MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 15/10, không phải là 'bình thường mới', TP.HCM sẽ tính toán trở về thời kỳ 'bình thường'

Sau 15/10, không phải là 'bình thường mới', TP.HCM sẽ tính toán trở về thời kỳ 'bình thường'

Ngày 9/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, nếu tình hình dịch bệnh tại TP HCM ổn định, sau ngày 15/10, thành phố sẽ sẽ tính toán thêm để trở về "bình thường”.

Trong chương trình "Dân hỏi thành phố trả lời" tối 8/10, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 8 ngày kể từ khi "mở cửa" trở lại, thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, song "không thể tiêu diệt ngay virus", thậm chí sau này sẽ có nhiều biến chủng khác. Do đó, chúng ta phải chấp nhận cùng sống và làm việc với tình trạng có dịch bệnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố đã có những bước chuẩn bị như tập trung vaccine cho các khu công nghiệp để hoạt động sau ngày 1/10 với tỷ lệ tiêm vaccine mũi hai cao. Hiện đã có gần 70% người dân trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm mũi hai.

Bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh: "Từ nay đến 15/10, nếu tình hình dịch bệnh ổn định thì thành phố sẽ tính toán mở thêm những bước gì tiếp theo để không còn phải nói "bình thường mới" mà là bình thường".

Ngân sách thành phố cũng đang khó khăn

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: "3 tháng qua không chỉ người dân, doanh nghiệp, mà cả chính quyền thành phố cũng khó khăn. Toàn bộ những dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh, dù đầu năm có tính toán nhưng không ai tiên lượng dịch bệnh phức tạp, xảy ra đến như thế này. Ngay cả ngân sách của thành phố cũng khó khăn".

Doanh nghiệp khó khăn sẽ được hỗ trợ thế nào?

Trước thắc mắc về kế hoạch hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó, theo bà Phan Thị Thắng, các doanh nghiệp phản ánh tại Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu các chính sách hỗ trợ, giảm, giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ...

Thành phố đã làm việc với hệ thống các ngân hàng để ban hành các thông tư 01, 03 và 14 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các doanh nghiệp đang vay vốn.

Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn cần liên hệ với các ngân hàng chính sách, các tổ chức hội đoàn ngay trên địa bàn đăng ký nhu cầu.

Theo kế hoạch của thành phố, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ được cho vay không quá 2 tỷ đồng, cá nhân không quá 100 triệu đồng. Còn các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… cũng sẽ được vay nhiều lần, nhưng tổng số lần vay không quá 100 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng.

Tiền doanh nghiệp phòng chống dịch sẽ được "hạch toán vào chi phí"?

Trước băn khoăn chi phí xét nghiệm quá cao, doanh nghiệp đang kiệt quệ không đủ kinh phí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, nỗi khổ này của doanh nghiệp là ‘có thật và hoàn toàn chia sẻ", đặc biệt trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp đã không còn đủ tiềm lực tài chính để tự bảo vệ cho người lao động, môi trường làm việc an toàn.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh: "Với tình hình khó khăn hiện nay của thành phố, thành phố không thể bao cấp cho doanh nghiệp được nữa, nên doanh nghiệp phải tự chủ động, sắp xếp theo tình hình thực tế.

Thời gian tới, rất có khả năng những chi phí phòng chống dịch mà doanh nghiệp bỏ ra sẽ được hạch toán vào chi phí".

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thông tin thêm, Chính phủ đang xây dựng nghị định theo hướng giúp cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Cụ thể, nghị định sẽ thực hiện giảm thuế TNDN 30% cho các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng, giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1/10 đến 31/12/2021 ở một số lĩnh vực, miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020 - 2021 cho doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020.

Riêng các hộ cá nhân kinh doanh cũng được miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và IV/2021 cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Sẽ không để việc đóng cửa tái diễn

Về chuỗi cung ứng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin: "Bình thường nhu cầu của người dân thích ăn cá hồi, đồ ăn sang hơn, nhưng trong thời gian qua thành phố chỉ đảm bảo đồ thiết yếu nhất, vì các tỉnh có dịch bệnh, nông dân không thu hoạch, chợ tại thành phố bị dừng nên đứt gãy.

Hiện nay thành phố dần dần khôi phục, tập trung tính toán, kết nối sở công thương các tỉnh với nhau, để tổ chức hội chợ, kết nối chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các tiểu thương kinh doanh chợ đầu mối bán vẫn chưa thoát khỏi tâm lý lo lắng thành phố có đóng cửa trở lại hay không, sau một thời gian được hoạt động trở lại. Vì vậy, thành phố kỳ vọng việc tổ chức sản xuất, mở cửa lưu thông hàng hóa sẽ được giữ nguyên chứ không phải hôm nay mở ngày mai đóng, khiến doanh nghiệp không thể ứng phó được.

Muốn vậy, thì người dân phải tuyệt đối nâng cao ý thức phòng chống dịch. Song song đó, thành phố tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine và phủ rộng mũi tiêm cho các người lao động tại các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa nhằm không để việc đóng cửa tái diễn".

Hồng Nhuận - Đặng Sơn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên