Sài Gòn với một cuộc sống bình thường mới, nhưng cảm xúc của những tình nguyện viên ngành Y khi trở về nhà vẫn thật sự thương và nhớ
Sài Gòn gần trở về cuộc sống "bình thường mới", hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế trở về với gia đình, quê hương sau thời gian hỗ trợ phòng chống dịch.
- 04-10-2021Xôn xao tin tiệm sữa tươi nổi tiếng nhất Sài Gòn đóng cửa vĩnh viễn, dân mạng thở dài: Covid lấy đi quá nhiều thứ thân thuộc!
- 01-10-2021"Ê Sài Gòn, khỏe hông? Hôm nay cậu đẹp lắm" - Câu nói mà nhiều người đã dành cho Sài Gòn sau những ngày dài không gặp
- 30-09-2021Buổi chiều như 30 Tết ở Sài Gòn sau gần 90 ngày giãn cách: Người dọn dẹp nhà cửa, người dắt xe đi sửa, ai cũng háo hức đợi ngày mai "nới lỏng"
Sau 4 tháng tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn đã được kiểm soát và dần mở cửa cuộc sống "bình thường mới". Những "chiến binh áo trắng" của các tỉnh thành vào hỗ trợ Sài Gòn cũng đã đến lúc họ trở về với quê hương và gia đình.
Với những "người hùng thầm lặng đó" chuyến đi này là chuyến công tác đặc biệt và ai cũng có một mong muốn rằng "Sài Gòn đừng bình lặng nữa". Dưới đây là chia sẻ của bạn Phương Thanh - sinh viên khối Y Đa Khoa trường Y Dược Thái Bình hoàn thành xong nhiệm vụ chống dịch ở các tỉnh phía Nam.
Sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của tuổi trẻ
Khi thành phố "mắc bệnh" nhiều người đã không ngại hiểm nguy để lao vào tâm dịch hỗ trợ hết mình bằng cả thanh xuân và tuổi trẻ, cuộc hội ngộ giữa tất cả các tình nguyện viên khắp nơi đổ dồn vào Sài Gòn để "chia lửa".
Sinh viên năm thứ 5 Đại học Y Dược Thái Bình - Vũ Thị Phương Thanh.
Sau 81 ngày đêm cùng Sài Gòn "chữa bệnh", Phương Thanh đã có mặt tại trường Đại học Y Dược Thái Bình để thực hiện việc cách ly tập trung trước khi trở lại với gia đình. Cô chia sẻ: "Khi nhận được nhiệm vụ của Bộ Y Tế huy động, tuy vẫn chưa rõ nhiệm vụ phải làm là gì nhưng khi Tổ quốc cần thì mình luôn sẵn sàng. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của tuổi trẻ chúng mình. Ngày 18/7, mình cùng 350 thầy và trò trường Đại học Y Dược Thái Bình lên đường vào miền Nam chống dịch. Sau 81 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh thành phía Nam, ngày 7/10 chuyến bay Vietnam Airlines đưa chúng mình trở về, kết thúc chặng đường dài khi tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn.
Thầy và trò trường Đại học Y Dược Thái Bình lên đường vào miền Nam chống dịch
Sau những ngày tháng cùng Sài Gòn chống dịch mình thấy bản thân học hỏi được rất nhiều, trở nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, mình còn học hỏi được nhiều chuyên môn nghiệp vụ, cách tổ chức phòng chống dịch".
Gần 3 tháng chống dịch là kỉ niệm đẹp nhất thời thanh xuân
“Đi không phải để xây dựng giá trị cho mình, đi để cảm thấy mình còn giá trị”.
Mỗi y bác sỹ, mỗi tình nguyện viên đều tự cất giữ cho mình những kỷ niệm riêng về chuyến công tác đặc biệt này. Đó có thể là những đêm thức trắng để lấy mẫu test, theo dõi tình hình của bệnh nhân hay những cuộc gọi chớp nhoáng với gia đình để còn bắt đầu làm nhiệm vụ... Tất cả đều trở thành những kỉ niệm khó quên của cả một thế hệ.
Vác đồ nặng và mặc đồ bảo hộ 24/24.
Phương Thanh chia sẻ: "Trải qua hơn 3 tháng làm việc có vô vàn những kỉ niệm mà mình trải qua. Đó là những cái cúi đầu cảm ơn của bệnh nhân, những lần cấp cứu thành công, nụ cười của những em bé được trao quà tết trung thu, những đêm chuyển bệnh tới 12h đêm rồi lại về làm việc tới 4h sáng, những lần hiếm hoi được ăn thử những món ăn đặc trưng của Sài Gòn... tất cả đều để lại trong mình bao cảm xúc khó mà có thể diễn tả hết bằng lời".
Nhưng kỉ niệm khiến Phương Thanh nhớ nhất đó là lần đầu tiên được chủ động liên hệ hội chẩn bệnh viện xin chuyển tuyến cho bệnh nhân. Sau khi được sự đồng ý của bác sĩ tại bệnh viện mình lên đường đưa bệnh nhân chuyển viện. Phương Thanh tâm sự: "Khi đã chuyển bệnh thành công và nhìn thấy cái cúi đầu cảm ơn của người nhà bệnh nhân cảm xúc của mình như vỡ oà trong hạnh phúc. Mình tự hào vì mình đã tâm huyết với từng trọng trách mình được giao, mình trở nên bản lĩnh, trưởng thành và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm làm việc."
Những cuộc họp trực tuyến, ca trực đến rạng sáng.
Ngoài những công việc liên quan đến chuyên môn. Phương Thanh cùng các bạn tình nguyện viên còn đảm nhận nhiều vai trò khác do hoàn cảnh mùa dịch đặc biệt, rất khó để huy động nhân lực vào sửa chữa tại khu cách ly "đôi khi chúng mình còn trở thành thợ sửa ống nước, thợ sửa máy tính, thợ sửa máy in bất đắc dĩ nữa", cô chia sẻ. Đặc biệt là được làm quen với nhiều người bạn mới.
Những con người ở nhiều nơi khác nhau quy tụ lại và cùng hướng đến một mục tiêu là "Sài Gòn mau khoẻ lại".
Sẽ nhớ mùa mưa của Sài Gòn lắm...
Thời điểm Sài Gòn "bệnh" cũng là lúc mùa mưa bắt đầu. Những cơn mưa bất chợt đổ xuống cũng gây không ít những khó khăn cho các tình nguyện viên. Nhưng với Phương Thanh mùa mưa ở Sài Gòn đẹp lắm: "Mình nhớ những ngày mưa ở Sài Gòn, nguyên team phải trú trong cái ô hoặc trước hiên nhà người dân, lúc đấy mọi người che chắn cho nhau, nhường nhau từng mảnh áo mưa. Tuy xa gia đình nhưng mình đã nhận được vô vàn tình yêu thương khác".
Sẽ nhớ lắm mùa mưa ở Sài Gòn...
Mong Sài Gòn khoẻ nhanh để chúng mình "tay bắt mặt mừng nghen"
Sẽ rất khó để có được một chuyến công tác với đầy đủ những trải nghiệm, những bạn mới và những cung bậc cảm xúc khó quên như vậy. Nhưng có lẽ với những ai tham gia vào chuyến công tác "đặc biệt" này sẽ chỉ mong nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh và "Sài Gòn đừng im lặng" như vậy nữa.
Sài Gòn "khỏi bệnh" cũng là lúc hành trình "tiếp lửa" đầy ý nghĩa kết thúc. Khi Sài Gòn bắt đầu dần nhộn nhịp trở lại thì những "anh hùng" đã đến lúc phải trở về nhà. Nhưng lần chia tay này hứa hẹn sẽ có một cuộc gặp lại nhau sớm trong tâm thế Sài Gòn "tay bắt mặt mừng" với những người "anh em". Tuy Sài Gòn đang thực hiện những biện pháp nới lỏng nhưng mọi người cũng đừng chủ quan nha, hãy tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K và cùng cố gắng đừng để bị bệnh nữa nghen!
Trí thức trẻ