Sàn kim loại London lép vế trước sức ép từ Trung Quốc và Mỹ
Trong mấy năm gần đây, các thương nhân đang tăng cường mua và bán kim loại nhiều hơn trước đây tại các sàn giao dịch Trung Quốc và Mỹ. Ở thành phố London, nơi được coi là đầu não của thị trường toàn cầu qua nhiều thế kỉ, thì lại đang diễn ra một thực tế hoàn toàn trái ngược.
- 23-04-2016Trung Quốc muốn tăng vị thế của sàn giao dịch vàng Thượng Hải
- 05-08-2015Nhiều người phẫn nộ khi biết Giám đốc sàn giao dịch Bitcoin thao túng tài khoản tiền mặt
- 04-08-2015[Kinh tế học qua video] Sàn giao dịch chứng khoán hoạt động như thế nào?
Trong 4 tháng đầu năm nay, khối lượng giao dịch cả 6 loại hợp đồng chính cho các mặt hàng kim loại sau trên sàn giao dịch Kim loại London giảm chung khoảng 10%, trong đó bao gồm cả đồng và nhôm. Đó được coi là khởi đầu tồi tệ nhất kể từ năm 2006. Trong khi sàn giao dịch Kim Loại London (LME) vẫn là trung tâm chính của ngành công nghiệp thì thị phần của LME trên thị trường toàn cầu đã tụt từ 83% trong năm 2012 xuống còn 76% trong năm ngoái, dựa trên tổng giá trị giao dịch.
Vào thời điểm mà các rào cản pháp lý và sự lũng đoạn thương mại hàng hóa đang buộc các quĩ đầu tư và các ngân hàng rút ra khỏi thị trường thì các giao dịch của LME lại trở nên ít đi sau khi cơ quan này tăng lệ phí và thắt chặt các qui định tại hơn 600 cửa hàng của họ. Trái lại, ở Trung Quốc thì việc kinh doanh lại đang trong giai đoạn "bùng nổ". Các sàn Thượng Hải và Đại Liên của Trung Quốc được hưởng lợi từ làn sóng đầu cơ nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, tại New York Mỹ vào tháng trước, kim loại đồng được giao dịch trên sàn Comex đã đạt tới mức giá trị cao nhất trong 3 năm liên tiếp.
Bối cảnh đầy thách thức
Robin Bhar, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Societe Generale SA London đã nói rằng: "Đây thật sự là một bối cảnh đầy thách thức"; "Nếu chúng ta nhìn vào những gì LME đã và đang làm để cải tổ lại hoạt động thì sẽ thấy rằng có rất nhiều thay đổi dẫn đến việc số lượng giao dịch giảm dần."
Số lượng giao dịch ít đi là một trở ngại lớn cho LME khi mà trước đó họ đã cố gắng tìm cách để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp thông qua các giao dịch thuật toán tần xuất cao. Năm ngoái, các công ty thực hiện nhiều hợp đồng giao dịch cũng đã được họ đề xuất giảm phí, các thành viên mới thì được nới lỏng những thủ tục đăng kí và mở rộng tiếp cận công nghệ cơ sở điện tử của họ.
Dữ liệu trên sàn cho thấy: khối lượng đồng giao dịch tại LME trong tháng 4 đã giảm 6,8% so với một năm trước đó, trong khi lại tăng 29% tại sàn Comex New York và 25% tại sàn Thượng Hải.
Kể từ khi mua LME vào năm 2012, tập đoàn Hong Kong Exchange & Clearing đã tìm cách tăng lợi nhuận từ sàn giao dịch có bề dày 139 năm này. Lệ phí mà các thành viên và người sử dụng phải trả đã tăng trung bình khoảng 34% trong năm ngoái, đây là lần tăng đầu tiên kể từ khi tiếp quản. Điều đó đã khiến cho lợi nhuận từ hàng hóa mà HKEx kiếm được tăng lên 68% vào năm 2015 mặc dù trước đó khối lượng giao dịch đã bắt đầu cạn dần.
Năm nay, mức lệ phí này đã được giữ ở mức bình ổn bởi vì hoạt động thương mại của họ ngày một chững lại.
Phát triển gặp nhiều khó khăn
Edmond Law, nhà phân tích của Hongkong thuộc tập đoàn UOB-Kay Hian Holdings đánh giá: "Trong tương lai gần, sẽ không dễ dàng để cho LME tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận"; "Họ đã thực hiện việc tăng lệ phí, vì vậy trong thời gian tới đây, khối lượng giao dịch sẽ giảm đi và họ sẽ không còn có thể tăng giá một lần nào nữa. Thế cho nên, thu nhập của họ sẽ chỉ đều đều hoặc là giảm đi."
Kathy Alys, một phát ngôn viên của LME, cho biết sản lượng tự nhiên biến động theo những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu của đối tượng sử dụng.
Trong tháng này HKEx cho biết có một sự suy giảm trong doanh thu quý đầu, do tính bất ổn của thị trường hàng hóa UK và thị trường tiền tệ của Hong Kong. Một phần còn do sự sụt giảm mậu dịch trong một nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và giá cả nguyên vật liệu cũng hạ nhiệt.
Các khoản phí cao hơn và hệ quả
Ông Fred Demler, người đứng đầu toàn cầu về kim loại LME tại tập đoàn INTL FCStone đã nói rằng: "LME đang đi xuống"; "Có nhiều băn khoăn về việc tại sao lại như vậy. Lí do đầu tiên có lẽ bởi việc họ tăng lệ phí."
Những khoản lệ phí cao hơn đã làm một vài đối tượng tham gia chán nản, kể cả đối với các giao dịch ngắn hạn lợi dụng chênh lệch giá giữa hai hợp đồng. Một trong những giao dịch như thế được gọi là "Giao dịch Ngày hôm sau"- mua đồng thời một loại kim loại và bán ngay vào ngày hôm sau. Các giao dịch ngày hôm sau của kim loại đồng giảm hơn 15% vào năm 2016 kể từ 1 năm trước, theo số liệu đưa ra của Bloomberg.
Theo Demler của FCStone, do có sự cạnh tranh khốc liệt hơn nên việc giao dịch đồng trên sàn Comex của tập đoàn CME Group cũng rẻ hơn. Đã có hơn 2 triệu hợp đồng giao dịch cho kim loại đồng được trao tay trong tháng Tư, nhiều nhất kể từ năm 2013.
Tại Trung Quốc, việc giao dịch tất cả mọi mặt hàng từ các thanh thép đến bông cũng đã đạt tới kỉ lục nhờ vào việc đầu cơ hàng hóa tương lai.