Sau chuỗi tăng sốc 112% trong hơn 1 tuần giao dịch, một cổ phiếu ngành than ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp giảm sàn
Với hoạt động chính là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp và ủy thác than mỏ, các sản phẩm chế biến từ than, CLM được kỳ vọng hưởng lợi từ "cơn sốt" than toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế, cơn sốt giá than thế giới không tác động nhiều tới giá than trong nước.
Tăng sốc rồi lại giảm sâu đã không còn là điều hiếm thấy trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Những "hiện tượng lạ" này càng gây ngạc nhiên cũng như hiếu kỳ cho giới đầu tư khi xung quanh cổ phiếu và doanh nghiệp niêm yết không có quá nhiều thông tin đáng chú ý.
Ghi nhận trong phiên 12/11, cổ phiếu CLM của CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (Coalimex) đã có phiên thứ hai liên tiếp thị giá giảm hết biên độ, đóng cửa tại mức giá xanh "sàn" 36.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau hai phiên giao dịch, giá trị cổ phiếu CLM đã đánh mất tới 19%.
Ngay trước khi quay đầu giảm giá, cổ phiếu CLM đã gây chú ý khi có chuỗi 8 phiên liên tục tăng kịch trần từ ngày 29/9 đến 8/10/2021. Thị giá theo đó được đẩy cao thêm 112% chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch.
Về thanh khoản, trong quá trình tăng đột biến, thanh khoản của CLM - tương tự như nhiều trường hợp trước đó - vẫn ở mức lình xình với khoảng vài trăm đến 1.000 cổ phiếu được khớp lệnh/phiên, riêng trong phiên cuối tăng trần là 8/10 đã có gần 17.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
`Cổ phiếu CLM tăng phi mã 112% sau 8 phiên trước khi giảm sàn trong 2 phiên giao dịch gần nhất
Cổ phiếu tăng mạnh từ việc giá than thế giới tăng "phi mã"?
Yếu tố duy nhất có thể gây ra xu hướng tăng điểm mạnh của CLM được cho là sự leo thang của giá than trong thời gian qua trên toàn cầu. Tính đến cuối tháng 9/2021, giá than thế giới đã tăng tới 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm.
Diễn biến giá than thế giới (Nguồn: Tradingeconomics)
Theo đó, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa cũng như lo ngại về khả năng phục hồi các ngành sản xuất khai khoáng không thể theo kịp nhu cầu thế giới hậu COVID-19 đã đẩy giá than lên mức kỷ lục trong lịch sử 269,5 USD/tấn (ngày 5/10).
Với hoạt động chính là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp và ủy thác than mỏ, các sản phẩm chế biến từ than, CLM được kỳ vọng hưởng lợi từ "cơn sốt" than toàn cầu.
Tuy nhiên trên thực tế, cơn sốt giá than thế giới không tác động nhiều tới giá than trong nước. Theo SSI Research, giá than nội địa không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ 2 đơn vị được phép khai thác và bán than là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc. Theo đó, giá than chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3 - 4 năm/lần.
Trong năm 2021, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho EVN khi Chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh. SSI Research ước tính giá than năm 2021 dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Về phía nhập khẩu, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với thế giới, với mức tăng trung bình 83% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh hai chữ số so với cùng kỳ
Thông tin thêm về CLM, công ty bắt đầu chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2005 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Sau hai đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của CLM đạt 110 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang nắm quyền chi phối với 55,41% lượng cổ phần, tương ứng gần 6,1 triệu đơn vị.
Về tình hình kinh doanh, CLM ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực trong hai năm gần nhất là 2019 và 2020. Riêng trong năm 2020, công ty nhập khẩu 3,5 triệu tấn than để cung cấp cho các đơn vị trong nước, bên cạnh đó đã liên kết với TKV để pha trộn chế biến than cung cấp cho nhà máy điện. Theo đó, giá trị kim ngạch tương đương 240 triệu USD, giúp đẩy tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 38% và 24% so với thực hiện trong năm 2019, ghi nhận 7.489 tỷ đồng và hơn 46 tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, lãnh đạo CLM dự kiến kế hoạch nhập khẩu giảm đáng kể khi lượng than tồn kho còn cao trong khi nhu cầu chưa thể phục hồi nhanh và sẽ chỉ bắt đầu nhập khẩu từ tháng 6 nếu điều kiện cho phép. Kết quả, doanh thu nửa đầu năm ghi nhận sụt giảm 69% so với cùng kỳ, về mức 1.397 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, CLM ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 12 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
So sánh với kế hoạch đề ra trong năm 2021 là doanh thu 3.550 tỷ đồng và lợi nhuận 30 tỷ đồng, CLM mới chỉ hoàn thành khoảng 39% mục tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của CLM giảm 14% so với đầu năm về gần 1.040 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho giảm 14% xuống 296 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn mà chủ yếu là thu từ khách hàng cũng giảm 19% về mức 601 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm hơn 5,5 tỷ xuống mức 86,4 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 2/2021, CLM còn khoản vay tài chính ngắn hạn hơn 444 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản vay từ hai ngân hàng là Vietcombank (giá trị gốc vay 146 tỷ đồng) và VietinBank (giá trị gốc vay 194 tỷ đồng). Bên cạnh đó, công ty có 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 32 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Nguồn: BCTC bán niên 2021 của CLM
Bên cạnh đó, CLM được biết đến là một cổ phiếu duy trì tỷ lệ trả cổ tức cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp trong ngành. Trong tháng 6 vừa qua, CLM đã tiến hành chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Như vậy với 11 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty đã chi ra 22 tỷ đồng thực hiện quyền lợi cho cổ đông.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị