Sabeco: Cơn bĩ cực đã qua?
Trong khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất ghi nhận sự suy yếu trong khoảng thời gian so sánh tương ứng, cho thấy thị phần của Sabeco (SAB) đang dần hồi phục từ mức thấp vào quý 4/2019 khi những thông tin không chính xác về tỷ lệ sở hữu đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số của Công ty, theo ban lãnh đạo.
Năm 2020 có thể nói là một năm thật sự khó khăn đối với ngành bia. Lĩnh vực này chịu tác động kép từ luật phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) và dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả bởi Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2020, tương ứng giảm -3,6%/ -22,9%/ -11,9% so với cùng kỳ trong quý 1-3/2020. Điều này tác động làm giảm sâu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt với Sabeco khi đây là công ty bia lớn nhất Việt Nam. Công ty có 26 nhà máy bia trên cả nước, tổng công suất trên 2 tỷ lít/năm.
Năm 2020 giảm 26% doanh thu trước khó khăn kép
Sau khi kiểm soát được đại dịch, từ tháng 6, sản lượng sản xuất bia hàng tháng giảm nhẹ hơn so với mức giảm trong tháng 3 đến tháng 5 và có dấu hiệu phục hồi. Dù vậy, ngành bia vẫn cần nhiều thời gian hơn để hồi phục về mức trước Covid-19, theo giới quan sát. Xu hướng khách ghé thăm nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, bảo tàng... vẫn còn yếu, giảm 10% so với mức cơ sở, theo báo cáo tháng 12/2020 của Google. Việc thiếu vắng khách quốc tế cũng góp phần khiến lượng tiêu thụ bia giảm. Theo GSO, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ năm 2019.
Kết quả, kết thúc năm 2020, Sabeco ghi nhận doanh thu 28.136 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2019. Doanh thu giảm mạnh do ảnh hưởng từ Nghị định 100 cùng sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kiểm soát chặt chẽ chi phí khiến Công ty đạt 4.937 tỷ LNST, chỉ giảm 8%. So với kế hoạch đề ra, Sabeco đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (3.525 tỷ đồng).
Công cuộc tái cơ cấu đã, đang và dự kiến tiếp tục mang về hiệu quả kinh doanh cho Sabeco. Đặc biệt, năm 2021 khi sức mua dự kiến hồi phục, Sabeco theo giới phân tích sẽ được thúc đẩy mạnh.
Saigon Chill tăng hiện diện sẽ là động lực củng cố thị phần Sabeco
Quan điểm của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhấn mạnh, danh mục sản phẩm được củng cố và nhu cầu trong nước phục hồi sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng. Đơn vị này kỳ vọng ngành sản xuất bia sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng 5-9%, tính cả ảnh hưởng của việc Covid-19 đã tái bùng phát trong tháng 1/2021.
Thực tế, tăng trưởng sản lượng của Sabeco cải thiện trong 6 tháng cuối năm so với nửa đầu năm 2020 (cụ thể, mức giảm nhẹ hơn so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm so với nửa đầu năm). Trong khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất ghi nhận sự suy yếu trong khoảng thời gian so sánh tương ứng, cho thấy thị phần của Sabeco đang dần hồi phục từ mức thấp vào quý 4/2019 khi những thông tin không chính xác về tỷ lệ sở hữu đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số của Công ty, theo ban lãnh đạo.
Ngoài ra, kết quả bán hàng ban đầu tích cực của sản phẩm Saigon Chill – được triển khai vào đầu tháng 10 và nhắm đến nhóm đối tượng khách hàng trẻ - được dự kiến sẽ củng cố tốt thị phần trong tương lai và biên lợi nhuận của Sabeco nhờ định vị sản phẩm cao cấp hơn của thương hiệu Saigon Chill so với các sản phẩm cốt lõi hiệu hữu.
Theo ghi nhận VCSC, sự hiện diện của Saigon Chill trong các chuỗi bách hóa bán lẻ cũng như sự hiện diện của bảng hiệu tại các cửa hàng ăn uống ở khu vực thành thị đã tăng lên trong 3 tháng qua.
Tái cơ cấu sản phẩm và chủ động hedging đầu vào đang hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận
Mặt khác, tỷ lệ lợi nhuận từ HĐKD/doanh số bia sẽ tiếp tục gia tăng nhờ cải thiện cơ cấu sản phẩm/giá bán trung bình, chủ động hedging giá nguyên liệu và tối ưu hóa chi phí, sẽ giúp bù đắp cho việc gia tăng chi phí quảng cáo và khuyến mãi (A&P).
Ngoài xu hướng cao cấp hóa sản phẩm, nền kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ tạo dư địa để gia tăng giá bán. Trong khi đó, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào như nhôm và lúa mạch tăng trong thời gian gần đây, VCSC kỳ vọng hoạt động hedging giá nguyên liệu của Sabeco sẽ giúp hỗ trợ một phần biên lợi nhuận trong năm 2021; tuy nhiên, tác động của việc giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ rõ ràng hơn vào năm 2022.
Với những luận điểm trên, VCSC dự báo lợi nhuận từ HĐKD/doanh số bia sẽ tăng từ 19,9% vào năm 2020 lên 20,4% vào năm 2021 trước khi giảm còn 19,6% vào năm 2022 và tăng lại lên 20,7% vào năm 2023.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị