Sao cứ phải thấp thỏm mong giảm lãi suất cho vay?
Từ lâu, nhiều cơ sở được cho là đủ để giảm lãi suất cho vay, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn cứ lừng khừng, và nền kinh tế vẫn cứ phải thấp thỏm mong.
- 16-10-2016Lãi suất cho vay hạ - Động lực kích thích nền kinh tế
- 15-10-2016Lãi suất phải do thị trường quyết định
- 15-10-2016Các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay
- 14-10-2016Khó giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2016, trong diễn biến của nền kinh tế có hàng loạt những kỳ vọng, mong chờ, song có lẽ cụm từ “giảm lãi suất cho vay” đang có sức thu hút đặc biệt.
Nhiều cơ sở để có thể giảm lãi suất cho vay…
Biểu hiện là Chính phủ vừa ra Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 năm nay, trong đó có nội dung rằng, trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay”. Sự “phấn đấu” này còn hơn 70 ngày nữa để nền kinh tế nhận kết quả.
Song, hiện tại là giữa tháng 10, nhiều phân tích cho rằng, giảm lãi suất cho vay vẫn là kỳ vọng. Mới đây, báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong Quý 3. Lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần, đều giảm liên tục trong 3 tháng vừa qua. Lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng 6 xuống lần lượt 1,35% - 1,01% - 0,54% trong 3 tháng tiếp theo.
Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các NHTM lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Cuối tháng 9, một số NHTM như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm từ 0,3-0,5%/năm. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tính tới ngày 20/09/2016 đã tăng 11,8% so với thời điểm cuối năm 2015, cao hơn so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015.
Với những con số khả quan đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng đó là điều kiện thuận lợi để ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, Viện trưởng VEPR cũng chỉ khuyến cáo mang tính kỳ vọng rằng, “đây là thời điểm thích hợp để các NHTM có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước”.
Theo TS. Thành, “nếu kỳ vọng việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay thành hiện thực, sẽ góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn”.
Hay mới đây, báo cáo quý 3 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khi nói về xu hướng lãi suất những tháng còn lại của năm 2016, cũng chung kỳ vọng, “thông thường, vào quý cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh tín dụng để đạt chỉ tiêu cả năm. Đây là một tín hiệu tích cực của việc giảm lãi suất cho vay vào mùa cao điểm tín dụng cuối năm”. Kỳ vọng này của Ủy ban GSTCQG vẫn lặp lại nhưng từng đặt ra hồi tháng 8.
Và đối với kế hoạch giảm lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, thời điểm cuối năm bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm. Thực tế, gần đây có một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Theo bà Hồng, “đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay”.
“đèn xanh” đã bật…
Rõ ràng, cả nhà điều hành và chuyên gia kinh tế cùng chung kỳ vọng lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm. Nhưng tại sao, khi nhiều điều kiện cơ sở đã “bật đèn xanh” mà việc giảm lãi suất cho vay vẫn đang là mong ước của nhiều phía? Nhất là theo chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu, thì lãi suất cao kìm hãm phát triển kinh tế.
Bởi theo ông Hiếu, lãi suất là giá vốn của nền kinh tế, giá vốn quá cao thì người dân sẽ không đi vay hay không muốn đi vay, làm chậm phát triển kinh tế. Hiện tại lãi suất của Việt Nam còn cao. Lãi suất cho vay cao như hiện nay, trừ những công ty, doanh nghiệp mà họ có tỷ lệ sinh lời cao thì chịu nổi, còn những doanh nghiệp nhỏ, với lãi suất trung bình khoảng 10% thì họ bán hàng ra, sau khi trả mọi chi phí cho sản phẩm, nhân công, còn lại không đủ để trả cho ngân hàng chứ khó có lợi.
Phải chăng, bên cạnh yếu tố thị trường chi phí, nguyên nhân nội tại năng lực của hệ thống ngân hàng đang cản trở việc giảm lãi suất cho vay? Nguyên nhân đó có thể xuất phát từ việc nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn cao khiến dù cho ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng chưa đủ cân đối để giảm lãi suất cho vay. Bởi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kết quả xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thời gian qua còn thấp so với kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu còn cao.
Chẳng hạn, báo cáo vừa công bố của Ngân hàng HSBC đánh giá “lĩnh vực ngân hàng Việt Nam vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức, đang phải vật lộn với khối nợ xấu và lại một lần nữa chứng kiến tăng trưởng tín dụng cao. Đến tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu chính thức đạt 2,6%. Mặc dù tương đối nhỏ, nhưng vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu bị mắc kẹt ở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC)”.
Và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc giá nhìn tổng thể 3 quý đầu năm nay cũng nhận định “xử lý nợ xấu chậm do năng lực trích lập dự phòng rủi ro của TCTD hạn chế, việc phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn pháp lý, quá trình tố tụng kéo dài”.
Hơn nữa, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, theo quy định, các ngân hàng phải dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng Trung ương. Trong trường hợp với 3% áp dụng cho dự trữ tiền đồng, nghĩa là một ngân hàng huy động được 100 đồng thì không thể sử dụng cả 100 đồng, mà chỉ sử dụng được 97 đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay phải có dự phòng nợ xấu, rủi ro, dự phòng về thanh khoản những chi phí hoạt động và dự trù một tỉ lệ lợi nhuận nào đó cho cổ đông…
Đồng thời, đợt giảm lãi suất huy động vừa qua mới chỉ diễn ra ở một số ngân hàng lớn. Mà khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất dễ hơn so với các ngân hàng nhỏ vì nguồn vốn huy động của họ dồi dào, không cần tăng lãi suất để cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình, việc huy động vốn khó hơn.
Có lẽ vì thế mà đã 20 ngày trôi qua kể từ khi nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động 0,3-0,5%/năm, thị trường vẫn cứ thấp thỏm chờ mong mà tín hiệu giảm lãi suất cho vay không “nổ” đại trà từ khắp các ngân hàng. Và thực tế, tính đến hôm nay (16/10), số ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay vẫn rất ít, như Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank, HDBank.... Tuy nhiên, việc giảm lãi suất này cũng không phải đại trà mà chỉ nhằm vào một số nhóm đối tượng và dành những gói tín dụng với giới hạn vốn nhất định. Thậm chí, tuần qua, giới đầu tư khá lo lắng khi thị trường bất ngờ chứng kiến không ít ngân hàng nhỏ bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động mới.
Như vậy rõ ràng, dẫu cho một số “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng có giảm lãi suất huy động, nhưng cũng khó đủ sức lan tỏa để kéo giảm mặt bằng chung lãi suất cho vay. Và có lẽ vì thế mà việc đồng loạt các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vẫn đang là kỳ vọng, không dễ thực hiện.