MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau Brexit và Trump, chủ nghĩa dân túy sẽ lan rộng ở châu Âu?

18-11-2016 - 08:45 AM | Tài chính quốc tế

Từ Ý, Áo, Hà Lan đến Pháp và Đức, thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo đến nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó có thể dự đoán.

Năm 2016, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy. Đầu tiên là ở Anh, cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 đã gây sốc cho toàn thế giới sau khi người dân xứ sở sương mù chọn rời Liên minh châu Âu thay vì ở lại dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế. Gần 5 tháng sau, đến lượt các cử tri Mỹ bất ngờ chọn Donald Trump làm Tổng thống.

Làn sóng ấy không dừng lại mà đang chuẩn bị tấn công vào các thành trì châu Âu. Từ Ý, Áo, Hà Lan đến Pháp và Đức, thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề từ chênh lệch giàu nghèo đến nhâp cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó có thể dự đoán.

Nói như Bob Janjuah, chuyên gia đến từ tập đoàn Nomura, thế giới bắt đầu nhận ra rằng các cuộc thăm dò ý kiến luôn đánh giá thấp các ứng viên đi theo chủ nghĩa dân túy.

Bloomberg thống kê lại những chiến thắng vừa qua của chủ nghĩa dân túy và dự báo về những thách thức mà thế giới sẽ phải đối mặt trong 10 tháng tới.

Brexit

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 trong đó người Anh lựa chọn con đường rời khỏi Liên minh châu Âu là một khoảnh khắc lịch sử, bởi các cử tri đã mạnh dạn rũ bỏ sự ổn định và đi ngược lại với lời cảnh báo của các định chế toàn cầu từ IMF đến NATO. Kết quả là cho đến nay Thủ tướng Theresa May vẫn chưa thể vạch ra kế hoạch cụ thể dù đã nhậm chức được 4 tháng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Nigel Farage – lãnh đạo đảng UKIP và là “kiến trúc sư” của cuộc trưng cầu dân ý Brexit – đã nói rằng “cuộc cách mạng sẽ tiếp diễn”. Farage tin rằng liên minh giữa các doanh nghiệp lớn, ngân hàng lớn và các chính trị gia đang đi đến hồi kết.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Italy

Chưa đầy 1 tháng nữa, thế giới sẽ phải trải qua “bài kiểm tra” đầu tiên. Ngày 4/12, người dân Italy sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp mà Thủ tướng Matteo Renzi cho là sẽ giúp Chính phủ trở nên ổn định hơn và có cơ cấu tổ chức hợp lý hơn.

Ông Renzi cam kết sẽ từ chức nếu thua cuộc, do đó cũng có thể coi đây là cuộc trưng cầu dân ý về chiếc ghế Thủ tướng của ông. Các cuộc thăm dò dự luận cho thấy ông Renzi sẽ thắng nhưng với khoảng cách rất hẹp, đồng nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào 5 sao (là phong trào chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống của xã hội).


Ông Matteo Renzi. Ảnh: Bloomberg.

Ông Matteo Renzi. Ảnh: Bloomberg.

Cuộc trưng cầu dân ý này còn có thể châm ngòi cho nhiều cuộc bầu cử sớm nổ ra trên toàn châu Âu. Nhiều quốc gia chiếm hơn 75% GDP khu vực eurozone sẽ chuyển giao quyền lực trong cùng 1 năm.

Trên trang blog cá nhân, Beppe Grillo – nhà đồng sáng lập của phong trào 5 sao, gọi chiến thắng của Trump là “không thể tin nổi”. “Đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới, là khúc khải huyền vén màn bí mật của giới truyền thông, truyền hình, các tờ báo lớn và của giới trí thức”. Phong trào 5 sao hiện cũng hoạt động ở Rome và Turin, kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc Italy rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta phát biểu trên tờ La Stampa rằng các quan chức được bầu cần phải cải cách mối quan hệ với các cử tri cũng như thứ mà ông gọi là “mô hình Clinton” mà trong đó các chính trị gia có “sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ”.

Áo

Cũng trong ngày 4/12, người Áo đi bỏ phiếu để chọn ra Tổng thống mới. Dù giống như nước láng giềng Đức, trên chính trường Áo quyền lực thực sự nằm trong tay Thủ tướng, cuộc bầu cử Tổng thống này cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý bởi nó có thể mang quyền lực đến cho lãnh đạo cánh hữu đầu tiên của một nước Tây Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Hồi tháng 5, ứng viên đến từ đảng Xanh Alexander Van der Bellen đã giành chiến thắng trước Norbert Hofer của đảng Tự do (là đảng chống nhập cư) nhưng với khoảng cách rất sít sao.

Đối với Thủ tướng Christian Kern, cuộc bầu cử Mỹ đem đến nhiều bài học. “Tôi đã bị thuyết phục rằng chiến trường sẽ rất khốc liệt, và đó là cuộc chiến mà chúng tôi phải thắng”, ông nói với các nhà báo ở Vienna.

Bầu cử ở Hà Lan


Geert Wilders lên Twitter chúc mừng Donald Trump.

Geert Wilders lên Twitter chúc mừng Donald Trump.

Người Hà Lan khởi động mùa bầu cử 2017 của châu Âu với cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 15/3. Hà Lan được coi là “phòng thí nghiệm” cho nền chính trị châu Âu bởi có tới 13 đảng muốn chen chân vào Quốc hội trong năm tới và ở đây xuất hiện nhiều liên minh đa đảng rất thiếu ổn định.

Geert Wilders, người lãnh đạo của đảng Tự do và là đảng chủ trương chống người Hồi giáo, viết trên Twitter: “Người dân đang lấy lại đât nước của mình, và chúng ta cũng sẽ như vậy”. Wilders muốn người Hà Lan sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tên “Nexit”.

Pháp

Các cử tri Pháp đã 2 lần ủng hộ đảng Mặt trận quốc gia ra tranh cử, hậu thuận cho cả cha và con nhà Le Pens. Brexit và chiến thắng của Trump cho thấy không có gì không thể xảy ra.

Trong bối cảnh ông Hollande trở thành vị Tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử nước Pháp và người tiền nhiệm của ông là Nicolas Sarkozy sẽ đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử, Marine Le Pen có nhiều cơ hội để chiến thắng.

Là lãnh đạo duy nhất của một đảng lớn của Pháp ủng hộ Donald Trump, bà Le Phen đã ngay lập tức chúc mừng Donald Trump sau chiến thắng bất ngờ của ông.

Đức

Với nền kinh tế hùng mạnh nhất ở châu Âu, Đức được cho là có sức kháng cự mạnh nhất trước chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào mùa thu năm sau sẽ cho thấy liệu nước Đức có đứng vững hay không.

Uy tín của Thủ tướng Angela Merkel – người đến nay vẫn chưa tuyên bố mình có ra tranh cử tiếp hay không – vừa qua đã sụt giảm mạnh do bà mở cửa đón người nhập cư và khiến nhiều người Đức bất bình.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên