Sản xuất công nghiệp của TP HCM phục hồi mạnh
Năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn TP HCM ghi nhận kết quả sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá so với năm 2021.
- 03-12-2022Những địa phương có nào chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 11 tháng năm 2022?
- 02-12-2022Sản xuất công nghiệp tăng 2.300 lần sau 25 năm, tỉnh này dần trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước
- 30-10-2022Top 10 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 10 tháng đầu năm 2022
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn về nguồn cung lẫn giá cả nguyên vật liệu, lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu nhưng theo các DN, hiện tại đã thoát đáy suy giảm, bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Thoát đáy suy giảm
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, ước tính năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92%, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, nhận định chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế TP. Các DN đã nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên kết quả sản xuất công nghiệp chung của TP có chiều hướng phát triển tốt.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP HCM phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP, cũng cho hay sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành. Trong năm, các hội đồng phát triển ngành công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò đồng hành với DN, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; tham mưu HĐND TP ban hành chương trình kích cầu đầu tư của TP, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm (ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến lương thực - thực phẩm), triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và liên kết vùng nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Trong năm, TP luôn đồng hành hỗ trợ DN khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Một trong những hoạt động chính là triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
UBDN TP đã thông qua việc triển khai Kế hoạch số 2888 về thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2023. Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện, gồm: hỗ trợ DN CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN CNHT, xây dựng và vận hành Cổng thông tin CNHT.
Sở Công Thương TP cũng đang triển khai chương trình nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho DN CNHT song song với hoạt động kết nối, hỗ trợ DN bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh. Giải pháp hỗ trợ vốn, kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT giai đoạn này cũng hết sức cần thiết.
Theo số liệu của Sở Công Thương, kể từ khi triển khai Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT của TP giai đoạn 2018 -2020, UBND TP đã phê duyệt 15 dự án của 14 DN tham gia với tổng mức đầu tư 1.176,078 tỉ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 617,241 tỉ đồng. "Chương trình đã từng bước phát huy hiệu quả. Một số DN đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn nước ngoài lớn như Samsung, Hyundai, Toyota, Piaggo…" - Sở Công Thương TP nêu.
Người lao động