MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau kiểm toán nhiều doanh nghiệp lợi nhuận giảm 40-60%, thậm chí lỗ nặng hàng trăm tỷ

Đến đầu tháng 4/2020, một số doanh nghiệp công bố BCTC kiểm toán, ghi nhận đa số đều giảm mạnh lợi nhuận so với BCTC tự lập trước đó.

Tiếp diễn câu chuyện kinh doanh sau kiểm toán năm 2019, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng lãi, ngược lại vẫn không ít đơn vị tăng gấp bội khoản lỗ tự ghi nhận, thậm chí nhiều công ty còn chuyển từ lãi sang lỗ đến hàng trăm tỷ đồng.

Đến đầu tháng 4/2020, một số đơn vị công bố BCTC kiểm toán, ghi nhận đa số đều giảm mạnh lợi nhuận so với BCTC trước đó.

Mới đây nhất, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố BCTC kiểm toán năm 2019 với lợi nhuận ròng giảm 100 tỷ so với tự lập, xuống còn 8.214 tỷ đồng. Đây là kết quả của việc điều chỉnh doanh thu tài chính do lãi chênh lệch tỷ giá ghi giảm từ 440 tỷ đồng xuống còn 14 tỷ đồng, chi phí QLDN tăng thêm 88 tỷ đồng và lãi khác giảm từ 76 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 9 tỷ đồng do không còn ghi nhận 80 tỷ đồng hoàn nhập khấu hao các niên độ trước.

Đáng chú ý, CTCP Lilama 5 (LO5) công bố mức thua lỗ sau kiểm toán xấp xỉ đến 29 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với số lỗ gần 7 tỷ đồng tại báo cáo tự lập. Nguyên nhân do việc ghi nhận tăng giá trị đối với giá vốn hàng bán, trước kiểm toán Lilama 5 chưa kết chuyển giá vốn tương ứng với doanh thu của các công trình ghi nhận.

Đây không phải lần đầu của Lilama 5, khi nhiều năm trước đó liên tục phải giải trình do chênh lệch lớn giữa con số tự lập và kiểm toán. Lilama chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp… Lilama 5 đưa cổ phiếu lên sàn từ cuối năm 2009 và sau đó là chuỗi dài giảm mạnh, hiện cổ phiếu LO5 chỉ còn 1.300 đồng/cp, vốn hóa bốc hơi hơn 90%.

Tháng 4/2019, do lỗ mức lỗ cao Công ty bị đưa vào diện cảnh báo, Lilama 5 theo đó đưa ra giải pháp nhằm khắc phục bao gồm: Tích cực tìm kiếm việc làm, đấu thầu, mở rộng thị trường, tạo việc làm và tăng doanh thu; tiết giảm chi phí; thu hồi công nợ tồn đọng... Tuy nhiên đến nay tình hình kinh doanh vẫn khá èo uột.

Sau kiểm toán nhiều doanh nghiệp lợi nhuận giảm 40-60%, thậm chí lỗ nặng hàng trăm tỷ - Ảnh 1.

Tương tự, Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) vừa có văn bản giải trình lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán giảm đến 89% so với tự lập. Trong đó, LNST lũy kế năm 2019 của Công ty tại BCTC tự lập đạt 12 tỷ, con số này sau kiểm toán chỉ còn 1,4 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty đã trích lập bổ sung một số khoản phải thu và dự phòng khoản đầu tư vào đơn vị liên kết. Kết thúc năm 2019, KLF đạt doanh thu 1.830 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018 trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 tỷ đồng, giảm 88% so với năm 2018.

Một tên tuổi được quan tâm thời gian gầy đây, Transimex (TMS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm hơn 5%, do doanh thu hoạt động tài chính sau kiểm toán giảm 20% còn hơn 100 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics, không chỉ thanh khoản vốn tương đối tốt, tình hình kinh doanh của Transimex nhiều năm liền tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2017 doanh thu Công ty tăng đột biến lên mặt bằng mới, chủ yếu nhờ đóng góp từ Cảng ICD Transimex, Phòng Dịch vụ đại lý Dongjin, Phòng Hợp tác đại lý.

Ngày 27/3, Transimex đã ra thông báo cho biết trường hợp bệnh nhân số 150 mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố dương tính ngày 26/3/2020 là một nhân sự thuộc HĐQT Công ty. Tuy vậy thành viên HĐQT này hoàn toàn không trực tiếp điều hành công việc hàng ngày của Công ty, không làm việc thường xuyên tại Công ty, do vậy không tiếp xúc trực tiếp với nhân viên (ngoài một số CBNV có họp cùng).

Sau kiểm toán nhiều doanh nghiệp lợi nhuận giảm 40-60%, thậm chí lỗ nặng hàng trăm tỷ - Ảnh 2.

CTCP X20 (X20) cũng vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán với mức lãi ròng chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, chưa đến 1/3 so với con số tự lập là 16,4 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn hàng hóa tăng mạnh, từ mức 777 tỷ lên 783 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong chi phí giá vốn kiểm toán phát sinh khoản giá vốn kinh doanh bất động sản hơn 66,5 tỷ, đây là lý do chính làm giảm mạnh mức lãi sau thuế Công ty. Được biết, X20 chuyên kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp dệt may, chủ yếu là dệt nhuộm may nguyên phụ liệu...

Sau kiểm toán nhiều doanh nghiệp lợi nhuận giảm 40-60%, thậm chí lỗ nặng hàng trăm tỷ - Ảnh 3.

Cùng cảnh ngộ, Camimex Group (CMX) cũng ghi nhận mức lãi ròng sau kiểm toán sụt giảm tới gần 63 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân do phải trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho, kết quả hoạt động tài chính cũng điều chỉnh theo mức thay đổi tài sản góp vốn vào công ty con năm 2013 làm ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất bị loại trừ theo chuẩn mức kế toán làm ảnh hưởng sai sót trọng yếu đến tình hình tài chính hợp nhất của đơn vị.

Theo đó kết thúc năm 2019 Camimex đạt 951 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 10,4% so với cùng kỳ, LNST đạt 77,7 tỷ đồng giảm gần 44% so với con số hơn 140 tỷ đồng LNST được doanh nghiệp này công bố tại báo cáo tự lập.

Hay Giày Thượng Đình (GTD), theo ý kiến ngoại trừ tại BCTC năm 2019 đã kiểm toán, lỗ Công ty có thể tăng lên thêm 12.2 tỷ đồng, liên quan đến hoàn nhập các khoản dự phòng phải thu khó đòi. Giải trình điều, Công ty cho rằng thiếu căn cứ lập dự phòng với khoản mục này, Công ty trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những biện pháp thu hồi.

Để lại nhiều "note" cho nhà đầu tư nhất là Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP), chỉ sau khi bị tuyên bố phá sản do mất thanh khoản, Công ty chính thức công bố BCTC kiểm với con số lỗ ròng hơn 720 tỷ (trước đó kể từ 2007 – 2018 mỗi năm SPP đều kinh doanh có lãi với doanh thu liên tục tăng trưởng cao qua các năm).

Trong đó, doanh thu thuần chỉ đạt 255 tỷ đồng giảm tới 77% so với con số hơn 1.000 tỷ đồng cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn khiến SPP lỗ gộp 369 tỷ đồng và chi phí QLDN tăng mạnh lên con số 325 tỷ khiến SPP lỗ ròng lên tới 720 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, doanh thu trong năm giảm mạnh do mất thị phần trong hoạt động sản xuất. Mặt khác, trong kỳ Công ty đã thực hiện xử lý và thanh lý hàng tồn kho, công cụ dụng cụ kém phẩm chất làm lỗ hơn 513 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận lỗ từ việc kết chuyển số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang vào kết quả kinh doanh số tiền hơn 126 tỷ đồng. Việc xử lý kế toán nêu trên đã được HĐQT thông qua tuy nhiên chưa được công bố thông tin kịp thời.

Sau kiểm toán nhiều doanh nghiệp lợi nhuận giảm 40-60%, thậm chí lỗ nặng hàng trăm tỷ - Ảnh 4.

Chiều ngược lại, sau kiểm toán LNST năm 2019 của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) tăng thêm 127,6 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán, tương ứng tăng 18,75%. PVS cho biết biến động này chủ yếu là do phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng do Hợp đồng cung cấp, cho thuê FPSO PTSC Lam Sơn đã được ký kết chính thức vào ngày 16/3/2020 và kết quả kinh doanh của một số công ty liên doanh, liên kết có điều chỉnh tăng sau kiểm toán.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên