MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 4 năm triệt để xử lý "ma trận" sở hữu chéo, hệ thống mía đường Thành Thành Công hiện giờ ra sao?

20-09-2017 - 16:24 PM | Doanh nghiệp

Việc huy động hàng chục công ty liên quan tham gia vào quá trình thâu tóm các công ty mía đường đã giúp Thành Thành Công có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong ngành. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến hệ quả là dẫn đến tình trạng sở hữu chéo chằng chịt giữa các công ty trong suốt một thời gian dài.

Ra đời từ những năm 1979 với ngành nghề kinh doanh ban đầu là chuyên sản xuất kinh doanh cồn, Thành Thành Công (TTC Group) của gia đình ông Đặng Văn Thành đến nay đã trở thành một Tập đoàn đầu tư có quy mô tài sản xấp xỉ 2 tỷ USD.

TTC Group với hàng chục công ty thành viên hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như Bất động sản, Du lịch, Năng lượng, Giáo dục, Mía đường và nông sản. Tuy vậy mía đường vẫn lĩnh vực chủ lực cũng như là mảng kinh doanh mà TTC có ảnh hướng lớn nhất trong ngành.

Từ một doanh nghiệp chuyên về kinh doanh đường, Thành Thành Công đã thâu tóm một loạt các công mía đường lớn nhỏ như Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, mía đường Tây Ninh và mới nhất là mua lại HAGL Sugar.


Ma trận sở hữu chéo của nhóm công ty mía đường Thành Thành Công cách đây 4 năm

"Ma trận" sở hữu chéo của nhóm công ty mía đường Thành Thành Công cách đây 4 năm

Cho đến năm 2013, cấu trúc sở hữu mảng mía đường trong hệ thống của TTC rất phức tạp, các công ty sở hữu chéo qua lại như một “ma trận”. Việc sở hữu chéo phức tạp và phân mảnh khiến cho việc điều phối hoạt động cũng như quản trị gặp ít nhiều khó khăn.

Và phải mất đến 4 năm với hàng loạt các thương vụ sáp nhập, TTC mới cơ bản giải quyết được tình trạng sở hữu chéo của nhóm các công ty mía đường, tập trung về một đầu mối quản lý cao nhất là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh –TTC Tây Ninh (mã chứng khoán SBT), nguyên là công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh.

Quá trình tái cấu trúc được bắt đầu với việc sáp nhập Đường Ninh Hòa vào Đường Biên Hòa và sáp nhập Mía đường Nhiệt điện Gia Lai vào TTC Tây Ninh. Đến tháng 8/2017, Đường Biên Hòa hoàn thành sáp nhập vào TTC Tây Ninh. Hiện tại, TTC Tây Ninh trở thành công ty mía đường lớn nhất nước với 30% thị phần, vốn hóa thị trường đạt hơn 15.000 tỷ đồng.


Kết quả sau khi sáp nhập Đường Biên Hòa thành công ty con của TTC Tây Ninh

Kết quả sau khi sáp nhập Đường Biên Hòa thành công ty con của TTC Tây Ninh

Cùng với mía đường, TTC cũng tích cực xử lý sở hữu chéo tại các mảng kinh doanh khác. Một thương vụ lớn khác đã hoàn tất trong năm 2017 là tăng vốn và đưa CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality – mã VNG) trở thành đầu mối sở hữu các công ty trong mảng du lịch, lữ hành.

Một số nhận định cho rằng, kế hoạch sáp nhập giữa TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa đã được TTC toan tính từ rất sớm nhưng đã bị chậm trễ khi ông Đặng Văn Thành bị buộc phải rời Sacombank hồi năm 2013.

Nhiều phân tích cho rằng, các hoạt động M&A trong ngành đường của gia đình ông Đặng Văn Thành trong những năm gần đây là rất hợp lý, dẫn dắt quá trình tái cơ cấu ngành mía đường tại Việt Nam. Tuy vậy, tham vọng của TTC cũng đứng trước những khó khăn đặc thù của ngành. Chưa kể để thực hiện được tham vọng, TTC cũng phải chấp nhận đặt cược lớn bằng việc nợ tăng lên.

Cho đến thời điểm này, TTC cho biết Tập đoàn đang vốn điều lệ 12.765 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 16.231 tỉ đồng, tổng tài sản 43.557 tỉ đồng. Dù TTC không công bố số nợ vay, nhưng dựa theo sự chênh lệch lớn giữa tổng tài sản và vốn chủ sở hữu có thể thấy tỷ lệ đòn sử dụng đòn bẫy tài chính của TTC là rất lớn. Báo cáo tài chính công bố gần đây của các đơn vị thành viên cũng đang cho thấy tình hình thanh khoản đã tới ngưỡng “căng thẳng” bởi tăng quy mô quá nhanh.

Nguyên Trực

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên