Sau 15 năm làm thuê cho Thế giới Di động, ông Trần Kinh Doanh rời công ty với khối tài sản trị giá ít nhất 1.200 tỷ đồng
Với những thành tích đạt được, ông Doanh cũng là người được MWG chi trả hậu hĩnh nhất, chỉ xếp sau Chủ tịch là ông Nguyễn Đức Tài. Cần nhấn mạnh, MWG là một trong số ít doanh nghiệp mạnh tay chia ESOP cho cán bộ chủ chốt, bất chấp những phản kháng từ nhà đầu tư.
Mới đây, ông Trần Kinh Doanh đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), tiếp nối động thái rút lui khỏi ban điều hành trực tiếp chuỗi Bách Hóa Xanh hồi tháng 1/2022. Là một trong những "tướng" chính trong dàn lãnh đạo cấp cao của MWG, việc ra đi của ông Doanh gây nhiều chú ý.
Được biết, ông Doanh tham gia MWG từ năm 2007, vị trí ban đầu là Phó Tổng Giám đốc Công ty. Đến năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc CTCP Thế giới Di động (chuỗi di động). Năm 2017, ông Doanh cũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Thế giới số Trần Anh (một trong những công ty được MWG mua lại cùng thời điểm).
Sang năm 2018, khi MWG tuyên bố dốc sức bước vào mảng FMCG với chuỗi Bách Hóa Xanh, ông Doanh được chọn là người cầm trịch trực tiếp. Xuyên suốt 6 năm xây dựng và phát triển, ông Doanh theo HĐQT MWG ghi nhận là đã hoàn thành sứ mệnh đưa Bách Hóa Xanh lọt vào:
(i) top 3 chuỗi bán lẻ chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng có doanh thu lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng;
(ii) trở thành kênh bán lẻ online chuyên về thực phẩm;
(iii) và hàng tiêu dùng duy nhất lọt Top 10 website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam;
(iv) đặc biệt chuỗi đã đạt điểm hòa vốn EBITDA ở cấp độ toàn Công ty trong năm 2021.
Phủ sóng chóng mặt tương tự chuỗi điện máy và điện thoại, Bách Hóa Xanh chỉ từ 47 cửa hàng vào năm 2016 hiện đã đạt 2.106 cửa hàng đến cuối năm 2021, tức đạt mức tăng 45 lần chỉ sau 5 năm.
Tương ứng, doanh thu chuỗi cũng tăng hơn 113 lần từ mức ban đầu là 249 tỷ đồng vào năm 2016. Kết thúc năm 2021, Bách Hóa Xanh đạt doanh số hơn 28.200 tỷ đồng – tăng 33% so với 2020 và chính thức vượt mốc 1 tỷ USD.
Với những thành tích đạt được, ông Doanh cũng là người được MWG chi trả hậu hĩnh nhất, chỉ xếp sau Chủ tịch là ông Nguyễn Đức Tài. Cần nhấn mạnh, MWG là một trong số ít doanh nghiệp mạnh tay chia ESOP cho cán bộ chủ chốt, bất chấp những phản kháng từ nhà đầu tư.
Theo báo cáo quản trị tính đến 27/1/2022, ông Doanh đang sở hữu 7,728 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 1,084% vốn. Trên thị trường, MWG chốt phiên hôm nay 1/4/2022 với giá trần 156.000 đồng/cp, tương đương sổ cổ phiếu của ông Doanh trị giá 1.205,6 tỷ đồng.
Điểm qua một số thành viên còn lại, đáng chú ý có ông Trần Huy Thành Tùng – người được chọn thay thế ông Trần Kinh Doanh thời gian tới – hiện cũng nắm lượng lớn cổ phần với 5,316 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 830 tỷ đồng (tính theo thị giá). Sở hữu lượng tương tự là ông Điêu Chính Hải Triều với 5,715 triệu cổ phần.
Ông Trần Huy Thanh Tùng và ông Điêu Chính Hải Triều cùng với ông Nguyễn Đức Tài hiện là 3 trong số 5 thành viên sáng lập vẫn tiếp tục điều hành công ty.
Những thành viên ban điều hành khác đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn có thể kể đến như ông Đoàn Văn Hiểu Em – người dẫn dắt tăng trưởng chính cho chuỗi điện máy và điện thoại – đang có 1,79 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 279 tỷ đồng hay Giám đốc nhân sự Đặng Minh Lượm cũng sở hữu 1,7 triệu cổ phiếu.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị