Sau 2 phiên giảm sâu, vốn hóa HoSE mất hơn 200.000 tỷ đồng
Theo dữ liệu từ HoSE, trong 2 phiên giao dịch gần nhất, vốn hóa HoSE đã "bốc hơi" tổng cộng 203.177 tỷ đồng (8,8 tỷ USD) so với thời điểm VN-Index lập đỉnh 1.374 điểm vào cuối tuần trước. Riêng phiên giao dịch 8/6, vốn hóa HoSE giảm thêm 145.768 tỷ đồng (6,3 tỷ USD).
Sau chuỗi tăng điểm kéo dài, TTCK Việt Nam đã đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh trong 2 phiên giao dịch gần đây khi mất tổng cộng hơn 54 điểm (gần 4%) và hiện đã về dưới 1.320 điểm. Trong đó, phiên giao dịch 8/6 ghi nhận mức giảm mạnh nhất Châu Á khi chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 38,9 điểm (-2,86%).
Theo dữ liệu từ HoSE, trong 2 phiên giao dịch gần nhất, vốn hóa HoSE đã "bốc hơi" tổng cộng 203.177 tỷ đồng (8,8 tỷ USD) so với thời điểm VN-Index lập đỉnh 1.374 điểm vào cuối tuần trước. Riêng phiên giao dịch 8/6, vốn hóa HoSE giảm thêm 145.768 tỷ đồng (6,3 tỷ USD).
Thống kê 15 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới thị trường phiên 8/6 gồm có HPG, CTG, VCB, VIC, TCB, GVR, BID, MBB, ACB, GAS, VRE, STB, HDB, NVL, BID khi khiến VN-Index mất 28,37 điểm trên tổng mức giảm 38,9 điểm. Trong đó, HPG là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất khi "đóng góp" 3,21 điểm vào mức giảm của VN-Index.
Áp lực điều chỉnh của thị trường diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư đã có lãi tương đối lớn từ đầu năm tới nay và tâm lý chốt lời luôn thường trực.
Mới đây, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN đã lên tiếng cảnh báo TTCK Việt Nam dù đang tăng trưởng thuận lợi nhưng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
Cũng theo tiết lộ từ Phó Chủ tịch UBCKNN, tính tới ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021.
Bên cạnh đó, việc các thị trường khu vực cũng đồng loạt điều chỉnh trong 2 phiên gần đây cùng việc khối ngoại không ngừng bán ròng ít nhiều đã tác động tới tâm lý giới đầu tư trong nước. Ngoài ra, tình trạng nghẽn lệnh nghiêm trọng, không thể hủy/sửa lệnh tại HOSE khiến nhà đầu tư có xu hướng đặt lệnh bán MP, càng khiến thị trường dễ dàng giảm sâu.
VN-Index giảm mạnh nhất Châu Á phiên 8/6
Dù thị trường đang bước vào nhịp điều chỉnh, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nhịp điều chỉnh này là tích cực để "hạ nhiệt" thị trường. Với P/E trailing hiện khoảng 18,5, VN-Index đang được các tổ chức đánh giá hấp dẫn so với mặt bằng khu vực nhờ triển vọng tăng trưởng tích cực. Mới đây, CTCK VNDIRECT đã nâng dự phóng tăng trưởng EPS năm 2021 cho các công ty niêm yết trên sàn HOSE lên mức 30% từ mốc dự báo tăng trưởng cũ ở mức 23%.