Sắp lên thành phố, giá nhà đất 2 khu vực này "tăng nóng"
Khi mới manh nha thông tin lên thành phố, sức cầu tìm mua nhà đất hai khu vực này tăng mạnh, nhiều khu vực có mức giá đất tăng tới 30%.
Thông tin Tân Uyên và Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương đang xây dựng đề án thành lập TP. Tân Uyên và TP. Bến Cát. Chủ trương này đã được tỉnh Bình Dương thông qua tại báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh vào ngày 14/4, với mục tiêu hướng tới phát triển Tân Uyên và Bến Cát thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương trước năm 2025.
Trước thông tin này, thị trường BĐS khu vực đã đón nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư lớn, cũng như nhà đầu tư cá nhân đổ về săn đất, khiến giá đất nơi này không ngừng tăng trong thời gian qua, nhất là ở khu vực thị xã Tân Uyên.
Dữ liệu từ bat của Batdongsan.com.vn, ngay từ quý 1 khi mới manh nha thông tin lên thành phố, nhà đất Tân Uyên đã ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng mạnh. Cụ thể, nếu Thuận An, Thủ Dầu Một có lượng tìm kiếm BĐS đi ngang, thậm chí giảm nhẹ thì Tân Uyên ghi nhận mức quan tâm tăng 38%. Cá biệt, loại hình nhà phố liền kề trong các khu compoud tại đây có lượt tìm kiếm tăng hơn 65% so với cuối năm 2020.
Không chỉ lượt quan tâm, giá BĐS tại thị trường này cũng tăng theo nhu cầu giao dịch. Trong khi Dĩ An, Thủ Dầu Một ghi nhận mức tăng mạnh nhất là 19-21%, khu vực Bắc Tân Uyên có giá BĐS tăng gần 30%. Tốc độ tăng giá trung bình tại khu vực này hiện đạt 7% trong quý vừa qua. Số liệu từ Colliers Việt Nam cũng chỉ ra, cuối năm 2020 dự thảo bảng giá đất tại Bình Dương được điều chỉnh tăng giá từ 45-95%, trong đó Tân Uyên tăng 60% so với giá thị trường trước đó.
Cụ thể, thực tế giá đất ở Tân Uyên đang thay đổi chóng mặt. Năm 2019 giá đất trung bình ở ngưỡng khoảng 22,3 triệu đồng/m2 (trước đó khoảng hơn 16 triệu đồng/m2), nhưng đến 2020 giá đất khu vực đường Tân Uyên đã chạm ngưỡng 22-25 triệu/m2, giá đất xa trung tâm giao dịch tầm giá 13-15 triệu/m2 thay vì 8-12 triệu/m2 vài năm trước đó. Riêng nhà thấp tầng được đầu tư bài bản dao động ở mức 50-70 triệu/m2, tăng 30-50% so với vài năm trước đó.
Các chuyên gia nhà đất tại Bình Dương cho rằng, đây là động thái tất yếu của thị trường trước một thông tin quy hoạch hạ tầng lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Sự điều chỉnh giá này đến nhu cầu mua là do làn sóng đi săn đất đầu năm của nhà đầu tư, vốn đã có tiền lệ trước đó. Xét vài năm trước khi Dĩ An, Thuận An sắp lên thành phố, giá nhà đất cũng tăng rất nhanh.
Năm 2018-2019 giá đất Dĩ An chỉ khoảng 30 triệu/m2, sau khi lên thành phố đã tăng 45-50 triệu/m2. Thuận An cũng từ mức 25-35 triệu/m2 vượt lên đến 40-50 triệu/m2, nhà phố liền kề thậm chí đạt mức 60-70 triệu/m2. Xu hướng này cũng sẽ diễn ra với thị trường Tân Uyên trong vài năm tới.
Đồng thời, Tân Uyên đang hội tụ đầy đủ những yếu tố từ tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn FDI, dân số, hạ tầng. Thị xã hiện có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy từ 90-100%, đây là nền tảng thuận lợi để hình thành các khu dân cư, khu đô thị hiện đại liền kề, thu hút nhiều kỹ sư và người lao động đến làm việc. Tiềm năng của thị trường này được thể hiện qua sự xuất hiện ngày càng nhiều các dự án BĐS quy mô, chất lượng. Hiện nay, một số dự án nhà ở chất lượng cao hướng đến khách hàng là doanh nhân, chuyên gia, người thu nhập cao cũng đã và đang xuất hiện tại Tân Uyên. Đây cũng chính là phân khúc còn nhiều dư địa để các chủ đầu tư hướng đến.
Đồng quan điểm, ông David Jackson - TGĐ Colliers Việt Nam cho rằng, các khu vực có chủ trương lên thành phố hay quận, ở giai đoạn đầu ngưỡng giá BĐS còn tương đối mềm nhưng khi hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá sẽ biến động rất lớn. Cùng với 3 thành phố hiện hữu, Tân Uyên là cái tên tiếp theo được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển trong tương lai. Các số liệu kinh tế cũng cho thấy, thu hút vốn FDI tính đến 2020 đã đạt gần 4 tỷ USD.
Trong cơ cấu kinh tế của địa phương, tỷ trọng công nghiệp đã chiếm đến hơn 70%, còn thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 27%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm trên 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 18%/năm, thu nhập bình quân đầu người tại Tân Uyên gấp 1,56 lần so với cả nước.
Cùng với đó, Tân Uyên đã phối hợp triển khai hàng loạt các công trình hạ tầng quan trọng, nổi bật là tuyến cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn với 10 làn xe, nâng cấp đường ĐT747B với lộ giới quy hoạch 74m, đường ĐT746 giúp kết nối hàng loạt khu công nghiệp ở Bình Phước, huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, TP. Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An với các cảng nước sâu, sân bay Long Thành.