MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau bài viết "Vì sao người Việt mãi nghèo", Phó Tổng giám đốc FPT lại phân tích "Nhất định đất nước ta sẽ giàu"

22-08-2016 - 18:59 PM | Sống

Ông Đỗ Cao Bảo khẳng định, người Việt tuy có 4 điểm yếu cố hữu nhưng ông không bi quan, thậm chí rất lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc. "Người đàn ông quyền lực" của FPT tiếp tục phân tích những cơ sở để tin tưởng sâu sắc rằng đất nước sẽ thịnh vượng.

Sau loạt bài viết "gây bão" trên mạng xã hội, chỉ ra 4 điểm yếu cố hữu của người Việt, Phó Tổng giám đốc FPT chia sẻ, ông nhận được nhiều ý kiến đồng quan điểm. Rất nhiều bạn trẻ thấy bản thân cần tự thay đổi để hạn chế điểm yếu. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại: "Viết về điểm yếu của người Việt làm một số bi quan và nản".

Đáp lại, Đỗ Cao Bảo cho hay: "Tôi rất lạc quan và luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, của đất nước Việt Nam thân yêu. Tôi tin tưởng sâu sắc, nhất định đất nước ta sẽ giàu, sẽ đuổi kịp Thái Lan, sẽ vượt Philippines trong một thời gian không xa nữa".

Sau khi liệt kê 5 cơ sở để tin tưởng vào một tương lai phồn thịnh của đất nước, ông Đỗ Cao Bảo phân tích cụ thể từng ý. Nếu như trước đây, ông cho rằng, người Việt lười biếng, dễ hài lòng, tư duy xó bếp... thì nay, ông chỉ ra, con cháu Rồng Tiên có nhiều ưu điểm tác động lớn đến phát triển kinh tế.

Cụ thể, người Việt yêu quê hương đất nước; kiên cường, bất khuất trước xâm lược, cường quyền; đoàn kết rất cao khi gặp khó khăn, nhất là khi ở hoàn cảnh ngặt nghèo; có lòng tự hào, tự tôn dân tộc; thông minh, sáng dạ, học nhanh, nhất là công nghệ mới; ham học, bố mẹ đầu tư mạnh mẽ cho việc học tập của con cái; thân thiện và mến khách.

Ông khẳng định, nếu biết phát huy những ưu điểm trên, người Việt sẽ tạo thành sức mạnh, năng lực cạnh tranh quốc tế, giúp nâng cao năng suất lao động, sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Từ đó sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Trước một số ý kiến cho rằng, không phải lý luận lòng vòng, lời giải để thoát nghèo rất đơn giản: "Chỉ cần học Mỹ và phương Tây là xong" hoặc "Cứ làm theo Nhật, Hàn là đất nước sẽ giàu", Phó Tổng giám đốc FPT đưa ra ví dụ, ai trong chúng ta cũng từng đi học và đều chứng kiến thực tế là cùng một chương trình, nội dung học, cùng thầy cô giáo và cùng cả điều kiện học nhưng người học giỏi, thi đỗ, kẻ học kém thi trượt. Tại sao vậy?

Đơn giản là tố chất, thể chất hay nội lực và nền tảng kiến thức của mỗi người không giống nhau, nên khả năng hiểu, tiếp nhận kiến thức cũng khác nhau.

Ủy viên của hội đồng quản trị tập đoàn FPT tiếp tục phân tích: Có thể nhiều bạn cho rằng tố chất chúng ta tương đương họ, bằng chứng là khi làm cùng chúng ta không hề thua kém đồng nghiệp Âu, Mỹ. Xin thưa là bạn nào đã làm cùng hãng với đồng nghiệp Âu, Mỹ thì bạn đã thuộc nhóm người tiên tiến của dân tộc Việt.

Còn đồng nghiệp Âu Mỹ của bạn chỉ thuộc nhóm người trung bình của dân tộc họ mà thôi. So sánh như vậy là không ngang bằng. Ngay cả việc công nhận tố chất chúng ta và họ ngang bằng nhau thì hiển nhiên là văn hoá và dân trí của chúng ta kém và kém rất xa họ.

Đỗ Cao Bảo kết luận: Muốn học họ, muốn làm như họ đã làm, ít nhất chúng ta phải có nền tảng dân trí, văn hoá gần ngang bằng họ. Ông cũng đưa ra lời giải Nâng cao dân trí - Khắc phục điểm yếu cố hữu của người Việt với 6 nội dung và phân tích cụ thể.

Theo Đỗ Cao Bảo, người Việt cần nhận thức rõ những điểm yếu cố hữu đã làm cản làm trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, xây dựng hệ thống triết học, đưa hoạt động sản xuất, thương mại, doanh nghiệp, doanh nhân thành trọng tâm của xã hội. Xác định đúng giá trị của tiền bạc, người tài và cách sử dụng người tài. Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu quốc tế kể cả tham quan học tập ở nước ngoài, du học nước ngoài

Ông cũng cho rằng, toàn cầu hoá là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao dân trí và phát triển kinh tế đất nước.

"Chúng ta coi Toàn cầu hoá là chiến lược phát triển kinh tế quan trọng nhất. Toàn cầu hoá vừa để kiếm ngoại tệ, làm giàu cho đất nước, vừa là là biện pháp tốt nhất để nâng cao dân trí. Trong quá trình đi làm việc, hoạt động thương mại ở nước ngoài, người Việt không chỉ làm giàu mà còn tiếp cận cách tư duy, suy nghĩ, cách làm, nhìn nhận thế giới, nhận thức điểm yếu, học hỏi cái hay của các dân tộc khác" - Đỗ Cao Bảo chia sẻ.

Đối với việc Học tập các điểm hay của dân tộc khác, Phó Tổng giám đốc FPT lấy Hàn Quốc làm ví dụ. Ông cho rằng, người Việt cần dùng hàng Việt. Đồng thời, xây dựng tính kỷ luật và chuyên nghiệp trong lao động, tôn trọng và tuân thủ các quy định của luật pháp, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, coi trọng tính hệ thống, không khuyến khích tính lanh trí, khôn lỏi trong xử lý các vấn đề chính yếu.

Đưa ra lời giải cho bài toán khó - "Vì sao người Việt mãi nghèo" và phân tích cụ thể từng yếu tố song Đỗ Cao Bảo cho rằng, những điều này chỉ dừng ở mức ý tưởng.

Nếu nhiều người Việt Nam nhận thức ra, nhiều người đồng tình, chia sẻ, đặc biệt là quyết tâm thay đổi chính mình thì ông tin tưởng, tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng, tốc độ phát triển kinh tế của đất nước sẽ tăng trưởng nhanh hơn.

"Chúng ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, thế mà 15 năm qua tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã cao nhất khu vực Asean, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể, nếu chúng ta cùng đồng lòng, tự nhận thức, tự hành động thay đổi chính mình để NÂNG CAO DÂN TRÍ của chính mình, của gia đình mình, của người thân mình, của bạn bè, đồng nghiệp mình thì tôi tin tưởng sâu sắc rằng NHẤT ĐỊNH VIỆT NAM SẼ THỊNH VƯỢNG".

Tiểu Uyên - Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên