Sau khoán xe công, sẽ khoán cả nhà công vụ, điện thoại
Theo dự Luật Quản lý, Sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), không chỉ xe công, sắp tới còn khoán cả điện thoại, nhà công vụ...
- 31-10-2016Cần cụ thể hóa quy định khoán xe công
- 30-10-2016Khoán xe công: Phải tính được hiệu quả cụ thể thì mới làm đại trà
- 14-10-2016Chính phủ yêu cầu mở rộng diện khoán xe công
Theo quy định tại dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên, chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác. Ngoài xe công, còn khoán nhà công vụ, điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác.
So với Luật Tài sản Nhà nước năm 2008 có 6 chương 39 điều, dự thảo luật lần này lên tới 10 chương 137 điều, mở rộng phạm vi điều chỉnh các loại hình tài sản, nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, từ xe công, đường xá, thậm chí cả vùng trời, vùng biển, hay tần số vô tuyến điện, cũng thuộc diện quản lý của Tài sản Nhà nước.
Quy định chặt về bồi thường thiệt hại tài sản công
Sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Theo đó, quy định tại dự thảo về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)
Cụ thể, mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.
Riêng việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
"Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác", dự thảo Luật nêu rõ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước.
“Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, theo dự thảo.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Cần tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Minh bạch thông tin tài sản công
Trong báo cáo thẩm tra về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội sáng 31/10, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách lưu ý, cần phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội
Về nguyên tắc, theo ông Hải, tài sản công phục vụ công tác quản lý nhà nước được Nhà nước giao bằng hiện vật, hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc có tính chất ngân sách không được khai thác để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Trường hợp sử dụng tài sản công nhằm mục đích thương mại phải tuân thủ các quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với quy định về hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công trong Dự thảo luật. Việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin sẽ góp phần tạo lập kênh cung cấp thông tin tổng hợp quan trọng về tài sản công, đặc biệt là tổng nguồn lực tài sản công, làm cơ sở để các cơ quan nhà nước trong quá trình điều hành vĩ mô, điều hành ngân sách nhà nước, phục vụ Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện quyền giám sát của người dân, đề nghị cần bổ sung quy định về công khai, minh bạch thông tin về tài sản công (trừ những thông tin theo quy định về bí mật nhà nước) trên Cổng thông tin điện tử.
Theo Bộ Tài chính, hiện giá trị khai thác được từ Tài sản Nhà nước mỗi năm là gần 100.000 tỷ đồng. Nhưng với luật sửa đổi lần này, dự kiến tới năm 2020 con số đó sẽ tăng thêm hơn 20%. Ngoài ra, dự thảo cũng hướng tới giảm chi, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia khai thác đầu tư sử dụng hiệu quả tài sản công.
VOV