MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau "bài học tháng Giêng", nhà đầu tư nên hành động thế nào trong phần còn lại của năm 2022?

06-02-2022 - 10:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau "bài học tháng Giêng", nhà đầu tư nên hành động thế nào trong phần còn lại của năm 2022?

"Trở thành một nhà đầu tư giá trị rất cần sự kiên nhẫn. Không loại trừ việc bạn là người biệt lập dù trong các bữa tiệc đông người".

Các nhà đầu tư đang phải đấu tranh với chính bản thân mình để định vị lại danh mục đầu tư trước môi trường lãi suất không còn siêu thấp nữa, khi mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell, đang ‘mài dũa móng vuốt’ chuẩn bị cho một cuộc chiến mới: Chống lạm phát.

Một vấn đề xuất hiện trong bối cảnh này, đó là xu hướng ‘diều hâu’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ đang làm ‘chảy máu’ thị trường chứng khoán. Điều này xảy ra một năm rưỡi sau khi một lượng tiền lớn chưa từng có – đến từ các chính sách tài khóa và tiền tệ với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế chống lại sự suy thoái do Covid-19 - đổ vào cổ phiếu.

Có vẻ như những chuỗi ngày ăn mừng những thành công từ công cuộc chống Covid-19 đang trôi qua nhanh. Công nhân Mỹ đang bỏ việc hàng loạt để tìm kiếm mức lương cao hơn, trong khi lạm phát đang tăng với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi bài hát "Physical" của Olivia Newton-John thống trị các làn sóng phát sóng. Giờ đây, Fed đang gấp rút bắt kịp tình hình mới và cố gắng để ngăn chặn việc giá tăng quá cao ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Các nhà đầu tư đang rất lo lắng về những động thái của Fed. Với việc kết thúc việc mua trái phiếu nới lỏng định lượng (QE), thị trường đã ấn định thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm quy mô nắm giữ lượng trái phiếu khổng lồ mà họ đã mua vào, trong một quá trình được gọi là thắt chặt định lượng (QT). Tiếp đến sẽ là sự hồi hộp chờ đợi xem Fed sẽ nâng lãi suất nhiều như thế nào trong năm 2022.

Patrick Kaser, giám đốc danh mục đầu tư của Brandywine Global cho biết: "Thách thức lớn nhất trong môi trường chúng ta đang ở hiện nay là các nhà đầu tư muốn có một dự báo chính xác rằng chúng ta đang hướng đến điều gì?", và "Cách bảo vệ tốt nhất hiện tại là thừa nhận rằng một loạt các tác động có thể xảy ra."

‘Bài học’ của tháng Giêng

Ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022 chứng kiến ​​chỉ số S&P 500 đạt mức cao nhất mọi thời đại, là 4.800 điểm, nhưng kể từ đó đã liên tiếp lao dốc, để tính cả tháng 1/2022 mất 5,3%, trong đó có 6 phiên giảm từ 1% trở lên, đánh dấu sự biến động mạnh trở lại,

Những động thái lớn trong tháng vừa qua có thể là một dấu hiệu của những điều sắp xảy ra. Đã có 8 lần kể từ năm 1945 khi thị trường chứng khoán được hưởng cái gọi là ‘cuộc biểu tình của ông già Noel’ — mức tăng lớn trong tuần cuối cùng của năm — tiếp theo là bán tháo trong năm ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, dẫn đến sự sụt giảm trong tháng 1. Trong những trường hợp đó, S&P 500 cả năm đã giảm trung bình 9,6%.

Sự bi quan của thị trường bắt đầu sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC – bộ phận hoạch định chính sách của Fed) được công bố. Biên bản cho thấy các quan chức Fed không chỉ xem xét vấn đề tăng lãi suất và kết thúc QE nhanh hơn dự kiến ​​mà còn xem xét thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed bằng cách bán bớt một số tài sản mà Fed đã tích lũy được. Nếu QE được định nghĩa (một phần) là Fed mua trái phiếu, thì việc Fed bán bớt trái phiếu đó phải được gọi là thắt chặt định lượng.

Biên bản của FOMC được công bố vào chiều ngày 5 tháng 1, và chỉ số S&P 500 đã giảm gần 2% trong ngày hôm đó. Đến ngày 24 tháng 1, S&P 500 đã đi vào vùng điều chỉnh. Song chừng đó biến động đã khiến mọi người kinh sợ.

David Frederick, giám đốc phụ trách tư vấn của First Bank cho biết: "Tôi nghĩ rằng nếu Fed tiếp tục theo đuổi thái độ ‘diều hâu’ thì điều đó sẽ khiến chúng ta đi theo hướng suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp có thể bắt đầu tăng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc nhận vốn từ các ngân hàng".

Các nhiệm vụ ‘tréo ngoe’ của Fed

Fed có hai nhiệm vụ — được gọi là nhiệm vụ kép — do Quốc hội giao: Giữ ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm. Mặc dù việc Fed chấm dứt mua trái phiếu và tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể là hoàn toàn phù hợp, nhưng một số người tham gia thị trường cho rằng ngân hàng trung ương không nên quá đà và hy sinh tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Tom Graff, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định của Brown Advisory, cho biết: "Các nhà giao dịch trái phiếu đều cho rằng sau một số lần tăng lãi suất tương đối nhỏ, nền kinh tế sẽ chậm lại đáng kể, ít nhất là đủ để lạm phát hạ nhiệt, và Fed sẽ ngừng tăng lãi suất".

Đó là lý do tại sao lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giảm bất chấp lạm phát cao ngất trời. Mặc dù tăng trưởng có thể đã trở nên mạnh mẽ khi nhiều tiền được bơm vào hệ thống, nền kinh tế sẽ quay trở lại mức tăng trưởng từ thấp đến trung bình như trước đại dịch nhờ các động lực kinh điển, chẳng hạn như lực lượng lao động có kinh nghiệm, toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ.

Fed cho rằng họ có thể chuyển sang chính sách ‘diều hâu’ vì thị trường việc làm đã được cải thiện rất nhiều kể từ đợt bùng phát đại dịch ban đầu. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9% và tiền lương đang tăng lên - mặc dù không bằng lạm phát.

Đồng thời, các số liệu khác cho thấy cần phải có thêm nhiều việc làm hơn. Số việc làm hiện tại còn thấp hơn 3,5 triệu người so với tháng 2/2020 và có gần 11 triệu việc đang tìm người. Trong khi nhiều người Mỹ đang cân nhắc lại các ưu tiên của họ, chẳng hạn như ngại đi làm vì các vấn đề sức khỏe, lựa chọn nơi có mức lương cao hơn…, thị trường lao động lúc này không còn như trước đây nữa.

Những sự khác biệt giữa hiện tại và quá khứ đó có thể là lý do khiến Fed không hành động tích cực như nhiều người dự đoán. Theo một nghĩa nào đó, Fed bị kẹt ở giữa với 2 nhiệm vụ của mình: Thắt chặt quá nhiều thì sẽ không thể tối đa hóa việc làm.

Trong tương lai, cam kết của Fed về một chính sách tiền tệ bình thường hơn sẽ được thử nghiệm nếu lạm phát giảm và dữ liệu việc làm xấu đi.

Bạn nên định vị danh mục đầu tư của mình như thế nào?

Các nhà đầu tư thông thường cần phải tin tưởng rằng năm 2022 sẽ khác với giai đoạn bùng nổ sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19.

"Đây là một sự khởi động lại, không phải là một sự phục hồi điển hình," BlackRock gần đây nhận định. "Lạm phát được thúc đẩy bởi những hạn chế về nguồn cung cùng với sự thay đổi lớn của nhu cầu trong thời kỳ đại dịch, chứ không phải do nền kinh tế phát triển quá nóng, vì vậy biện pháp chính sách truyền thống không được áp dụng. Chúng tôi nghĩ rằng Fed cuối cùng sẽ lùi bước nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng cho một ‘chuyến đi gập ghềnh’ trên thị trường. "

Dưới đây là một số lời khuyên khôn ngoan khi bạn chuẩn bị bước vào môi trường thị trường mới:

Tiếp tục những gì đang làm

Ngay cả khi Fed thắt chặt mạnh mẽ, điều đó không nhất thiết có nghĩa là cổ phiếu sẽ giảm.

Theo Datatrek, trong 3 năm Fed tăng lãi suất từ ​​5 lần trở lên (một số nhà phân tích cho rằng năm nay tăng 5 lần) thì các nhà đầu tư hầu như không bị thua lỗ. Năm tồi tệ nhất là vào 1994, khi S&P 500 mang lại tổng lợi nhuận là 1,3% - không cao nhưng cũng không bị lỗ thê thảm. Hai năm còn lại - 2004 và 2005 - có tổng lợi nhuận lần lượt là 10,4% và 4,8%.

Vấn đề là, dường như có rất ít lựa chọn tối ưu. Với lạm phát gia tăng, trái phiếu có thể sẽ lỗ trên cơ sở thực tế, như đã xảy ra vào năm 2021. Trong khi đó, tiền mặt sẽ mất giá do chi phí gia tăng. Các cổ phiếu tăng trưởng và vốn hóa nhỏ đang gặp nhiều khó khăn lớn.

Gạt tất cả những điều này sang một bên, bài học lớn hơn là không nên thay đổi toàn bộ kế hoạch dựa trên những mối quan tâm ngắn hạn.

Đây không phải là thời điểm để Buy the Dip (tranh thủ mua khi giá giảm)

Các công ty tăng trưởng mạnh đã trở thành chủ đề chính trong những năm gần đây (honk, honk, Tesla), nhưng họ có thể sẽ gặp khó khăn. Đó là bởi vì các công ty đó có bội số cao — giá cổ phiếu giao dịch vượt quá lợi nhuận trong tương lai — sẽ có nhu cầu ít hơn khi lãi suất tăng và thanh khoản cạn kiệt. Tính đến thời điểm hiện tại, Tesla đã giảm 11%.

John Lynch, Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, cho biết: "Thời hạn dài hơn, tỷ suất lợi nhuận thấp và các phương tiện đầu tư tăng trưởng định giá cao chịu nhiều áp lực nhất, vì chúng phụ thuộc vào lãi suất gần bằng 0 trong vài năm qua". "Họ đã dẫn dắt thị trường đi lên trong thời gian đó, nhưng trong những tuần gần đây họ lại dẫn đầu thị trường trong nhóm cổ phiếu giảm điểm."

Các nhà đầu tư có thể cũng nên tránh rủi ro nếu một biến thể mới xuất hiện đẩy khó khăn lên đến đỉnh điểm, khiến người tiêu dùng rút lui khỏi các thị trường, hoặc nếu tình hình Nga / Ukraine bùng phát thành xung đột quốc tế liên quan đến Mỹ.

Kiểm tra giá trị của những cổ phiếu chưa tỏa sáng

Sau hơn một thập kỷ các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao thống trị thị trường nhờ những khoản tiền dễ dàng từ các chương trình kích thích, cuối cùng có thể đã đến lúc các cổ phiếu có giá trị nhưng bấy lâu nay bị đánh giá thấp sẽ tỏa sáng.

"Các nhà đầu tư ngày càng mong muốn xem xét lại các lĩnh vực có giá trị, như năng lượng, công nghiệp, vật liệu và tài chính, và tăng cường tiếp xúc với cổ phiếu của các lĩnh vực này," Nigel Green, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập của deVere Group cho biết. "Cổ phiếu công nghệ hiện có mức giá rất cao, nhưng chưa chắc tương xứng với sự tăng trưởng của doanh nghiệp và có thể đã bị định giá quá mức".

Bạn cũng nên xem xét cổ phiếu của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, nơi bạn có thể tìm thấy các công ty đang giao dịch với giá tương đối rẻ, ông Kaser khuyên. Nhưng ngay cả môi trường này cũng đòi hỏi phải có niềm tin, nghĩa là mua và giữ lại bất chấp những biến động sắp xảy ra, bởi đầu tư vào những lĩnh vực đó chắc chắn sẽ không ‘hào nhoáng’ bằng những lĩnh vực mới mẻ.

Tóm lại, ông Kaser cho rằng: "Trở thành một nhà đầu tư giá trị rất cần sự kiên nhẫn. Không loại trừ việc bạn là người biệt lập dù trong các bữa tiệc đông người".

Tham khảo: Forbes

https://cafef.vn/sau-bai-hoc-thang-gieng-nha-dau-tu-nen-hanh-dong-the-nao-trong-phan-con-lai-cua-nam-2022-20220205233201591.chn

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên