MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau lùm xùm 'nhà phố 4 tầng hầm', Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà riêng lẻ xây tối đa 2 tầng hầm

05-07-2022 - 14:15 PM | Bất động sản

Sau vụ việc nhà riêng lẻ cao 5 tầng nổi nhưng cấp phép có đến 4 tầng hầm ở quận Ba Đình (Hà Nội) gây xôn xao dư luận, Bộ Xây dựng vừa đưa ra khuyến cáo nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm.

Nhà riêng lẻ chỉ xây tối đa 2 tầng hầm

Bộ Xây dựng mới đây có văn bản gửi các ngành, địa phương xin ý kiến góp ý đối với dự thảo tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ . Đáng chú ý, tại dự thảo này Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm, trường hợp nhà cao từ 7 tầng hoặc có 2 tầng hầm trở lên phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.

Bộ Xây dựng giao Viện Kiến trúc quốc gia dự thảo Tiêu chuẩn đối với Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế (TCVN). Dự thảo đã được xây dựng chi tiết, gửi xin ý kiến các tổ chức, cá nhân và các chuyên gia.

Sau lùm xùm nhà phố 4 tầng hầm, Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà riêng lẻ xây tối đa 2 tầng hầm - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm.

Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan và tình hình thực tế trước khi công bố TCVN đưa vào áp dụng, Bộ Xây dựng gửi dự thảo TCVN “Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế” để lấy ý kiến rộng rãi.

Trong dự thảo, các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc được quy định chi tiết: Nhà ở riêng lẻ phải xây dựng tuân theo chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao nhà ở riêng lẻ tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khoảng lùi tối thiểu của mặt tiền nhà ở riêng lẻ so với chỉ giới đường đỏ phụ thuộc chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới, được lấy theo quy định về quy hoạch xây dựng.

Khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà ở riêng lẻ liền kề hoặc công trình trong khu vực phát triển mới phải được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.

Bố trí các công trình, xác định chiều cao công trình phải đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên (nắng, gió…), tạo ra các lợi thế cho điều kiện vi khí hậu trong công trình và phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Cùng với đó, nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ thiết kế của công trình. Không xây dựng trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất…), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng; đồng thời, nhà ở riêng lẻ cần tuân thủ về phân cấp công trình xây dựng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD).

Ngoài ra, quy định thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ trong các khu quy hoạch xây dựng mới phải có diện tích không nhỏ hơn 50m2, bề rộng mặt tiền nhà không nhỏ hơn 5m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥ 19m; không nhỏ hơn 4m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ < 19m.

Dự thảo TCVN lần này cũng đưa ra chi tiết cách xác định khoảng lùi tối thiểu (m) của nhà ở riêng lẻ theo bề rộng đường (giới hạn bởi các chỉ giới đường đỏ) và chiều cao xây dựng nhà, dãy nhà.

Ngoài ra, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất của nhà ở riêng lẻ ngoài việc phải tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cũng phải phù hợp quy định tại TCVN.

Vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn cũng được chú trọng, với quy định: Nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở có tối thiểu 1 lối ra thoát nạn tại tầng 1; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có tối thiểu 2 lối ra thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m.

Tiêu chuẩn khi được ban hành sẽ hợp nhất các loại nhà ở như biệt thự, nhà liên kế, nhà ở độc lập, trở thành tiêu chí trong thiết kế, quản lý, vận hành nhà ở riêng lẻ hiện nay.

Lùm xùm nhà phố 5 tầng nổi có đến 4 tầng hầm

Như Tiền Phong thông tin, việc UBND quận Ba Đình cấp phép công trình nhà riêng lẻ tại lô B3 (phía Nam số 13 phố Sơn Tây) phường Điện Biên, quận Ba Đình cao 5 tầng nổi nhưng có đến 4 tầng hầm gây xôn xao dư luận.

Theo đó, ngày 24/9/2019, ông Tạ Nam Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (hiện là Chủ tịch UBND quận Ba Đình) đã ký GPXD số 447 cho công trình "nhà ở riêng lẻ" tại thửa đất lô B3 (diện tích 311,7m2) của ông Lê Công và bà Lương Thị Lan Anh cao 5 tầng + 1 tầng hầm, với chiều cao công trình tính từ cốt hè phố Trần Phú đến mái công trình là 19,35m (tổng diện tích sàn xây dựng là 1.420 m).

Sau lùm xùm nhà phố 4 tầng hầm, Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà riêng lẻ xây tối đa 2 tầng hầm - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân liên quan đến cấp phép nhà riêng lẻ cao 5 tầng nổi nhưng có đến 4 tầng hầm ở quận Ba Đình.


Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng (ngày 19/12/2019), cũng chính ông Tạ Nam Chiến đã điều chỉnh nội dung của GPXD đã cấp. Tại GPXD lần này công trình được cấp phép tới 4 tầng hầm (thêm 3 tầng hầm so với 1 tầng hầm ban đầu- PV), tổng diện tích sàn xây dựng điều chỉnh lên tới 2.223,1m2 (trong đó riêng tổng diện tích sàn tầng hầm lên đến 1.070,8m2, chiếm gần một nửa diện tích công trình). Chiều cao các tầng hầm đều là 3,3m.

Việc quận Ba Đình cấp GPXD bổ sung với 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn gần bằng tổng diện tích sử dụng của 5 tầng nổi cho công trình nhà ở riêng lẻ được nhiều chuyên gia đánh giá là không đúng các quy định, sẽ tạo tiền lệ xấu cho không gian ngầm đô thị.

Được biết, Bộ Xây dựng cũng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vụ cấp phép nhà riêng lẻ cao 5 tầng nổi nhưng có đến 4 tầng hầm gây xôn xao này.

Theo Bộ Xây dựng, tại các công văn số 3241 và 400 của UBND TP Hà Nội đối chiếu với các quy định công trình hướng thẳng ra đường Trần Phú thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Xây dựng, các công trình nhà ở riêng lẻ khác thuộc thẩm quyền của UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công trình có mâu thuẫn các tiêu chí thẩm quyền cấp phép nhưng UBND quận Ba Đình không tham vấn Sở Xây dựng trước khi giải quyết…

Về việc này, Bộ Xây dựng xác định các cơ quan cấp phép của UBND TP Hà Nội chưa thống nhất rõ thẩm quyền cấp phép thuộc Sở Xây dựng hay thuộc UBND quận Ba Đình tại thời điểm cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD).

Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính chỉ đạo UBND TP Hà Nội xác định lại thẩm quyền cấp phép, giao cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi (nếu có), cấp, điều chỉnh giấy phép theo đúng quy định.

Đồng thời, giao cơ quan cấp phép tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ công trình về điều kiện đảm bảo an toàn cho công trình, công trình lân cận...; chỉ đạo tổ chức kiểm tra thực địa công trình để xác định việc xây dựng theo GPXD để xử lý theo quy định các vi phạm (nếu có); kiểm tra, làm rõ sự sai khác về mật độ xây dựng trong việc cấp GPXD cho công trình.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp giấy phép khi chưa rõ thẩm quyền, cấp phép sai nội dung (hồ sơ ghi là công trình trong ngõ nhưng giao thông ra phố Trần Phú). Không đề cập đến việc giữ nguyên tường rào hiện hữu tiếp giáp đường Trần Phú và lối đi vào công trình trong nội dung giấy phép xây dựng.

Cũng như hành vi phá vỡ tường rào của dự án hiện hữu để mở lối đi ra đường Trần Phú, cấp GPXD vượt mật độ xây dựng cho phép…

Theo Đình Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên