MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sabeco, Habeco đang tăng trưởng chậm lại – có cần quá bi quan?

13-08-2018 - 09:30 AM | Doanh nghiệp

Cần nhấn mạnh căn cứ từ văn hóa kinh doanh trên bàn nhậu là đáng tin cậy, bởi trong bối cảnh kinh tế đi lên, giao thương mở rộng cùng văn hóa ăn sâu vào nhận thức của người Việt Nam cùng thị trường lân cận, ngành bia theo đó sẽ tăng trưởng theo.

Văn hóa chốt deal trên bàn nhậu của người Việt sẽ làm "bệ đỡ" ngành bia

Đồ uống có cồn từ lâu đã được coi là chất xúc tác giúp kết nối, mở rộng quan hệ và đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa giao tiếp của người dân Việt Nam. Đi cùng với cơ cấu dân số trẻ cùng thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, thức uống có cồn được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép 11.8% giai đoạn 2018-2022 (theo BMI).

Trong đó, theo ghi nhận từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bia vẫn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm trên 97% tổng sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam. Dự báo, bia vẫn là động lực chính giúp tăng trưởng ngành hàng đồ uống có cồn.

Nói qua về toàn ngành bia, theo Chứng khoán SSI trước đó, các chính sách khác của Chính phủ nhằm hạn chế tiêu thụ bia và đồ uống có cồn khác sẽ làm giảm tăng trưởng.

Được biết, Bộ Y tế đang soạn thảo đề xuất trình Quốc hội liên quan đến việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn, bao gồm quy định các công ty bia và nước giải khát có cồn sẽ bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức đối với sản phẩm nào có nồng độ cồn quá 15%. Các sản phẩm có lượng cồn thấp hơn sẽ bị cấm quảng cáo ở những nơi công cộng, truyền hình và phim ảnh, những sản phẩm tiếp xúc với khán giả nhỏ tuổi. Dự thảo luật còn đề xuất khoảng cách tối thiểu giữa các nhà bán lẻ đồ uống có cồn là 500m và điều chỉnh giờ bán bia.

Căn cứ theo đó, Bộ Công Thương cho rằng xu hướng tiêu thụ bia đang tiếp tục giảm. Tốc độ CAGR giai đoạn 2021-2025 cho ngành bia là 5%, thấp hơn so với giai đoạn hiện tại 2015-2020 là 7%.

Tỷ trọng đồ uống có cồn giai đoạn 2014-2017

Sabeco, Habeco đang tăng trưởng chậm lại – có cần quá bi quan? - Ảnh 1.

Nguồn: Euromonitor.

Ngược lại, mặc dù tồn tại nhiều rủi ro, song theo một góc nhìn khác từ BMI, sản lượng tiêu thụ bia bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng từ 60,1 lít trong năm 2018 lên 70,7 lít vào năm 2022, với CAGR khoảng 5,4%. Bởi, cơ cấu dân số trẻ cùng số lượng khách du lịch tại Việt Nam ngày càng gia tăng sẽ đảm bảo sự phổ biến của sản phẩm bia trong ngành hàng đồ uống có cồn.

Như vậy, bia cũng như đồ uống có cồn, vẫn sẽ được duy trì tốc độ tăng trưởng thời gian tới nhờ vào văn hóa kinh doanh trên bàn nhậu của Việt Nam, chưa kể các nước phương Đông nói chung.

Ngành bia – miếng bánh đầy tiềm năng nhưng có sự phân hóa lớn

Tồn tại hiện hữu tính đến nay của ngành theo VDSC chính là việc dù được đánh giá là miếng bánh đầy màu mỡ nhưng ngành bia đang chịu sự phân hóa lớn, 90% thị phần trong toàn ngành đang được chiếm lĩnh bởi 4 gã khổng lồ gồm Bia Sài Gòn (Sabeco, SAB), Bia Hà Nội (Habeco BHN), Heineken và Carlsberg.

Đồng thời, xu hướng tiêu dùng đang có sự dịch chuyển sang những sản phẩm bia nhập khẩu cao cấp với hương vị lạ, độc đáo, đề cao sự trải nghiệm cho người sử dụng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh thu của Habeco, dù mới đây có đẩy mạnh tăng chi phí quảng cáo, song thương hiệu này vẫn còn bị chê bao bì lỗi thời, ít có sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người dùng.

Chưa kể, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, giành nhau từng % thị phần nhỏ, vì thế các doanh nghiệp nhỏ với tiềm lực tài chính không đủ mạnh sẽ rất dễ bị loại ra khỏi cuộc chơi không cân sức này. VDSC cho rằng các doanh nghiệp nội địa cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cập nhật xu hướng mới giúp bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng, tránh đối đầu trực tiếp với các đại gia ngoại, tập trung phát triển các thị trường "ngách" để tạo được chỗ đứng trên thị trường bia đầy khốc liệt này.

Sabeco, Habeco đang tăng trưởng chậm lại – có cần quá bi quan? - Ảnh 2.

Nguồn: Euromonitor.

Hai "ông lớn" nội địa chưa có điểm sáng

Thực tế chứng minh cho những quan điểm trên của VDSC, (1) đơn vị đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả ba tồn tại trên chính là Habeco. Trong quý 2 vừa qua, mặc dù chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo nhưng doanh thu Habeco vẫn không thể cải thiện, giảm nhẹ 1,3% về 2.912 tỷ đồng, chi phí tăng khiến lợi nhuận sau thuế đi ngang tại mức 215 tỷ đồng.

Phân tích sâu Habeco, nhiều năm qua và đỉnh điểm năm 2017 là một năm khá khó khăn đối với Công ty trong bối cảnh ngành bia cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực chi phí gia tăng. Habeco đang có dấu hiệu mất thị phần ngay cả trong thị trường truyền thống ở miền bắc, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng điều chỉnh mạnh.

Hiện, Habeco đang đối mặt với những thách thức bao gồm:

+ Tổng sản lượng tiêu thụ giảm, đặc biệt tại phân khúc sản phẩm bia chai đỏ 450ml. Được biết, Habeco từng tập trung mở rộng vào phân khúc bia hơi có sản lượng cao nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, điều này làm hạn chế tăng trưởng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng và vì thế chuyển sang xu hướng sử dụng những sản phẩm cao cấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có xu hướng chuyển từ chai cỡ lớn sang cỡ nhỏ và chú ý hơn đến bao bì so với trước đây.

+ Khả năng chi trả cao hơn và ngày càng có nhiều lựa chọn sản phẩm cao cấp, các chiến dịch marketing mạnh mẽ, và các thương hiệu nước ngoài nhập khẩu tác động đáng kể đến doanh thu khi Công ty không ra mắt thêm bất kỳ dòng sản phẩm mới.

Như vậy, Habeco đang vướng nhiều khó khăn cần có tiềm lực về tài chính cũng như ý tưởng thương hiệu, quảng cáo… để vựt dậy. Nhiều năm gần đây Công ty cũng đã chi mạnh cho marketing, điển hình số liệu quý 2/2018 cho thấy chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ lại tăng 18% so với cùng kỳ lên 166,8 tỷ, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Còn (2) Sabeco (SAB), lợi thế về quy mô cùng hệ thống công ty con, công ty liên kết hay công tác phân phối toàn quốc vẫn duy trì nguồn thu lớn hàng năm cho doanh nghiệp. Nhưng xét sâu về hiệu quả, biên lợi nhuận Sabeco ghi nhận sụt giảm thời gian gần đây, nguyên nhân một phần do sản phẩm Công ty chưa thực sự đột phá cũng như thị phần thành phố đang san sẻ cho những đơn vị ngoại như Heineken, Sapporo…

Thậm chí, đặt kế hoạch cho năm 2018, Công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm những 20% về 4.007 tỷ đồng.

Thực tế, con số 20% ấy là cả một vấn đề lớn! Nhiều băn khoăn đặt ra, tại sao sụt giảm và liệu Sabeco đang quá thận trọng hay không? Liên quan đến thị giá cố phiếu, trong bối cảnh èo uột như này nếu thực sự lợi nhuận giảm 20% thì lấy đâu động lực để hồi…

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, trao đổi bên lề với Kế toán trưởng, con số 20% cổ đông nhận được vẫn chưa thực sự giải đáp chi tiết. Chi phí nguyên vật liệu gồm hoa bia, lúa mạch, lon chai… theo vị này tăng 10%, biến động tỷ giá, nhiên liệu, thuế… tác động khoảng 5%... vậy còn 5% còn lại là yếu tố thận trọng? Có rủi ro khi chúng ta kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn mục tiêu đề ra? Trả lời, đại diện Sabeco khẳng định khó để chi tiết hóa, nhưng con số 4.007 tỷ đã được Công ty tính toán sát với dự báo biến động thị trường, cạnh tranh cũng như kể cả các chi phí marketing cho chiến dịch mới của Thaibev chưa tiện công bố.

Về kết quả kinh doanh quý 2/2018, doanh thu thuần 9.170 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán chiếm 7.073 tỷ đồng kéo lãi gộp Sabeco còn 7.073 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 22,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 26,5% cùng kỳ năm trước.

Nếu chúng ta chỉ chú ý đến hoạt động cốt lõi của Sabeco thì rõ ràng biên lợi nhuận giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế dù hoạt động tài chính khả quan vẫn không thể đỡ, ghi nhận giảm 7% về 1.223 tỷ đồng.

Có cần quá bi quan?

Đi cùng với kết quả kinh doanh giảm, cổ phiếu BHN và SAB trên thị trường không mấy sáng sủa. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAB cũng giảm mạnh trong vài tháng gần đây, bất chấp sự kiện World Cup. Tính tới hết phiên giao dịch 10/8, thị giá SAB chỉ còn 207.000 đồng/cp, giảm 14% so với đầu tháng 6.

Tương tự, mã BHN của Habeco cũng giảm mạnh phân nửa thị giá từ đầu năm nay, hiện đang dò đáy tại mức 84.500 đồng/cp (chốt phiên 10/8).

Sabeco, Habeco đang tăng trưởng chậm lại – có cần quá bi quan? - Ảnh 3.

Biến động cổ phiếu SAB và BHN 1 năm qua.

Trở lại với luận điểm tăng trưởng của ngành bia đề cập phía trên, chúng ta có cần quá bi quan cho bối cảnh hiện tại? Cần nhấn mạnh căn cứ từ văn hóa kinh doanh trên bàn nhậu là đáng tin cậy, bởi trong bối cảnh kinh tế đi lên, giao thương mở rộng cùng văn hóa ăn sâu vào nhận thức của người Việt Nam cùng thị trường lân cận, ngành bia theo đó sẽ tăng trưởng theo.

Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng đã chịu tổn thương một thời gian, đủ để nhìn nhận vấn đề và bắt tay vào hành động, đây là một điểm sáng khác đáng lưu tâm.

Đơn cử, Habeco hiện sẽ có sự tham gia của đối tác ngoại khi Nhà nước thoái vốn, ban lãnh đạo mới, ngoài ra còn có kỳ vọng từ tốc độ toàn ngành dự báo được tăng trưởng. Chính bản thân doanh nghiệp cũng đề ra nhiều kế hoạch, tăng cường mẫu mã, quảng cáo… đánh đổi ngắn hạn cho một kế hoạch dài hơi hơn.

Riêng Sabeco thì có nhiều lợi thế hơn, thứ nhất với sự tham gia Thaibev được kỳ vọng sẽ tăng biên lãi Công ty.

Mới đây, việc mang hình ảnh Sabeco lên sân bóng quốc tế là một động thái đáng chú ý, thực sự chỉ có thể Thaibev mới thực hiện được cho thương hiệu bia Việt này. Mặc dù Sabeco có được khách nước ngoài để ý hay không chưa nói, vấn đề việc tăng tính tò mò của người tiêu dùng trong nước, từ đó lấy lại thị hiếu nội địa là điều mà nhiều người đánh giá cao cho chiến dịch lần này.

Mặt khác, với tiềm lực hiện tại về quy mô, tài chính, tư duy lãnh đạo mới, đi cùng dự báo khả quan về toàn ngành, Sabeco đang là một hình ảnh được chú ý theo dõi quan tâm từ giới chuyên gia, phân tích, nhà đầu tư cho đến người tiêu dùng.

Nguyên Phong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên