng hạn, các kỳ thủ cờ vua sẽ dễ đưa ra những quyết định sai lầm khi không khí bị ô nhiễm. Tại New York, chỉ số chứng khoán cũng có xu hướng giảm theo chất lượng không khí. Ngôn từ mà các chính trị gia sử dụng cũng bớt phức tạp hơn khi chỉ số ô nhiễm tăng cao.
Về lâu dài, sống liên tục trong điều kiện ô nhiễm không khí có liên quan tới tình trạng suy giảm nhận thức ở tuổi già. Con người sẽ đối mặt nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ, Alzheimer, Parkinson và đột quỵ cao hơn thông thường.
Trẻ em có thể bị giảm chỉ số thông minh IQ nếu tiếp xúc lâu dài với bụi mịn PM2.5
Ngoài ra, trẻ em chính là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng xấu nhất, bởi tác hại mà ô nhiễm không khí gây ra có thể tồn tại vĩnh viễn.
Tại Trung Quốc, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm từ khi mới sinh ra có thể khiến trẻ em suy giảm kỹ năng nhận thức trong tương lai. Một nghiên cứu khác cũng chứng minh, trẻ em sống trong bầu không khí ô nhiễm ở phía Nam California (Mỹ) đạt điểm số thấp hơn trong các bài thi Toán và thi đọc.
Trẻ em sống lâu dài trong khu vực ô nhiễm không khí nặng có nguy cơ sụt giảm chỉ số thông minh.
Các nhà khoa học ước tính, nếu chỉ số bụi mịn PM2.5 tăng thêm 5µg/m³ - ít hơn 10 lần so chỉ số hiện tại ở Hà Nội - sẽ làm giảm 2 điểm IQ. Thông thường, trẻ em phải mất 1-2 năm học để tích lũy được từng này điểm.
Ô nhiễm không khí đang gây ra những tác động vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ em. Dù nhiều người cho rằng các bài kiểm tra toán, đọc hiểu hay IQ không phải là phương pháp chính xác để đo năng lực nhận thức, việc điểm số đột ngột sụt giảm như trên cũng là dấu hiệu cho thấy não bộ của trẻ em đang bị tổn thương.
Phụ huynh cần thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí
Nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí, thế hệ tương lai của chính chúng ta sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể thực hiện dứt điểm trong một sớm một chiều.
Do đó, phụ huynh nên tìm cách bảo vệ con trẻ nhằm giảm thiểu những tác động xấu do ô nhiễm không khí gây ra.
- Đóng cửa sổ để hạn chế bụi bay vào nhà nếu sống gần công trường xây dựng hoặc đường chính
- Đảm bảo bộ lọc điều hòa được vệ sinh đều đặn hàng tháng, bởi đây là nơi bụi bẩn, nấm mốc thường bị giữ lại
- Cho trẻ dùng mặt nạ có khả năng chống bụi siêu mịn PM2.5 trước khi ra ngoài đường
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các đồ vật tích bụi như thảm, rèm, thú nhồi bông...
Tham khảo Bloomberg