MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sa Giang: Đặt mục tiêu chia cổ tức từ 18-25%/ năm

30-08-2016 - 14:00 PM | Doanh nghiệp

Xuất hiện và nổi tiếng trên thị trường từ cách đây 60 năm, đến nay, công ty vẫn giữ vững công suất với sản lượng hàng chục ngàn tấn sản phẩm/ năm. Điều gì khiến một công ty giữ vững niềm tin của mình với người tiêu dùng đến vậy?

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua lời tâm sự của ông Phạm Hữu Quá – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần XNK Sa Giang về vấn đề này.

Xin chào ông, để giúp độc giả có thêm thông tin về sự thành công của Sa Giang, xin ông chia sẻ đôi nét về công ty.

Bánh phồng tôm Sa Giang đã nổi tiếng trên thương trường cách đây 60 năm, được xuất sang Pháp từ thập niên 60 và chính thị trường Pháp đã đem lại tiếng tăm cho thương hiệu bánh phồng tôm Sa Giang. Năm 1970, bánh phồng tôm Sa Giang đã đạt Huy chương bạc tại hội chợ OSAKA Nhật Bản.

Sau đó, Nhà nước tiếp quản cơ sở sản xuất Sa Giang và duy trì hoạt động từ năm 1975 cho đến nay. Năm 1992, cơ sở trở thành Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang (DNNN). Tháng 7/1997, Sa Giang là một trong 18 doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được cấp CODE xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Châu Âu (EU). Vào thời gian này, Sa Giang đã áp dụng thành công chương trình quản lý chất lượng HACCP. Hiện Sa Giang đạt năm chứng nhận toàn cầu về chất lượng gồm: ISO, FDA, BRC, HALAL, HACCP.

Sau cổ phần hóa, công ty XNK Sa Giang chuyển thành Công ty Cổ phần XNK Sa Giang từ tháng 7/2004. Cổ phiếu Công ty được niêm yết, giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán là SGC từ ngày 05/9/2006 và chuyển niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội từ ngày 03/06/2009.

Năm 2003, Công ty đã hoàn thành nâng cấp nhà máy sản xuất Bánh phồng tôm có công suất 2.500 tấn/năm với vốn đầu tư là 17 tỉ đồng (nay là Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 1) để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Năm 2010, Công ty tiếp tục nâng công suất Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 2 lên 4.500 tấn/năm. Hiện nay, ngoài Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 1 và Xí nghiệp Bánh phồng tôm Sa Giang 2, Công ty còn có một Xí nghiệp Thực phẩm và một Chi nhánh tại TP.HCM.

Ông Phạm Hữu Quá - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần XNK Sa Giang. 

Có vẻ như trong suốt quá trình phát triển của mình, Sa Giang không gặp quá nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt như các doanh nghiệp khác?

Đã nói đến kinh doanh thì tất nhiên phải có cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm như chúng tôi. Với mặt hàng bánh phồng tôm, có thể đây là một thị trường ngách của ngành thực phẩm nên số công ty hoạt động sản xuất bánh phồng tôm không nhiều, tuy vậy sự cạnh tranh gay gắt luôn tồn tại. Chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh về chủng loại hàng hóa, phải thay đổi liên tục sao cho phù hợp thị hiếu của khách hàng, sao cho chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, bao bì đẹp hơn nhưng giá cả phải chăng. Chúng tôi ý thức rất rõ việc phải nỗ lực để bảo vệ thương hiệu Sa Giang trước hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt là trong 5 năm gần đây, áp lực cạnh tranh rất lớn khiến cho lợi nhuận giảm nhiều, đến nỗi những nhà sản xuất thực phẩm mới không muốn tham gia thị trường này.

Ngoài ra, một thách thức không nhỏ mà chúng tôi nhận ra trong thời gian qua tại Sa Giang, là tình trạng bão hòa về nhu cầu sản phẩm có thể xảy ra.

Làm sao để Công ty vượt qua thách thức và khó khăn?

Ban lãnh đạo Sa Giang xem những khó khăn, thách thức là động lực để hoàn thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng và giá bán hợp lý, bằng sự trân trọng với tình cảm và niềm tin mà bao thế hệ khách hàng đã trao cho.

Đứng trước những thách thức và khó khăn nói trên, HĐQT đã thống nhất phải xây dựng chiến lược phát triển mới cho Công ty trong giai đoạn 2016-2020, với những mục tiêu tham vọng và đầy hứng khởi. Theo đó, bên cạnh việc củng cố mảng sản xuất bánh phồng tôm, chúng tôi sẽ đầu tư vào sản phẩm tiềm năng mới là những sản phẩm từ gạo (ví dụ như bún gạo, phở, hủ tiếu…) với phương châm đặt chất lượng và an toàn thực phẩm lên cao nhất, xứng tầm với thương hiệu Sa Giang.

Qua 3 năm thăm dò và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng quốc tế với các sản phẩm từ gạo, chúng tôi tự tin vào việc đầu tư này. Với mảng kinh doanh mới, dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu của Công ty sẽ đạt bình quân 20%/năm và đến năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của Công ty sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Về cổ tức, Sa Giang sẽ đặt mục tiêu duy trì chính sách trả cổ tức cao từ 18-25%/năm.

Bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng với sự gắn bó lâu năm với người tiêu dùng. 

Đây có phải là lý do dẫn đến cổ phiếu Sa Giang tăng giá mạnh mẽ trong thời gian qua?

Sứ mệnh của Sa Giang là trở thành công ty sản xuất thực phẩm khô chế biến tầm cỡ khu vực với các sản phẩm nhiều dinh dưỡng, an toàn và đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng. Với chiến lược mới, chúng tôi tự tin đưa thương hiệu Sa Giang phát triển mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước, khách hàng sẽ không chỉ biết đến bánh phồng tôm Sa Giang mà còn là các sản phẩm từ gạo như bún gạo Sa Giang, hủ tiếu Sa Giang…

Hiện cổ đông và ban lãnh đạo Công ty có niềm tin vững vàng vào tiềm năng phát triển của Công ty trong thời gian tới. Niềm tin này được khá nhiều nhà đầu tư trên thị trường đón nhận và chia sẻ tích cực. Dĩ nhiên niềm tin không dễ có trong một sớm một chiều, mà đến từ thành quả mà Sa Giang mang lại trong hơn mười năm qua, cộng với định hướng chiến lược mới, làm cho nhà đầu tư thêm tin tưởng vào sự phát triển của Công ty. Gần đây, ĐHCĐ thường niên 2016 của Công ty đã thống nhất cao trong việc thông qua chiến lược mới này.

Nhân đây, thay mặt HĐQT Sa Giang, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể quý cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn SCIC (nắm gần 50% vốn điều lệ) đã đồng hành cùng Công ty gần 10 năm qua. SCIC đã cử nhân sự tham gia HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới, đã khởi xướng và trực tiếp hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển mới cho Công ty. Đây là bước chuyển mình quan trọng và cũng là bước đột phá cần thiết cho Sa Giang.

Xin cảm ơn ông và chúc Công ty Sa Giang tiếp tục đạt được những thành công mới!

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên